“Cơn lốc” blog…

“Cơn lốc” blog…

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một lãnh đạo Bộ Bưu chính-Viễn thông thừa nhận, việc quản lý dịch vụ blog hiện đang nằm ngoài khả năng kiểm soát của cơ quan nhà nước. Vì vậy, bộ đang xúc tiến xây dựng các quy chế để quản lý dịch vụ này trong thời gian tới. Và lúc đó, những trang blog “đen”, không lành mạnh, chuyên truyền bá, phát tán những nội dung xấu, đồi trụy… sẽ được khống chế.

Phát triển theo cấp số nhân

Theo giới chuyên môn, sự phát triển của dịch vụ blog hiện có thể gọi là nhanh như “cơn lốc”. Tại Việt Nam, blog đang phát triển theo cấp số nhân, rất nhiều “cộng đồng cư dân mạng” đang sử dụng blog như là một thú vui, một nhu cầu giải trí, chia sẻ những tâm sự, tình cảm riêng tư của mình...

Mặc dù trên “thị trường mạng” có rất nhiều dịch vụ cung cấp blog như: My Opera, WordPress, TypePad, Blogger… Tuy nhiên, dịch vụ blog “hot” nhất, được nhiều người ưa chuộng nhất hiện nay là Yahoo! 360o, lý do là dịch vụ này cho phép dùng miễn phí, dễ sử dụng nhờ sự phổ biến rộng rãi của mạng Yahoo (đặc biệt là Yahoo! Massenger).

“Cơn lốc” blog… ảnh 1

Nhu cầu về dịch vụ blog ngày càng phát triển. Ảnh: T.Liêm

Để việc dùng blog đạt hiệu quả thì theo ProBlogger, trước khi dùng blog, bạn cần phải trả lời 4 câu hỏi căn bản, trong đó câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất là “Mục đích của bạn khi sử dụng blog là gì?”.

Trên thực tế, việc sử dụng blog giống như con dao hai lưỡi. Nếu mục đích sử dụng của bạn mang dụng ý tốt, bạn sẽ có kết quả tốt, blog giúp bạn xả stress, thoải mái, vui vẻ, dễ chịu, yêu đời hơn, làm được nhiều việc có ích hơn cho mình và cho cộng đồng xã hội.

Ngược lại, nếu mục đích sử dụng của bạn mang dụng ý xấu thì hậu quả thật khôn lường.

Giới chuyên môn cho rằng, việc dùng blog rất cần phải có văn hóa. Và tính văn hóa ở đây là không biến blog thành phương tiện để chuyển tải những ngôn từ nhằm đả kích, nói xấu các tổ chức và cá nhân mà mình không ưa thích, bất mãn... Không nên vội vàng viết blog khi bản thân đang ở trong tâm trạng bị kích động vì lòng ghen tức, vì tính đố kỵ, ích kỷ, cá nhân…

Càng không nên dựng chuyện, xuyên tạc sự thật để viết blog. Bản chất của blog là nhật ký, nhưng người sử dụng nó phải hiểu là những trang nhật ký đó có đến hàng ngàn, hàng triệu người đọc.

Nếu sự thật trong blog bị bóp méo nhằm để tạo xìcăngđan, câu khách, tiếp thị cho bản thân, hoặc là để thỏa mãn những nhu cầu thấp hèn… thì kẻ viết những trang blog đó mới thật sự là kẻ vô văn hóa, vì chính họ đã lừa dối cả hàng ngàn, hàng triệu người đọc những trang blog đó.

Chưa quản lý được blog “đen”?

Lướt qua một số trang blog trên mạng Yahoo! thời gian gần đây, không ít người đã phải “kinh hồn” khi thấy những trang blog đậm đầy chất sex, mô tả chi tiết chuyện phòng the, cơ thể, ưỡm ờ khi ám chỉ nhân vật này, nhân vật nọ.

Có kẻ thiếu nhân cách còn dựng chuyện yêu đương với những nhân vật nổi tiếng, những vị lãnh đạo này, ông “sếp” nọ, thậm chí có người đã chết cũng được đưa vào blog để tăng thêm phần “long trọng” cho “tình yêu” của bản thân người viết blog.

Người chết thì không thể sống lại để mà cải chính, hoặc là “cùng đồng cảm”, thế nhưng có không ít những người còn sống và còn đang tại vị cũng đã phải “sững sờ” khi thấy “bóng dáng” mình trong những trang blog đầy kích động mà theo họ trong đó có 99% nội dung là bịa đặt.

 “Viết nhật ký mà vu khống người khác, bịa ra để viết thì thật là đáng xấu hổ” - Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp khá nổi tiếng trên địa bàn TPHCM đã bức xúc phát biểu như thế sau khi đọc một trang blog có nhắc đến ông.

Ông cho rằng, chỉ có những kẻ thiếu văn hóa, thiếu nhân cách mới làm như thế, “Mà những kẻ như thế lại cứ hay hô hào cho rằng mình là trí thức có văn hóa, có nhân cách mới thật là lạ” - ông cười và nói một cách đầy mỉa mai.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một lãnh đạo Bộ Bưu chính-Viễn thông thừa nhận, việc quản lý dịch vụ blog hiện nay đang nằm ngoài khả năng kiểm soát của cơ quan nhà nước. Vì vậy, bộ đang xúc tiến xây dựng các quy chế để quản lý dịch vụ này trong thời gian tới.

Và lúc đó, những trang blog “đen”, không lành mạnh, chuyên truyền bá, phát tán những nội dung xấu, đồi trụy… sẽ được khống chế. Hy vọng, những động thái tích cực từ ngành bưu chính-viễn thông sẽ sớm giúp cho một loại hình dịch vụ được nhiều người yêu thích trên mạng internet thêm lành mạnh và mang tính văn hóa cao hơn.

NGUYỄN THU TUYẾT

Tin cùng chuyên mục