Đa dạng cơ cấu sản phẩm hàng hóa

Chủ động phát triển nguồn thực phẩm là một trong những mục tiêu mà TPHCM chú trọng. Với sức tiêu dùng của hơn 13 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hàng ngày là rất lớn. 
Phát triển sản xuất thực phẩm ổn định thị trường
Phát triển sản xuất thực phẩm ổn định thị trường

Tập trung sản xuất hàng hóa chất lượng 

Bên cạnh lợi thế phát triển công nghiệp dịch vụ, TPHCM còn có tiềm năng phát triển nông nghiệp. Hiện khu vực các huyện ngoại thành của thành phố đã phát triển mạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm rau xanh, chăn nuôi bò sữa, thủy sản nước ngọt, gia cầm là nguồn thực phẩm chủ lực và thế mạnh của thành phố. Vài năm trở lại đây, với phong trào nông nghiệp công nghệ cao, một số cây ăn trái có thời vụ ngắn ngày cũng đã phát triển mạnh. 

Phát triển gắn với an toàn được người dân quan tâm. Tổng số cơ sở đã được cấp chứng nhận VietGAP trên địa bàn thành phố là 364 cơ sở, với diện tích canh tác 577,96ha, sản lượng ước tính 51.297 tấn/năm. 

Hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp cũng được tiến hành thường xuyên nhằm đảm bảo chất lượng cho nguồn thực phẩm khi cung ứng ra thị trường. Trong năm 2018, cơ quan quản lý đã thanh tra, kiểm tra 60 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; đồng thời lấy 46 mẫu giống để kiểm tra. Kết quả, không phát hiện cơ sở vi phạm quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Lấy 825 mẫu rau tại vùng sản xuất và gửi phân tích các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm; kết quả, chỉ 3 mẫu phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng tối đa cho phép.

Hiện tại, TPHCM đang cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, ngành nông nghiệp tập trung vào phát triển sản xuất giống cây con chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái để nâng cao giá trị gia tăng, năng suất chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tập trung chuyển đổi mạnh đất trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang phát triển 6 loại cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, gồm: rau, hoa cây kiểng, bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt), tôm nước lợ, cá cảnh (sản phẩm có tiềm năng). Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai nhiều cơ chế, chính sách phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế ưu đãi để vay vốn phát triển sản xuất.

Phát triển kinh tế địa phương

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, trong 3 tháng đầu năm 2019, diện tích gieo trồng rau trên địa bàn thành phố đạt 3.876ha, tăng 6,9% so cùng kỳ; sản lượng đạt 108.722 tấn, tăng 7,4% so cùng kỳ. Tổng đàn bò phát triển được 131.500 con, tăng 1,5% so cùng kỳ; trong đó, đàn bò thịt là 67.138 con, tăng 8,3% so cùng kỳ và đàn bò sữa 64.362 con, giảm 4,7% so cùng kỳ; sản lượng sữa bò tươi thu hoạch được 52.237 tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ. Đối với đàn heo, dù có giảm 2,1% so cùng kỳ nhưng tổng đàn vẫn khá với 300.400 con; trong đó, heo nái sinh sản 40.600 con (giảm 3,8% so với cùng kỳ), sản lượng thịt heo hơi 18.600 tấn (tăng 3,3% so cùng kỳ). Sản lượng thủy sản đạt 13.682 tấn, tăng 6,2% so cùng kỳ. Bên cạnh các thực phẩm thông dụng, một số nghề chăn nuôi có giá trị kinh tế cao như nuôi chim yến lấy tổ trong 3 tháng đầu năm 2019 cũng tăng mạnh đến 30,2% so cùng kỳ (sản lượng đạt 2.800kg).

Song song phát triển nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường thành phố, ngành sản xuất nông nghiệp TPHCM còn cung ứng nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến xuất khẩu. Trên địa bàn TPHCM hiện có 124 đơn vị xuất khẩu rau quả với tổng sản lượng trong năm 2018 đạt 289.615,5 tấn, tăng 31% so với cùng kỳ.

Để hỗ trợ thị trường tiêu dùng thành phố, các địa phương, doanh nghiệp còn liên kết để tiêu thụ nguồn sản phẩm nông nghiệp sản xuất ở các tỉnh. Hàng năm, TPHCM tổ chức nhiều hoạt động để kết nối nhà sản xuất với người tiêu dùng, như tổ chức chợ phiên nông sản an toàn với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành. Trong 3 tháng đầu năm 2019, tổ chức 14 kỳ chợ phiên, với sự tham gia của 225 đơn vị. Qua các phiên chợ, doanh nghiệp TPHCM đã kết nối tiêu thụ nông sản với 146 hợp đồng, biên bản ghi nhớ, đơn đặt hàng đạt giá trị khoảng 16,83 tỷ đồng/tháng. 

Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, trong chiến lược phát triển thị trường nội địa, Saigon Co.op luôn ưu tiên lựa chọn và cung ứng sản phẩm nông sản của các cơ sở sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn VietGAP. Việc hỗ trợ nông sản Việt cũng là cách để các cơ sở sản xuất, nông dân yên tâm sản xuất ở thị phần tiêu thụ nội địa; đồng thời tạo nền tảng căn cơ để đẩy mạnh xuất khẩu. 

TPHCM có lợi thế về thị trường tài chính, thương mại trung tâm của cả nước, có nhiều cơ hội phát triển mọi ngành nghề. Việc chủ động phát triển sản xuất thực phẩm, bên cạnh đảm bảo thu nhập cho người dân ở vùng ngoại thành, còn góp phần đa dạng về cơ cấu sản phẩm hàng hóa, giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thành phố.

Tin cùng chuyên mục