Có 9 giải pháp được đưa ra, trong đó bao gồm: tập trung cao độ phòng chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy xuất nhập khẩu; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh… Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các giải pháp quan trọng chính là tăng giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa. Đây là “cỗ xe tam mã” hợp sức “kéo” nền kinh tế Việt Nam trở lại đà tiến lên phía trước.
Trong báo cáo “Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam” kỳ tháng 8-2021 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, WB đã đưa ra khuyến nghị rằng, thời gian tới, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của sản xuất công nghiệp và bán lẻ, vì cả hai ngành này đều có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; xuất khẩu cũng có thể bị tác động do thu hẹp sản xuất ở một số khu công nghiệp. Trong khi đó, các đối tác phát triển khác cho rằng, hiện nay Chính phủ Việt Nam mới có các hoạt động kích thích kinh tế thông qua đầu tư công; do vậy, cần có điều chỉnh về dư địa tài khóa cũng như khả năng vay nợ để thúc đẩy phát triển kinh tế trong trung hạn…
Các giải pháp được Chính phủ ban hành đã đáp ứng các khuyến nghị, khuyến cáo; tuy nhiên cần phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả tất cả giải pháp này mới có thể thực hiện thành công mục tiêu kép. Trong đó, trước mắt, tập trung cao độ phòng chống Covid-19 cần được ưu tiên hàng đầu để tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài 5K, vaccine đang là chìa khóa quan trọng. Nếu đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay, thì tình hình sẽ sớm ổn định trở lại.