Cuộc hành hương kỳ vĩ của nhà văn Trúc Phương

Sau nhiều năm vắng bóng, nhà văn Trúc Phương vừa trở lại với văn đàn bằng trường ca Từ hai phía mặt trời do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Ngày 18-8, tại Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM đã diễn ra chương trình tọa đàm ra mắt trường ca Từ hai phía mặt trời. Đông đảo đồng nghiệp và người thân, bạn bè đã đến chung vui với nhà văn Trúc Phương. Từ Hà Nội, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng vào tham dự chương trình.

Nhà văn Trúc Phương (sinh năm 1951) tên thật là Nguyễn Minh Nghiệp, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TPHCM. Ông còn có các bút danh như: Sorya Phương, Nguyễn Trúc, Minh Khuê, Trần Phương Anh, Nhất Phương.

Nhà văn Trúc Phương

Nhà văn Trúc Phương

Nhà văn Trúc Phương tham gia cách mạng từ năm 1965 và từng là: Đội trưởng đội trinh sát vũ trang an ninh thị xã Vĩnh Long (1970); Ủy viên ủy ban khởi nghĩa Vĩnh Long 1975; Phó ban Tuyên huấn thị xã Vĩnh Long từ 1973. Từ 1975-1983: học Trường Tuyên huấn Trung ương, Trường Viết văn Nguyễn Du. Từ 1988-1997: Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Cửu Long và Vĩnh Long. Từ 1997, ông về Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM và từng làm Trưởng phòng quản lý thông tin Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM.

Với một quá trình sáng tác bền bỉ, nhà văn Trúc Phương đã có hơn 20 tác phẩm ra đời gồm nhiều thể loại, trong đó tiểu thuyết chiếm hơn một nửa. Có thể kể đến: Cây sầu đâu sinh đôi, Nghìn năm biển gọi, Chuyến xe ngựa cuối cùng, Nắng không của mặt trời, Chim không hót lúc bình minh, Giai điệu cuối... Về thơ, sau trường ca Những hạt cát không tên xuất bản năm 1983, đến năm 2016 ông có thêm trường ca Mẹ, đất nước và lưu dân, đạt giải 3 của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017.

Ở tuổi 72, ông vừa ra mắt trường ca Từ hai phía mặt trời khiến không ít người bất ngờ bởi độ dày lên tới 1.118 trang. Và đặc biệt, ở tác phẩm mới này, nhà văn Trúc Phương sử dụng bút danh mới là Nhất Phương, như một cách ghi nhận và tri ân đến người vợ thân thương của mình là bà Nguyễn Thị Minh Nhất, đã mất năm 2021.

Trường ca Từ hai phía mặt trời được tác giả xác định là “sử thi trái đất và loài người”, gồm 20 chương, chia thành 170 khúc. Trong lời nói đầu, tác giả bày tỏ: “Lịch sử cũng có một mặt tự sự, một mặt trữ tình, khi lịch sử là đối tượng của thi ca. Tự sự là lần theo dấu vết đã xảy ra trong trình tự thời gian mà biên niên, ghi chép, trần thuật, phản ánh lại, làm cho sự vật, hiện tượng tự nói lên. Còn trữ tình thì phải tiếp cận, đột nhập, thâm nhập, tàng hình, hóa thân vào cái phần sâu kín, cái phần hồn sống động luôn mang tính hiện sinh của lịch sử đang “tồn tại như không tồn tại” trong chính bản thân nó bởi một trạng thái mơ màng vi diệu nhưng rất vật lý vậy”.

Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM tặng hoa chúc mừng nhà văn Trúc Phương nhân dịp ông ra mắt trường ca "Từ hai phía mặt trời"

Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM tặng hoa chúc mừng nhà văn Trúc Phương nhân dịp ông ra mắt trường ca "Từ hai phía mặt trời"

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho rằng, trường ca Từ hai phía mặt trời là một nỗ lực lớn lao của nhà văn Trúc Phương. “Khao khát viết nên “sử thi trái đất và loài người” của tác giả, thực sự không nhằm phô diễn hiểu biết cá nhân, mà mong muốn cảnh tỉnh “Trái Đất dày thêm nỗi đau bên những nấm mồ/ Sấm sét cuộc thành những dòng bia khắc” nếu con người không biết nghĩ về nhau, không biết trân trọng nhau”, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho biết.

Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm chia sẻ tại chương trình

Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm chia sẻ tại chương trình

Bày tỏ sự ngạc nhiên lẫn khâm phục trước trường ca Từ hai phía mặt trời, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Để viết nó, nhà thơ phải thấu hiểu rất nhiều ở mức độ cao nhất có thể về chính trị, lịch sử, văn hóa, triết học, tôn giáo, nghệ thuật và những thăng trầm của nhân loại. Ông đã đề cập đến tất cả vấn đề của lịch sử thế giới trong trường ca của mình. Ông không phải là người viết lại lịch sử thế giới, vì nếu ông viết lại lịch sử thế giới, có thể sẽ không có cuộc ra mắt ngày hôm nay, NXB có thể không in tác phẩm này và chúng ta không cần nói về nó. Nhưng nhà thơ Trúc Phương đã dựng lại lịch sử thế giới qua trường ca của mình”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều gọi trường ca "Từ hai phía mặt trời" là cuộc hành hương kỳ vĩ của nhà văn Trúc Phương

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều gọi trường ca "Từ hai phía mặt trời" là cuộc hành hương kỳ vĩ của nhà văn Trúc Phương

Với trường ca Từ hai phía mặt trời, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, nhà thơ Trúc Phương đã có một cuộc hành hương kỳ vĩ nhất trong cuộc đời mình và đó cũng là cuộc hành hương kỳ vĩ nhất của con người, đi lại từ khởi đầu của lịch sử nhân loại, và từng bước đi qua tất cả mọi triều đại, qua tất cả về thời gian, nỗi binh biến, đau buồn, qua tất cả niềm kiêu hãnh để tiếp nhận trường ca này.

Tin cùng chuyên mục