Đà Nẵng lên phương án cung ứng nhu yếu phẩm nếu “đóng cửa” 7 ngày

Một ngày sau thông báo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng về dự kiến “đóng cửa” thành phố trong 7 ngày nếu số ca mắc không giảm, hai ngày qua, tại các chợ, siêu thị và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn, lượng người mua thực phẩm tiếp tục tăng và giá cả các mặt hàng cũng cao hơn ngày thường. Trước thực trạng đó, ngành Công thương TP Đà Nẵng đã lên kịch bản cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn đủ trong 7 ngày.

Đà Nẵng dự kiến hỗ trợ hàng tươi và khô cho người nghèo trong 7 ngày
Đà Nẵng dự kiến hỗ trợ hàng tươi và khô cho người nghèo trong 7 ngày

Giá nhiều mặt hàng tăng vọt

Ghi nhận tại chợ Phú Lộc (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), các tiểu thương cho biết, lượng khách đông nhất vào khoảng 7 giờ sáng và tăng khoảng gấp đôi so với những ngày trước. Ở một số gian hàng rau củ, thịt, cá... nhiều người chen lấn để mua hàng. Tại các quầy thực phẩm khô, đóng hộp như đậu phộng, cá khô, bánh tráng... cũng rất đông người

Tầm 9 giờ ngày 13-8, chị Lê Tú Hà (39 tuổi, trú Yên Khê 1, quận Thanh Khê), đến  chợ thì các gian hàng rau củ, thịt đã hết hàng, tiểu thương chuẩn bị dọn hàng nghỉ. Chỉ còn lại gian hàng hải sản nhưng loại nào cũng tăng giá so với hôm qua, 12-8.

Chợ Phú Lộc chỉ còn mặt hàng cá

“Tôi nghe nói, 4-5 giờ người ta đã đi chợ nên 9 giờ ra đến nơi thì chỉ còn vài tiểu thương bán cá. Cá tím hôm qua mới 90.000 đồng/kg nay tăng lên 130.000 đồng/kg”, chị Hà than thở.

Tại phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) vì chợ Non Nước của địa phương đã bị phong tỏa thời gian qua do liên quan đến ca mắc Covid-19, nên nhiều người đổ vào mua hàng tại các sạp bán thực phẩm trên địa bàn.

Theo chị Lê Thị Hương (trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), so với hôm qua, người mua vẫn không giảm, giá rau củ tăng hơn so với ngày thường nhưng mọi người không ai trả giá mà chỉ muốn có hàng để mua.

“Bó rau cải ngày thường chỉ 10.000 đồng thì nay là 15.000 đồng -  20.000 đồng. Các loại rau khác cũng vậy. Tuy nhiên, không ai trả giá mà chỉ muốn được mua nhanh để đi về vì quầy hàng rất đông”, chị Hương cho biết.

Tại một số siêu thị như Lotte, Big C, Mega,.. lượt người đi siêu thị tăng gấp nhiều lần so với bình thường. Các siêu thị có thời điểm đứt hàng cục bộ do lượng người mua quá đông. Tại nơi để xe, quầy thanh toán lượng người xếp hàng khá đông và phải chờ cả giờ đồng hồ mới tới lượt thanh toán.
Nhân viên siêu thị chưa kịp bổ sung hàng hóa
Tại một siêu thị, hàng hóa đã hết cục bộ

Theo bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị Big C Đà Nẵng, đơn vị đã có phương án tăng lượng hàng thiết yếu, nhất là ngành hàng tươi sống lên gấp 5 lần để phục vụ nhu cầu mua hàng của người dân.

“Hàng hóa đảm bảo không thiếu. Vấn đề cần tính làm sao đảm bảo giãn cách khi khách mua hàng tại siêu thị”, bà Thủy cho hay.

Người dân chờ đến lượt mới được vào siêu thị Coopmart

Để đảm bảo công tác phòng chống, dịch các siêu thị đã chủ động hạn chế số lượng người ra vào cùng lúc bằng cách khống chế lượng người vào siêu thị từ cổng.

