Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù có giám đốc mới

Ngoài giám đốc mới, trong thời gian tới, Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù (gọi tắt là Thư viện sách nói Hướng Dương) có thêm nhiều hoạt động nhằm phụng sự người khiếm thị, đồng thời góp phần giúp xã hội hiểu hơn về người khiếm thị, để từ đó đồng hành cùng họ trong cuộc sống.

Ngày 25-7, Ban lãnh đạo Thư viện sách nói Hướng Dương có buổi gặp gỡ thân tình với một số phóng viên báo chí tại trụ sở thư viện (số 18B, đường Đinh Tiên Hoàng, phường Tân Định, TPHCM) để thông tin về nhân sự và các hoạt động trong thời gian tới của thư viện. Theo đó, giám đốc mới của Thư viện sách nói Hướng Dương là ông Trần Anh Khôi, một người đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại TPHCM nhiều năm nay.

IMG_2434.JPG
Ông Trần Anh Khôi (trái) và ông Dương Thành Truyền, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ sách nói dành cho người mù

Thư viện sách nói Hướng Dương được thành lập từ năm 1998, trải qua nhiều giai đoạn, nay đang xây dựng sứ mệnh mới là “Thấu hiểu người khiếm thị - Phụng sự người khiếm thị”. Từ một đơn vị chuyên làm sách nói cho người mù, cho đến nay Thư viện sách nói Hướng Dương (trực thuộc Quỹ sách nói dành cho người mù) đã có 27 năm đóng góp cho công việc thiện nguyện này, với khoảng 5000 tựa sách nói.

IMG_2463.jpg
Lớp luyện thi Chứng chỉ tin học cho sinh viên khiếm thị tại Thư viện sách nói Hướng Dương

Bên cạnh đó, thư viện cũng đã triển khai hai chương trình học bổng lớn là Học bổng Ánh Sen dành cho học sinh khiếm thị (từ năm 2001 đến nay đã trao hơn 4.500 suất với trị giá hơn 7,4 tỷ đồng) và Học bổng Hướng Dương dành cho học sinh khiếm thị (từ năm 2000 đến nay đã trao hơn 1.000 suất với trị giá hơn 4,7 tỷ đồng).

Ngoài ra, thư viện cũng đã thực hiện hai hoạt động đào tạo có ý nghĩa, gồm: Lớp luyện thi Chứng chỉ tin học cho sinh viên khiếm thị, Lớp sử dụng smartphone cho người khiếm thị.

Không chỉ vậy, Thư viện còn có những hoạt động hữu ích như tổ chức Giải Cờ vua cho người mù, tặng gậy dò đường, khám và phát thuốc cho người khiếm thị, tổ chức cho học sinh - sinh viên mù đi biển, tổ chức đêm nhạc “Ánh sáng từ trái tim” với sự biểu diễn của bạn trẻ khiếm thị cùng ca sĩ nghệ sĩ tên tuổi.

IMG_2471.jpg
Một số tình nguyện viên đang thực hiện sách nói

Để giữ vững chất lượng của sản xuất sách nói, gần đây thư viện đã tổ chức các buổi tập huấn cho các tình nguyện viên đọc sách, với giảng viên là những “giọng nói” tên tuổi như chị Khải Hoàn, chị Kim Phượng, anh Lê Hưng. Trong tháng 7 này, thư viện sẽ tổ chức các hoạt động “cây nhà lá vườn” nho nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa, như đêm văn nghệ “Hát cùng người khiếm thị” (tối 26-7) hay dự án “Chụp ảnh chân dung cho người khiếm thị” (sáng 31-7) ngay tại trụ sở của thư viện.

IMG_2480.JPG
Kỹ thuật viên làm việc tại phòng thu của Thư viện sách nói Hướng Dương

“Đêm nhạc được lên ý tưởng và tổ chức trong thời gian rất ngắn, nhưng chúng tôi may mắn có được sự đồng hành rất nhiều từ các tình nguyện viên. Với mong muốn sẽ đưa hoạt động này thành định kỳ, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của các nhà bảo trợ, để chương trình ngày càng chất lượng hơn, lan tỏa hơn và từ đó đem lại nguồn quỹ ổn định cho việc làm sách nói”, ông Trần Anh Khôi, Giám đốc Thư viện sách nói Hướng Dương, cho biết.

Không dừng lại ở đó, từ nay đến cuối năm, thư viện sẽ có thêm nhiều chuyển biến mới. Theo kế hoạch, trong tháng 8 sẽ thành lập Thư quán Hướng Dương với nhiều hoạt động văn hóa miễn phí cho người yếu thế, như chương trình “Đọc sách cho trẻ khiếm thị”. Thư viện cũng dự tính sẽ triển khai ứng dụng (app) trên thiết bị di động để người khiếm thị thuận lợi hơn trong việc nghe sách nói.

Tin cùng chuyên mục