
Chiều 17-1, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp sơ kết tình hình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào KCN và vùng phụ cận năm 2005. Nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ không ít bức xúc với lãnh đạo thành phố...
- Doanh nghiệp khó khăn vì vướng thủ tục

KCN Lê Minh Xuân (Bình Chánh) - dành cho việc di dời các cơ sở ô nhiễm - đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Giám đốc Công ty Dệt Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp (DN) rất nóng ruột trước yêu cầu phải di dời. Thực chất, từ năm 1997 công ty đã hoạch định kế hoạch di dời nhà máy nhưng mãi đến năm 2003 mới phê duyệt được phương án. DN cũng đã thuê 3 ha đất tại KCN Tân Tạo và đang chạy đủ tiền để trả tiền thuê đất (hơn 30 tỷ đồng), trong tổng vốn của cả dự án khoảng 362 tỷ đồng.
Quá trình đó có nhiều khó khăn cần giải quyết, nhưng khó khăn lớn nhất lại nằm ngoài tầm tay của DN và có lẽ của nhiều ngành chức năng. Đó là nguyên tắc căn bản giúp DN có vốn di dời là sử dụng vốn bán mặt bằng hiện hữu để di dời đến nơi mới, thế nhưng sau khi định giá thì chào bán mãi chẳng ai mua - và theo quy định cứ 6 tháng lại phải định giá lại một lần, thủ tục nhiêu khê nên lần chần mãi vẫn chẳng tìm được vốn.
DN vừa phải tiến hành xây dựng và đầu tư nhà máy mới, di chuyển công nhân, tổ chức sản xuất để không đứt đoạn thị trường, vừa phải tìm cách bán nhà xưởng thì đúng là quá tải. Theo ông, TP nên có một trung tâm chuyên đứng ra bán các mặt bằng này là hay nhất, đỡ tốn kém.
Còn DN Phân bón Hòa Bình chuyên tiếp nhận và xử lý chất thải hầm cầu thành phân bón hữu cơ thì tỏ ra lo lắng. Thành lập từ năm 1987 tại khu vực vườn rau Tân Thắng, giữa đồng không mông quạnh, đến nay khu vực trở thành khu dân cư thành ra DN lại nằm trong tình trạng phải di dời. Vấn đề là DN đã tìm địa điểm ở khu vực Đa Phước để di dời đến nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt quy hoạch. Trong khi đó, DN được thông báo phải chấm dứt hoạt động vào cuối tháng 5 năm nay, khi mà nhà máy mới chưa được xây dựng. Thật đáng lo ngại khi đây là công ty duy nhất tại TP tiếp nhận và xử lý chất thải hầm cầu (khoảng 450m3/ngày), nếu công ty ngưng tiếp nhận thì các xe hầm cầu sẽ tìm cách đổ khắp nơi và còn gây ô nhiễm nặng hơn.
Nhìn chung, các DN đều cho rằng trong quá trình di dời hiện nay, việc xử lý diện tích đất trên vị trí cũ để tìm vốn quá nhiêu khê về thủ tục, nhiều nơi chưa có quy hoạch nên không thể làm gì vì chưa biết mục đích sử dụng đất này trong tương lai sẽ ra sao. Còn rất nhiều DN chưa có giấy chủ quyền đất. Có những DN phải chạy tới chạy lui chỉ vì mỗi lần đến là một lần bổ sung thêm giấy tờ nên mất cả năm trời vẫn chưa xong. Quá trình này kéo dài khiến cho nhiều khi làm xong thủ tục, giá trị đền bù tăng gấp 7 - 8 lần, tổng vốn đầu tư tăng hơn 100 tỷ đồng phải có sự điều chỉnh, lại mất thời gian.
- Quyết tâm tái lập môi trường sống trong lành
Không thể phủ nhận những nỗ lực mà lãnh đạo TP đã làm trong năm vừa qua. Cho đến nay, trong tổng số 1.398 DN và cơ sở sản xuất phải di dời, đã có 1.042 DN hoàn tất di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề, chấm dứt hoạt động. Thế nhưng, đối với hơn 356 doanh nghiệp còn lại, việc di dời không đơn giản khi việc xây dựng nhà xưởng và đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị có tổng vốn tới hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng, có hàng ngàn lao động phải bố trí lại việc làm và hợp lý việc di chuyển đến nhà máy mới.
TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ di dời như cho phép các DN thành lập sau khi có Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 được hưởng mức ưu đãi 50% so với các DN thành lập trước đó và chính sách hỗ trợ 200.000 đồng/m2 tiền thuê đất tại địa điểm mới của DN. Đến nay, TP đã chi khoảng 100 tỷ đồng hỗ trợ DN di dời. Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, các DN thực hiện di dời sẽ góp phần chỉnh tranh đô thị và trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.
Chính vì vậy, tới đây sẽ tiến hành kiểm tra và lập thủ tục xác nhận các DN đã hoàn tất công tác di dời để họ tiến hành thủ tục hưởng chính sách ưu đãi. Với DN xin gia hạn, bắt buộc họ áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm và thực hiện đúng tiến độ như cam kết. Trước mắt, trong tháng 1, TP sẽ công bố qui hoạch mục đích sử dụng các khu đất trên vị trí cũ hiện hữu để DN có kế hoạch sử dụng; từ nay đến giữa tháng 2-2006 sẽ rà soát lại toàn bộ các cơ sở để sau đó làm việc với các bộ ngành trung ương triển khai các biện pháp phối hợp thúc đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện.
VĂN MINH HOA