
Sau khi báo SGGP đăng bài “Có luật, có công đoàn – vì sao công nhân vẫn đình công tự phát?” (ngày 24-2), nhiều bạn đọc đã gọi điện đến báo bày tỏ bức xúc: Phải chăng công đoàn (CĐ) đã mất vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động và đành “bó tay” trong những tranh chấp lao động…? Chúng tôi đã đem những bức xúc của bạn đọc đặt vấn đề với ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM.

Ông Nguyễn Huy Cận
- PV: Thưa ông, ông nghĩ gì khi nhiều công nhân đã 5, 6 năm làm việc cho DN nhưng không biết đến công đoàn cơ sở (CĐCS)?
- Ông Nguyễn Huy Cận: Điều đó đúng, nếu CĐCS ở đó không được tạo điều kiện để hoạt động. Cứ lập ra để đó thì làm sao công nhân biết được. Còn nếu DN tạo điều kiện cho CĐ tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, học luật, thì chắc chắn công nhân sẽ tìm đến với CĐ!
Cán bộ CĐCS làm việc trên cơ sở tự nguyện, họ thích tham gia hoạt động là vì tình cảm với công nhân, tổ chức CĐ là chính, CĐ cấp trên có trả lương cho họ đâu. Hiện nay tìm được người chịu đứng ra “giữ chức” Chủ tịch CĐCS là mừng lắm rồi, đó là một thực tế!
- Những cuộc đình công tự phát vừa qua cho thấy, người lao động rất “lơ mơ” về pháp luật. Có phải do nguyên nhân là hệ thống CĐ không hoạt động đến nơi đến chốn?
- Giáo dục văn hóa, pháp luật cho người lao động (NLĐ) không đơn giản. Vì nó còn tùy thuộc vào NLĐ có muốn học hay không. Rồi tình trạng tăng ca liên tục, họ không có thời gian tái tạo sức lao động, đầu óc đâu mà ngồi học. Hơn nữa NLĐ ở các DN có đông công nhân chủ yếu từ các tỉnh đổ về, trình độ văn hóa thấp, làm một vài năm “lận lưng” được chút ít vốn, rồi về quê. Thế nên, nếu không xác định trọng tâm tuyên truyền thì có làm mấy mươi năm nữa cũng chưa hết!
Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền để mọi người dù ở bất kỳ trình độ nào cũng có thể tiếp thu được. Mặc khác DN cũng cần thực hiện đúng luật và thông báo rõ ràng cho công nhân hiểu. Khi chủ DN và NLĐ cùng am tường và vận dụng đúng pháp luật hiện hành, mâu thuẫn nội bộ sẽ khó phát sinh. Hiệu quả tuyên truyền đến NLĐ sẽ còn nhiều hạn chế khi chưa có sự hỗ trợ đồng bộ của DN và các ban ngành, nếu không muốn nói lắm lúc “khoán trắng” cho CĐ.
- Có ý kiến cho rằng CĐCS đã mất vai trò trong việc lãnh đạo, khởi xướng các cuộc đình công như pháp luật qui định?
- Đình công là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường. NLĐ bị giới chủ o ép, họ phải đứng lên để đòi quyền lợi. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nói rằng CĐ mất vai trò… nên mới dẫn đến đình công tự phát không đúng qui trình, thủ tục. Đã nhiều lần tôi nói thẳng, có những đơn vị không có CĐ nữa chứ đừng nói CĐ yếu.
Ở khu chế xuất, khu công nghiệp TP chỉ có 50% doanh nghiệp có CĐ, còn trên cả nước chỉ có 20% doanh nghiệp ngoài quốc doanh có CĐ. Lúc “xách cặp” đi vào xây dựng CĐ thì doanh nghiệp cản trở, không cho, còn khi có tranh chấp lao động xảy ra, thì ai cũng hỏi CĐ đâu, kể cả chủ DN?
