Thực hiện chương trình chất vấn tại Quốc hội

Cử tri và ĐBQH cùng bức xúc về tham nhũng, thất thoát

Thường trực Chính phủ và 12 vị bộ trưởng trả lời chất vấn
Cử tri và ĐBQH cùng bức xúc về tham nhũng, thất thoát

Từ chiều thứ tư tuần này (14-6), Quốc hội sẽ tiến hành chương trình chất vấn các thành viên Chính phủ và nghe báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri. Theo tổng hợp của phóng viên Báo SGGP, trọng tâm của các phiên chất vấn sẽ xoay quanh vấn đề tham nhũng, thất thoát. Cả cử tri và ĐBQH đều đang rất bức xúc về vấn đề “nóng” này.

  • Liên quan tham nhũng, tiêu cực: Cần bỏ phiếu tín nhiệm

Cử tri và ĐBQH cùng bức xúc về tham nhũng, thất thoát ảnh 1

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.

Tổng hợp 1.173 ý kiến, kiến nghị của cử tri của UBMTTQ Việt Nam trước kỳ họp cho thấy, đông đảo cử tri và nhân dân rất bất bình trước nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng xảy ra, liên quan đến nhiều quan chức Nhà nước, trong đó có những người là cán bộ cấp cao. Nhiều vụ quy mô lớn, nghiêm trọng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.

Trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng đã xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn như: vụ xây dựng khu du lịch Rusalka ở Khánh Hòa, vụ dự án nâng cấp cảng Hải Phòng giai đoạn 2, vụ mua sắm thiết bị ở 38 bưu điện các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, vụ cảng Thị Vải trong ngành dầu khí…; đặc biệt là vụ tham nhũng, tiêu cực tại PMU 18.

“Cử tri và nhân dân cho rằng: trong khi nhân dân phải đương đầu với bao khó khăn, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, thậm chí cả tính mạng mới làm ra đồng tiền để đóng góp cho ngân sách nhà nước, thì việc quản lý ngân sách và tài sản nhà nước lại rất sơ hở, một số cán bộ, công chức suy thoái về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, lãng phí, tiêu xài phung phí, ăn chơi sa đọa” – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho biết.

Vì thế, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp sớm xử lý nghiêm những người tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là vụ PMU 18, làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GT-VT và các bộ ngành có liên quan. Kiến nghị Quốc hội xem xét, xử lý, kể cả việc cần tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có liên quan đến những vụ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vừa qua. Đồng thời xem xét bố trí những người đủ đức, đủ tài giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước.

  • Cần làm rõ trách nhiệm khi xảy ra tham nhũng, thất thoát

Không chỉ cử tri, đa số ĐBQH đều bày tỏ bức xúc của mình về tham nhũng, thất thoát, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm. Đối với đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang), mối quan tâm lớn nhất của ông tại kỳ họp này chính là vấn đề quản lý và sử dụng vốn ODA. Thế nhưng, báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc về vấn đề này trước Quốc hội được ông Trân nhận xét là “cả một rừng quy định, nhưng không rõ trách nhiệm’’.

Từng làm Trưởng đoàn giám sát về ODA của Ủy ban Đối ngoại của QH, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân khẳng định ông sẽ chất vấn một số bộ, ngành về trách nhiệm quản lý vốn ODA. Theo ông, Bộ KH-ĐT không thể thoái thác trách nhiệm là “đầu mối thu hút, quản lý, sử dụng vốn ODA’’.

Bên cạnh đó là trách nhiệm của Bộ Tài chính. Cho rằng việc quản lý vốn ODA bị buông lỏng, ông Nguyễn Ngọc Trân nói: “Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng tại kỳ họp này nên báo cáo rõ ràng, minh bạch trước Quốc hội. Đồng chí vừa vào Bộ Chính trị, nay mai nhận phân công mới, thái độ tích cực sẽ tạo ấn tượng tốt cho đại biểu’’.

Một điểm khá mới là tại kỳ họp này, Chính phủ đã gửi cho đại biểu Quốc hội báo cáo về 6 vụ án quan trọng liên quan tới tham nhũng, thất thoát. Trao đổi với PV Báo SGGP, nhiều đại biểu tỏ ra chưa hài lòng về các bản báo cáo này. Trong đó, đáng chú ý là vụ một quan chức cấp thứ trưởng quên valy chứa phong bì tiền tại sân bay.

Đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) nhận xét: “Kết quả xử lý vụ này là chưa nghiêm minh. Tôi sẽ chất vấn Thường trực Chính phủ về vấn đề này”. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) lại quan tâm hơn tới những vấn đề thời sự, trong đó có vụ bê bối tại Vietnam Airlines. Ông cho biết sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ liên quan về vụ Vietnam Airlines tài trợ cho con em một số quan chức đi du học.

“Đây có thể xem là một dạng hối lộ gián tiếp. Cũng giống như PMU18 cho “mượn” vô thời hạn một số ô tô. Bây giờ tôi tạo điều kiện cho anh bằng hình thức này, rồi đến lúc nào đó tôi sẽ yêu cầu anh trả lại bằng một hình thức khác. Tôi cho rằng, Chính phủ cần xử lý nghiêm túc vấn đề này” - đại biểu Nguyễn Đức Dũng nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Lê Quang Bình dự báo, phiên chất vấn tại kỳ họp này sẽ rất “nóng”. Càng gần đến phiên chất vấn, càng có nhiều ý kiến bức xúc của ĐBQH gửi đến chất vấn các thành viên Chính phủ và đặc biệt là trách nhiệm của tập thể Chính phủ. Chính vì thế, mặc dù Chính phủ dự kiến danh sách 11 vị bộ trưởng trả lời chất vấn kỳ này, nhưng các thành viên UBTVQH đã đề nghị cần phải có một đại diện Thường trực Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội.

BẢO MINH

Thường trực Chính phủ và 12 vị bộ trưởng trả lời chất vấn

Sau khi có ý kiến của UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phân công 12 vị bộ trưởng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9. Đó là Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đào Đình Bình, Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy. Ngoài ra, sẽ có một đại diện Thường trực Chính phủ trả lời chất vấn các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của tập thể Chính phủ.

Danh sách những người trả lời chất vấn sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định vào đầu tuần này.

Tin cùng chuyên mục