Thị trường vật liệu xây dựng

Cuộc so tài của thương hiệu Việt

TUYẾT THU
Cuộc so tài của thương hiệu Việt

Trên thị trường hàng vật liệu xây dựng (VLXD) hiện nay, các thương hiệu nội như gạch men Thanh Thanh, Đồng Tâm, gạch ốp lát Vitaly, sứ vệ sinh Thiên Thanh, gạch ngói Đồng Nai… đã và đang được người tiêu dùng lựa chọn ngày càng nhiều nhờ chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập mà giá bán lại “mềm”hơn.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng của ngành VLXD trong những năm qua “rất ấn tượng” với mức tăng 25%-30%/năm. Và mặc dù theo dự báo, tốc độ phát triển của ngành VLXD trong những năm tới có thể bị chậm lại, chỉ đạt khoảng 15%-20% (do ảnh hưởng của AFTA) nhưng tiềm năng và cơ hội phát triển của ngành vẫn còn rất lớn.

Cuộc so tài của thương hiệu Việt ảnh 1

Sản phẩm trang trí nội thất ngày càng phong phú, đa dạng.

Thực tế cho thấy, hầu hết những thiết bị, công nghệ sản xuất VLXD được nhập vào VN trong vòng 10 năm trở lại đây đều là loại hiện đại của châu Âu và Nhật, nên chất lượng hàng VLXD của VN hiện nay không thua kém hàng của nhiều nước trên thế giới. Chất lượng ngày càng cao nhưng do cạnh tranh trên thị trường nên giá các mặt hàng VLXD ngày càng giảm. Một trong những mặt hàng giảm giá nhiều nhất là gạch ốp lát.

Cách đây khoảng 4-5 năm, gạch ceramic có giá đến trên 80.000 đ/m2 nay chỉ còn khoảng 50.000 đ/m2, dù quy cách, mẫu mã phong phú và đẹp hơn trước. Giá của gạch thạch anh cũng giảm mạnh. 3 năm trước, cả nước chỉ có Công ty Thạch Bàn sản xuất loại gạch này và giá bán lẻ lúc ấy lên đến 150.000-180.000 đ/m2 (loại 30cm x 30cm) thì nay giá gạch thạch anh cùng cỡ chỉ khoảng 80.000 đ/m2. Giá các mặt hàng gốm sứ vệ sinh hiện cũng đã giảm khoảng 20% – 25% so với vài ba năm trước.

Trên thị trường hàng VLXD hiện nay, các thương hiệu nội như gạch men Thanh Thanh, Đồng Tâm, gạch ốp lát Vitaly, sứ vệ sinh Thiên Thanh hay gạch ngói Đồng Nai… ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập mà giá bán lại “mềm” hơn.

Theo ông Trần Phương Tùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty VLXD số I (thuộc Bộ Xây dựng), việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, tham gia thị trường VLXD đã tạo ra xu thế cạnh tranh tích cực trên thị trường này.

Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư lớn để lắp đặt dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ kéo theo khả năng cạnh tranh lớn. Điều này đã giúp cho giá của các mặt hàng VLXD, đặc biệt là hàng trang trí nội thất VN hiện nay xuống gần bằng với giá hàng của các nước cùng khu vực; mặc khác, nó còn giúp cho ngành VLXD của VN từ chỗ có vị thế yếu, kém khả năng cạnh tranh vươn lên thành một trong những ngành đủ sức cạnh tranh với hàng của các nước ASEAN khi hội nhập AFTA.

Đối với thị trường thế giới, các thương hiệu VLXD Việt Nam hiện đã có sản phẩm ở 26 quốc gia - vùng lãnh thổ; chất lượng hàng VLXD của VN ngày càng được khẳng định, nâng cao, được thị trường các nước trên thế giới, kể cả các thị trường khó tính như Ý, Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan… chấp nhận. Chính điều này đã và đang mở ra cho các doanh nghiệp ngành VLXD nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu và phát triển bền vững.

TUYẾT THU 

 

Tin cùng chuyên mục