Tại siêu thị Coopmart Đà Nẵng, khách hàng vào mua sắm phải có thẻ QR Code và chỉ vào cùng lúc 20 người, tùy theo lượng khách đã thanh toán ra về sẽ cho lượng khách tương ứng vào mua sắm. Nhờ vậy, mặc dù sức mua tăng mạnh (do giá trị đơn hàng tăng) nhưng không có tình trạng chen lấn bên trong siêu thị.

Nỗ lực cung ứng hàng hóa, điều tiết thị trường

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, thời điểm hiện nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp, việc sản xuất ở 2 đầu đất nước cũng có nhiều khó khăn, do phải vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Không những thế, con đường vận chuyển về địa phương cũng chậm hơn do dừng lại ở nhiều chốt để kiểm tra thông tin hàng hóa, người vận chuyển,... nên hàng hoá chậm hơn ngày thường.

Thêm vào đó, việc thay đổi điểm tiếp nhận hàng hoá về Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Đà Nẵng do chợ đầu mối Hoà Cường đóng cửa do có ca mắc Covid-19 cũng như sự hạn chế ra/vào của tiểu thương, người giúp việc vận chuyển hàng hóa khiến lượng rau, củ, trái cây về chợ đầu mối giảm. Sở Công thương và các doanh nghiệp đã tổ chức một số điểm bán hàng bình ổn cho người dân tại các nơi có chợ bị phong tỏa nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân do nhu cầu mua dự trữ tăng gấp nhiều lần so với ngày bình thường. 

Sức mua lớn trong một lúc không thể đáp ứng

“Sở cố gắng hết sức, trong đó lực lượng Ban quản lý chợ huy động toàn bộ để hỗ trợ điều tiết, đáp ứng yêu cầu người dân. Tuy nhiên, tất cả người dân toàn địa bàn đổ xô đi mua lương thực dự trữ cho 7 ngày nên trong một lúc hàng hóa không thể nào đáp ứng nổi. Tiểu thương tranh thủ người dân đổ xô đi mua mà lên giá là tâm lý hết sức bình thường của quy luật thị trường”, bà Phương nói.

Trong 7 ngày, đa phần người dân đã dự trữ thực phẩm khô như gạo, cá, tép khô.... Mạng lưới cửa hàng tiện lợi Vinmart hỗ trợ tiếp tục nhận đơn hàng từ địa phương, Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng sẽ đem hàng về cho từng nhà. Sở dự định đưa hàng về trực tiếp các kênh phân phối hoặc về tận quận, huyện để đảm bảo cung ứng trong 7 ngày.

Đà Nẵng đang lên phương án cung ứng hàng hóa cho người dân trong 7 ngày, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, không có việc làm, không thu nhập...

“Chủ trương ban đầu sẽ hỗ trợ, cung cấp lương thực thực phẩm cho họ gồm hàng khô và tươi đủ dùng cho 7 ngày, ngoài ra tạo điều kiện cho các kênh phân phối tích trữ để kịp thời cung ứng cho những đối tượng còn lại đảm bảo yêu cầu người dân”, bà Phương cho hay.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng trên địa bàn đang tích cực triển khai việc kiểm soát, kiểm tra về giá cả tại các chợ để người dân mua được hàng đầy đủ với giá cả hợp lý. Ban quản lý các chợ huyện Hòa Vang đã kiểm tra, phát hiện 4 trường hợp tiểu thương bán hàng cao hơn giá niêm yết. Qua đó, đã lập biên bản, thu thẻ tiểu thương và giấy đi đường. Đại diện đơn vị cho rằng đối với tiểu thương để mặt hàng phía bên ngoài chợ hoặc để dưới đất thì rất khó kiểm soát. Một số chợ đón lượng khách quá đông, lực lượng chốt chặn tập trung kiểm soát người ra, vào chợ nên chưa quán xuyến hết việc mua bán bên trong.

Tin cùng chuyên mục