
Cũng vì thế, tìm một cách kể chuyện mới mẻ để thêm vào vốn liếng văn hóa ấy, là một sự lao động nhọc nhằn, nghiêm túc và đầy thách thức với người viết văn. Miền cỏ tranh của Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc vừa ra mắt gần đây chính là minh chứng của sự nhọc nhằn đó.
Lấy bối cảnh chiến trường “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, tác phẩm đưa người đọc đi qua cuộc chiến trong con mắt của anh chiến sĩ trinh sát Võ Lượng. Với đôi mắt đó, bạn đọc sẽ thấy những câu chuyện của thời chiến như đám cưới chạy giặc dưới rừng già mấy lần mới yên, sản phụ ôm con bị lấp hầm, ông bố trẻ cố đào để moi lên hộp sữa móp gỉ cho con có bữa… hiện lên gần gũi, như lời tâm tình của cuộc sống thời chiến đang diễn ra.
Nhưng nếu chỉ có như vậy, Miền cỏ tranh có gì khác với các tiểu thuyết chiến tranh trước đây? Trong tác phẩm vẫn có chuyện mà ta chưa hề biết, câu chuyện của những “đời thường trong cuộc thử thách bất thường”. Nhà văn Ái Duy nhận xét: “Ở Miền cỏ tranh, sự quyết liệt với kẻ thù mới chỉ là một nửa. Ở đó còn có sống và yêu, có người vợ nơi quê nhà, có sự đấu tranh với cả những người cùng chiến tuyến, với chính mình… không phải chỉ để ngợi ca mà sâu xa để chuyển tải thông điệp phải làm sao để tránh được mọi cuộc chiến tranh đổ xuống như tai họa”.
Để làm được điều đó, bên cạnh sự hư cấu của văn học, tác giả còn sử dụng thủ pháp đồng hiện, giao thoa với các tư liệu chiến trận cùng hồ sơ từ các Tiểu đoàn, Trung đoàn của Quân khu 6 nhằm tái hiện chiến tranh nhân dân một cách tài tình. Một điều khá đặc biệt là Nguyễn Minh Ngọc rất chú ý và miêu tả rất hay các chi tiết: “Và trong những phút sống còn tình cờ giữa đạn bom, anh chợt nhìn thấy rừng cỏ tranh gan góc vàng lên giữa sỏi đá khô cằn. Giữa khốc liệt bị bom cháy trụi tưởng hết, vậy mà gặp mưa tua tủa cả một lớp ngọn mầm nhọn hoắt như chông màu lá mạ, như mảnh ruộng cày ở quê nhà mà đời chinh chiến tưởng có bao việc kinh khủng làm khuất lấp…”.
Hơn 40 năm trong quân ngũ, Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc viết khá nhiều tác phẩm về chiến tranh và các vấn đề thời sự cuộc sống. Thế nhưng, với Miền cỏ tranh, tác giả đã không đi lại lối mòn của chính mình. Như nhà văn, nhà lý luận phê bình Tô Hoàng nhận xét: “Tác phẩm có cách tiếp cận, cách cảm thụ và thể hiện đầy mới lạ trong mảng đề tài về chiến tranh vốn đã trở nên quá quen thuộc”.
Viết về chiến tranh, Nguyễn Minh Ngọc luôn tìm được góc độ cuộc đời và tâm hồn con người rất bình dị mà độc đáo, sâu sắc khó quên. Cách trò chuyện với con người đầy cảm xúc, nhiều chi tiết mà ít lý lẽ khô cứng của anh tưởng là bình dị nhưng lại là nét mới, rất khó để theo đuổi thành công trong nghề viết. Nó cho thấy sự tìm tòi trong lao động của nhà văn, để đưa câu chuyện truyền thống, con người trong lịch sử đến với bạn đọc hôm nay, những người sinh ra và lớn lên trong một thời đại đã khác rất nhiều.