Công nghệ số - Động lực tăng trưởng của Đông Nam Á

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), công nghệ số đã thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng cơ hội và cải thiện các dịch vụ của chính phủ trên khắp châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, tại khu vực Đông Nam Á, khởi nghiệp về công nghệ số đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế.
Một công ty khởi nghiệp công nghệ số tại Malaysia
Một công ty khởi nghiệp công nghệ số tại Malaysia

Số hóa mạnh mẽ

Theo ADB, việc sử dụng dữ liệu lớn và sự gia tăng của các nền tảng trực tuyến đã đẩy nhanh quá trình số hóa trong thập niên qua. Ngoài ra, vai trò của công nghệ số trong giai đoạn giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 vừa qua đã thúc đẩy lĩnh vực này phát triển hơn nữa. Quá trình chuyển đổi sang công nghệ số cũng đã giảm bớt các rào cản đối với việc gia nhập thị trường của các công ty, giảm bớt sự bất bình đẳng trong quá trình này. Những tiến bộ trong công nghệ số đã nâng cao năng lực sản xuất của các nền kinh tế, giúp nâng cao hiệu quả và tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, số hóa đã góp phần gia tăng hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, giúp nhiều nền kinh tế đạt được tiến bộ thông qua các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là SDG 9, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu, thúc đẩy công nghiệp hóa toàn diện và bền vững, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

ADB nhận thấy rằng để công nghệ số thúc đẩy hơn nữa hiệu quả sự phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cần đầu tư nhiều hơn vào chính sách, quy định, cơ sở hạ tầng, năng lực và kỹ năng. Trên cơ sở này, ADB hiện chủ trương đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ số, chẳng hạn như mạng viễn thông, trung tâm dữ liệu, dịch vụ đám mây, thiết bị và ứng dụng cũng như nguồn điện đầy đủ. Bên cạnh đó, ADB đầu tư vào các ngành công nghệ số thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, hoặc nâng cao năng lực cạnh tranh; khuyến khích khởi nghiệp công nghệ số…

Tiềm năng từ Đông Nam Á

Theo ghi nhận của ADB, bất chấp tác động tiêu cực của tình trạng kinh tế toàn cầu suy giảm và các chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn đối với tăng trưởng vào năm 2023, khu vực Đông Nam Á vẫn tiếp tục là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Thúc đẩy sự tăng trưởng này là việc mở rộng và áp dụng rộng rãi internet với phần lớn các quốc gia trong khu vực, tỷ lệ sử dụng internet tối thiểu 70% vào năm 2022. Các khu vực chính như Malaysia, Singapore và Brunei đã theo kịp các nền kinh tế phát triển như Liên minh châu Âu (EU), tự hào với tỷ lệ truy cập internet ấn tượng từ 90% trở lên. Theo Báo The Manila Times, ADB tin rằng hiện có các điều kiện cho sự phát triển đặc biệt tích cực về khởi nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế khu vực Đông Nam Á. Theo khảo sát của ADB, một phần là do quá trình phát triển kỹ thuật số qua cuộc khủng hoảng Covid-19 và đến nay, doanh nghiệp và dịch vụ số hóa đang phát triển mạnh trong khu vực.

ADB dự báo làn sóng số hóa xuất phát trong cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) 4,5% của khu vực Đông Nam Á trong năm 2023 và hơn thế nữa. Các quốc gia trong khu vực đang tận dụng nhiều cơ hội số hóa. Theo Quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures (Singapore), các công ty khởi nghiệp công nghệ số của Đông Nam Á có tổng mức định giá là 340 tỷ USD vào năm 2020 và dự báo con số này sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2025. Theo ADB, ở Đông Nam Á, nhiều hộ gia đình hiện có đủ tiền tiết kiệm để thành lập doanh nghiệp nếu họ nhìn thấy cơ hội chứ không phải vì họ cần phải tồn tại về mặt kinh tế. Làn sóng ngày càng tăng của các công ty mới có vốn và ý tưởng sẽ tạo ra sự tăng trưởng kinh tế mới và sắp tới là các tập đoàn khổng lồ trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục