Công nghiệp giải trí chăm sóc sức khỏe tâm thần

Tại Nhật Bản, nơi mà bệnh tâm thần vẫn được xem là một chủ đề cấm kỵ, thì tập đoàn công nghiệp giải trí Sony vừa khởi động một dự án tiên phong nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và thể chất cho các nghệ sĩ của họ.
Lễ hội nhạc rock Fuji tại Yuzawa, tỉnh Niigata, Nhật Bản
Lễ hội nhạc rock Fuji tại Yuzawa, tỉnh Niigata, Nhật Bản

Theo chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần vừa được triển khai vào tháng 8-2021, Sony Music Entertainment (SMEJ) đã cung cấp cho các nghệ sĩ và những nhà sáng tạo nghệ thuật của họ dịch vụ tư vấn y tế trực tuyến miễn phí 24/24 giờ, dịch vụ tư vấn trực tiếp và dịch vụ kiểm tra sức khỏe tâm thần, thể chất thường xuyên.

Đây là chương trình giúp SMEJ đối phó với những thiệt hại mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với đời sống của những người làm nghề biểu diễn. Shinji Obana, Phó Chủ tịch Chiến lược kinh doanh toàn cầu của SMEJ, cho biết, loại hình hỗ trợ này gọi là “B-side”, rất khó tìm thấy ở Nhật Bản. Nó không giống như ở châu Âu và Mỹ, nơi các công ty âm nhạc hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận để hỗ trợ sức khỏe tâm thần của các nghệ sĩ của họ.

Theo ông Obana, mặc dù số lượng nghệ sĩ được tư vấn vẫn còn ít và không thể tiết lộ danh tính, nhưng các nghệ sĩ, những người làm nghề sáng tạo và nhân viên đang dần thay đổi suy nghĩ. Hiện tại, có khoảng 400-500 người đủ điều kiện được sử dụng các dịch vụ “B-side”. Công ty cũng đang có kế hoạch tổ chức các buổi hội thảo nội bộ cho tất cả nhân viên để nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần và tạo ra một môi trường để mọi người có thể mở lòng hơn khi nói về chủ đề này trong công ty.

Các cố vấn từng làm việc trong ngành công nghiệp âm nhạc ca ngợi sáng kiến“B-side” là bước đột phá ở một quốc gia, nơi mọi người rất ngại nói về các vấn đề sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, họ nói rằng các biện pháp này không đủ để cải thiện cơ bản tình hình.

Theo Yuri Ishii, một cố vấn công nghiệp giải trí đã từng làm việc tại các công ty thu âm lớn với hơn 30 năm kinh nghiệm, kể cả với tư cách là giám đốc điều hành, cho biết những người ở vị trí quyền lực trong ngành này cần phải từ bỏ những mặc định rằng nghệ sĩ rất vui vẻ làm việc vì âm nhạc là thứ họ yêu thích. Nhiều đàn anh trong nghề vẫn mong nghệ sĩ trẻ chịu đựng và vượt qua khó khăn để xây dựng sự nghiệp, dựa trên kinh nghiệm sống sót sau một thời gian dài làm việc bạt mạng để đạt được thành công.

Nghệ sĩ cũng dễ lầm tưởng rằng lo lắng hoặc đau đớn là nguồn sáng tạo cần thiết - cũng là một quan điểm thường được người hâm mộ và nhà sản xuất mặc định và nhồi nhét. Rồi áp lực ra sản phẩm nghệ thuật mới và kỳ vọng nó thành công… Masahiko Teshima, một nghệ sĩ chuyển sang làm cố vấn công nghiệp giải trí và từng là giáo viên tại Học viện Âm nhạc Muse ở Tokyo, cho biết sức nặng của sự kỳ vọng như vậy có thể ngăn cản các nghệ sĩ được nghỉ ngơi, ngay cả khi họ đang cảm thấy rất căng thẳng. Mạng xã hội là “một gánh nặng”, một phần vì nó khiến nghệ sĩ dễ bị tấn công trực tuyến hơn.

Các nhà tham vấn ở Nhật Bản cho rằng, nhận thức của cộng đồng về chăm sóc sức khỏe tâm thần có thể được nâng cao chỉ khi các nghệ sĩ Nhật Bản chịu cất lên tiếng nói về tầm quan trọng của thực trạng này, như ca sĩ Billie Eilish của Mỹ hoặc nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc. Họ là những người nổi tiếng rất cởi mở khi nói về những thách thức về sức khỏe tâm thần đang phải đối mặt.

Trả lời phỏng vấn của tờ Mainichi, ông Obana cho biết, nhiều người đã nhận ra, giữa đại dịch, họ được ngành giải trí giúp nâng đỡ tinh thần nhiều như thế nào, và Sony muốn tạo ra một môi trường tốt hơn, trong đó các nghệ sĩ, những người đã lên dây cót tinh thần cho khán giả, khỏe mạnh, vững vàng làm việc.

Tin cùng chuyên mục