Vấn đề ở chỗ là phải xây dựng lực lượng nòng cốt, CĐCS mạnh không phải là trên báo cáo con số đoàn viên, mà phải nắm trong tay bao nhiêu cán bộ chủ chốt, có uy tín với NLĐ. Ở các nước cũng thế, CĐCS chỉ cần nắm thật sát tâm tư nguyện vọng của NLĐ, có “rục rịch” gì phải báo ngay CĐ cấp trên. Theo cơ chế của chúng ta hiện nay cán bộ CĐCS ăn lương của DN, như vậy làm sao họ dám đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi cho NLĐ? Đã có trường hợp cán bộ CĐCS bị đuổi việc do làm trái ý ông chủ để bảo vệ công nhân.

Giờ tan ca buổi trưa của công nhân khu chế xuất Linh Trung.
- Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp vi phạm các chế độ, chính sách đối với NLĐ rất nghiêm trọng, kéo dài. Chẳng lẽ hệ thống CĐ không biết?
- Việc kiểm tra giám sát doanh nghiệp có thang bảng lương hay không và các chế độ chính sách về nghỉ lễ, phép năm, độc hại, thai sản … là của các cơ quan quản lý nhà nước. CĐ chỉ là một thành viên phối hợp cùng thực hiện, chứ không ai cho quyền CĐ đi kiểm tra DN.
Một khía cạnh khác, tốc độ lập DN mới hiện nay rất nhanh, nhiều lúc các cơ quan chức năng kiểm tra không kịp, thậm chí có trường hợp phạt rồi nhưng DN không chấp hành, vì không có thời gian hậu kiểm. Xin nói thật, đến cơ quan quản lý nhà nước mà họ còn “lờn thuốc” thì tiếng nói CĐ họ nghe được bao nhiêu phần trăm...
- Nói như vậy thì CĐ sẽ “bó tay” trong những tranh chấp giữa NLĐ và người sử dụng LĐ nếu không có sự giúp sức của các cơ quan quản lý nhà nước?
- Đúng! Chúng tôi rất cần sự giúp sức của các cơ quan quản lý nhà nước vì CĐ chỉ là tổ chức vận động, thuyết phục chứ không có quyền hành xử pháp luật. Sự phối hợp giữa CĐ và chính quyền thời gian tới cần phải sâu hơn, phải tham gia từ đầu mọi vấn đề chứ không thể theo sau để giải quyết hậu quả. Có như thế thì các tổ chức đoàn thể nói chung và CĐ nói riêng sẽ tham gia hiệu quả hơn vào việc “hạ nhiệt” các vấn đề “nóng” của người lao động.
Tranh chấp lao động luôn có hai hình thức về quyền và lợi ích. Nếu xảy ra tranh chấp về quyền thì có nghĩa là DN chưa làm đúng luật, vậy thì chỉ có chính quyền yêu cầu họ làm đúng luật. Còn về lợi ích đó là sự thỏa thuận giữa công nhân và chủ DN, CĐ chỉ làm trung gian. Do đó, nếu có tranh chấp lao động đông công nhân xảy ra thì người đứng đầu chính quyền địa phương có trách nhiệm ổn định tình hình an ninh trật tự.
CĐ chỉ là yếu tố nòng cốt thực hiện vai trò vận động làm cho trật tự xã hội sớm được ổn định và thương thuyết với giới chủ đưa những kiến nghị của NLĐ lên bàn chủ DN. Lâu nay cứ đụng tới công nhân là kêu CĐ, tất nhiên CĐ nhảy vào, nhưng với góc độ đã được pháp luật qui định, CĐ không là “thuốc” để chữa được bách bệnh! Vấn đề của công nhân không thể chỉ là của riêng tổ chức CĐ.
Điều cuối cùng mà chúng tôi muốn nói là CĐ Việt Nam luôn mong muốn góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa để hỗ trợ DN phát triển. Chúng tôi mong “DN và CĐ ngồi cùng mâm” để chăm lo cho người lao động và cũng để giúp DN phát triển.
- Xin cảm ơn ông!
TRẦN TOÀN