Nhà máy Thủy điện Sơn La

Công trình tầm cỡ quốc tế của người Việt Nam

Công trình tầm cỡ quốc tế của người Việt Nam

Đúng 9 giờ 45 phút ngày 2-12, tại PaVinh II, xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, Thủ tướng Phan Văn Khải đã bấm nút phát lệnh nổ mìn ngăn sông Đà, chính thức khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, niềm vui trong ngày khởi công công trình này đã đến với người dân Sơn La và hàng ngàn kỹ sư, công nhân công trường từ đêm 30-11.

  • Thành phố ánh sáng... mai này!
Công trình tầm cỡ quốc tế của người Việt Nam ảnh 1

Thủ tướng Phan Văn Khải tặng hoa chúc mừng cán bộ, công nhân thi công trên công trường.

Chưa bao giờ thị xã Sơn La trang hoàng lộng lẫy với băng rôn, cờ hoa rợp trời đến vậy. Đêm 30-11, buổi tường thuật trực tiếp chương trình “Cả nước chung tay cùng Thủy điện Sơn La” của Đài truyền hình Việt Nam đã thực sự gây xúc động đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La và những công nhân đang trực tiếp thi công công trường.

Ngày 1-12, hàng ngàn khách mời, đại diện chủ đầu tư, UBND tỉnh Sơn La, nhiều tỉnh bạn và 13 đơn vị thi công công trình này đã có mặt tại Sơn La. Sự quan tâm của đông đảo khách mời từ Nam chí Bắc đã khiến cho người dân Sơn La càng có dịp tự hào về công trình thế kỷ được xây dựng ở tỉnh nhà.

Sáng 2-12, dù đến 9 giờ mới bắt đầu lễ khởi công nhưng hàng ngàn người dân ở Mường La đã cuốc bộ, ùn ùn kéo về công trường để chứng kiến lễ khởi công và lấp nốt 15m cuối cùng chính thức “hàn khẩu”, chặn dòng sông Đà hung dữ.

Thủy điện Sơn La được thiết kế với độ an toàn rất cao, có thể chịu đồng thời động đất cấp 8 và dòng lũ sông Đà tới 48.000m3/s. Điểm rất đáng tự hào nữa là dù quy mô tầm cỡ quốc tế như vậy nhưng hầu hết các hạng mục, công trình đều do các kỹ sư, công nhân Việt Nam đảm trách, khác hẳn thời làm Thủy điện Hòa Bình. Sự trưởng thành vượt bậc ấy sẽ giúp những xã “đặc biệt khó khăn” nơi đây trở thành “thành phố ánh sáng” vào năm 2012.

  • Phấn đấu hoàn thành sớm hơn 3 năm...

Nhà máy Thủy điện Sơn La có quy mô thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á có tổng vốn đầu tư 42,4 ngàn tỷ đồng; công suất 2.400 MW với sản lượng điện phát ra hàng năm khoảng 10,2 tỷ kWh, tương đương 50% tổng sản lượng điện phát ra của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và 10 nhà máy thủy điện khác trong cả nước.

Báo cáo với Thủ tướng và các quan khách trong lễ khởi công, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) Đào Văn Hưng xúc động điểm lại nỗ lực, thành tích trong gần 1.000 ngày của 60.000 cán bộ, kỹ sư trên công trường. Với nỗ lực chung ấy, EVN hứa đến năm 2010, tổ máy đầu tiên sẽ phát điện. Do được Chính phủ tin tưởng cho áp dụng một số cơ chế đặc biệt, lại là công trình thủy điện đầu tiên thực hiện việc khởi công đồng thời với ngăn sông, công trình sẽ được rút ngắn thời gian thi công từ 2 đến 3 năm và dự kiến hoàn thành vào năm 2012.

Biểu dương những thành tích ấy, Thủ tướng Phan Văn Khải tuyên bố sẽ thưởng xứng đáng nếu tổ máy số 1 tiếp tục rút ngắn thời gian, có thể phát điện vào trước năm 2010. Thủ tướng lưu ý: “Phải đảm bảo công trình an toàn ở mức cao nhất và hiệu quả nhất!”! Thủ tướng nhấn mạnh: “Không được để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực tham nhũng tại công trình này”.

Tính toán của EVN cho thấy: Việc rút ngắn thời gian này không chỉ tiết kiệm khoảng 50 triệu USD chi phí mà công trình được đưa vào vận hành sớm sẽ mang lại doanh thu 500 triệu USD/năm, thu hồi vốn trong vòng 10-11 năm. Hơn thế, theo chuyên gia Nguyễn Quảng Hà (Viện Kinh tế Việt Nam), lợi ích từ cắt lũ và cấp nước mùa kiệt cho hạ du của Thủy điện Sơn La cũng lên tới 267 tỷ đồng.

Công trình có diện tích lưu vực nước 43.760km2 này không chỉ cung cấp điện cho cả nước mà còn có hai mục tiêu quan trọng khác: cung cấp nước cho hơn 20 triệu người cùng hàng trăm ngàn hécta ruộng lúa vùng đồng bằng Bắc bộ. Dự án còn góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Khoảng 18.000 hộ dân ở 3 tỉnh sẽ phải di chuyển đến nơi ở mới để bàn giao mặt bằng cho công trình, nhưng họ phải có điều kiện ăn ở tốt hơn.

Thực tế, di dân cũng là vấn đề Thủ tướng đặc biệt quan tâm. Ngay tại buổi lễ, Thủ tướng đã đánh giá cao tinh thần của đồng bào các tỉnh Tây Bắc đã vì lợi ích của đất nước, sẵn sàng để lại mảnh đất thân thương của mình cho công trình. Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên phải sớm hoàn thành công tác di dân, kết hợp với quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để đồng bào có cuộc sống tốt hơn so với nơi ở cũ. Riêng các đơn vị thi công phải quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của kỹ sư, công nhân trên công trường, những người hiện đang ngày đội nắng cháy, đêm chịu cái rét căm căm của thời tiết khắc nghiệt vùng Tây Bắc vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc.

NAM QUỐC
 

Tin cùng chuyên mục