Nhập hộ khẩu vào thành phố

Còn lắm nhiêu khê

Ngày thứ 3 thực hiện quy định mới về đăng ký hộ khẩu thường trú (HKTT) vào thành phố, tại các điểm tiếp nhận hồ sơ, lượng người đến nộp hồ sơ đã bắt đầu giảm. Lý do chính như nhiều người nói là “nhận hồ sơ, nghe hướng dẫn cũng như không” vì phải chờ văn bản hướng dẫn của UBND TP…
Còn lắm nhiêu khê

Ngày thứ 3 thực hiện quy định mới về đăng ký hộ khẩu thường trú (HKTT) vào thành phố, tại các điểm tiếp nhận hồ sơ, lượng người đến nộp hồ sơ đã bắt đầu giảm. Lý do chính như nhiều người nói là “nhận hồ sơ, nghe hướng dẫn cũng như không” vì phải chờ văn bản hướng dẫn của UBND TP…

Xác nhận lại, rồi... xác nhận lại!

Còn lắm nhiêu khê ảnh 1

Người dân cẩn thận ghi chép tỉ mỉ các hướng dẫn tại trụ sở công an để bổ túc hồ sơ nhập hộ khẩu, tuy nhiên nhiều vướng mắc vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Ảnh: HUỆ MINH

Trong 3 ngày đến 25 điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký HKTT tại TPHCM, đa phần những người chúng tôi tiếp xúc đều thuộc diện “vướng nhà” và đây cũng là điểm mà ngay cả những cán bộ trực tiếp thụ lý hồ sơ cũng bức xúc và chỉ biết hướng dẫn người dân “cố gắng” về làm lại.

Sáng 16-11, tại Phòng PC13 Công an thành phố, anh Đào Phú Nhuận hiện tạm trú tại phường 21 quận Bình Thạnh cầm bộ hồ sơ đi tới đi lui, vừa vò đầu bứt tóc vừa lẩm bẩm: “Trên bảo xuống, dưới bảo lên, biết đâu mà mò”.

Anh Nhuận kể: “Gia đình chúng tôi xuống thành phố từ năm 1979, đến nay đã ngót 26 năm. Hồ sơ giấy tờ đầy đủ cả chỉ kẹt cái chuyện nhà mà đến nay, 2 vợ chồng cùng 5 đứa con vẫn là “công dân hạng hai”… Khi đọc quy định mới về đăng ký HKTT, ngay sáng sớm ngày 14-11, anh mang bộ hồ sơ đầy đủ theo quy định, kể cả xác nhận của UBND phường về tình trạng hợp pháp của căn nhà lên Phòng PC13 chờ được “nhập khẩu”.

Sau khi nghe cán bộ tiếp nhận hồ sơ thông báo: “Hồ sơ của anh đủ cả, chỉ có giấy xác nhận của UBND phường về tình trạng hợp pháp của căn nhà chưa đúng mẫu. Anh đem về xin xác nhận lại rồi đưa hồ sơ lên đây”, khấp khởi mừng, anh Nhuận đem tờ giấy viết tay của cán bộ hướng dẫn về phường. Trong đơn xin xác nhận anh ghi đầy đủ 4 yêu cầu cần phường xác nhận là “Sử dụng ổn định, không tranh chấp, không lấn chiếm, không nằm trong quy hoạch đã thông báo phải di dời”.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND phường 21 quận Bình Thạnh Nguyễn Văn Ước thay vì xác nhận những điều trên là đúng thì lại ghi: “UBND phường xác nhận nhà chưa có chủ quyền. Đến ngày 13-11 chưa có quy hoạch, chưa có đơn tranh chấp”. Cán bộ nhận hồ sơ PC13 cho biết xác nhận trên chưa đúng và yêu cầu anh về phường... xác nhận lại.

Trường hợp bà Lê Kim Tới còn bức xúc hơn. 2 mẹ con rời xã Mepu huyện Đức Linh tỉnh Bình Thuận từ năm 1976, xã đã xóa hộ khẩu từ lâu, gần 30 năm nay sống tại thành phố. Sau khi xem hồ sơ, thiếu tá Nguyễn Văn Điểu (Phòng PC13) cho biết: “Về cơ bản hồ sơ đã đầy đủ, tuy nhiên giấy xác nhận xóa hộ khẩu phải làm lại. Theo quy định trước đây chỉ cần xã xác nhận, nay phải công an cấp huyện xác nhận mới có giá trị”.

“Rời quê gần 30 năm, về xã may ra có người nhớ mình từng ở đây nên xác nhận chứ huyện họ biết mình là ai mà xác nhận…”, bà Tới băn khoăn nói.

Dân hỏi, cán bộ... chờ hướng dẫn!

Còn lắm nhiêu khê ảnh 2

Khu vực tiếp nhận hồ sơ đăng ký HKTT tại quận Tân Bình đã quá tải. Ảnh: H.P

Tại thời điểm này, ở các điểm đăng ký HKTT công an các quận, huyện đã nảy sinh hàng loạt khó khăn mà đợt tập huấn vừa qua chưa lường hết được. Trường hợp ông Nguyễn Mạnh Hùng, ở quận Tân Bình là một điển hình.

 Ông Hùng cho biết: “Đợt đầu năm gia đình tôi không đủ điều kiện. Sau gần 1 năm trời chuẩn bị hồ sơ, nay đem đến thì cán bộ lại nói còn thiếu. Mà đâu phải tôi thiếu”. Theo ông, phường Tân Phú, quận Tân Bình sau khi sáp nhập đã đổi thành phường 14, quận Tân Bình. Ông Hùng phải chuyển KT3 từ phường cũ qua phường mới nên tại phường mới ông phải làm lại KT3 và như vậy ông không đáp ứng được yêu cầu phải có KT3 liên tục 3 năm.

Cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố xác nhận nhưng lãnh đạo phường chưa đồng tình, vả lại hồ sơ xác nhận KT3 của ông tại phường Tân Phú đã bị thất lạc. Dù được hứa hẹn sẽ giải quyết hồ sơ ban đầu nhưng ông Hùng vẫn chưa hết lo âu.

Theo thống kê, tại quận 8 có 10.742 hộ với 39.878 nhân khẩu thuộc diện KT3. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là diện đủ điều kiện nhập HKTT theo quy định mới. Hàng trăm hộ chưa đủ 3 năm thường trú KT3 trong khi đã có hơn chục năm sinh sống tại thành phố. Việc này thể hiện qua các sổ tạm trú, tạm vắng.

Có trường hợp cán bộ tiếp nhận không biết giải thích ra sao. Quy định mới hiện nay cho phép cha theo con; con theo cha thậm chí cháu theo chú, bác. Nhưng, trường hợp cháu bé mẹ chết, người cha mới lấy vợ hai và cũng vừa mất, vậy con có theo mẹ kế được không? Rất nhiều tình huống mà cán bộ hướng dẫn cũng chỉ biết nhìn người dân rồi cười và hẹn: “Chờ hướng dẫn của thành phố”.

Theo thiếu tá Vũ Thị Hương, Phó Đội trưởng Đội Quản lý hành chính trật tự xã hội công an quận 8: “Chúng ta cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu để bổ túc đầy đủ hồ sơ trước khi đem lên nộp. Còn về phía người dân, theo tôi trước sau gì các hộ đủ điều kiện cũng được đăng ký HKTT cho nên bà con nên tuần tự đến để công việc không quá căng thẳng…”.

Sớm tập huấn ở tất cả các địa phương, thống nhất mẫu xác nhận và UBND thành phố sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật và đề ra hướng giải quyết với những trường hợp phát sinh… đang là mong chờ của hàng vạn hộ dân ở thành phố ª.

CHIẾN DŨNG – ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục