Hội đồng Quốc gia giáo dục

Đã nhất trí về phương án điều chỉnh phân ban ở THPT

Đã nhất trí về phương án điều chỉnh phân ban ở THPT
Đã nhất trí về phương án điều chỉnh phân ban ở THPT ảnh 1

Ngày 9-1-2005, tại Hà Nội, dưới sự điều khiển của Thủ tướng Phan Văn khải và Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Hội đồng Quốc gia Giáo dục đã họp, thảo luận về các phương án của Bộ GD-ĐT, nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo bước đột phá trong giáo dục, nhưng cuối cùng chỉ có một phương án điều chỉnh phân ban ở Trung học phổ thông được Hội đồng cơ bản nhất trí; đề nghị lấy ý kiến rộng rãi, tạo sự đồng tình cao trong xã hội.

Ngoài các phương án điều chỉnh phân ban ở Trung học phổ thông, tại cuộc họp này, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển và các Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng, Bành Tiến Long đã trình bày trước Hội đồng về quá trình hoàn thiện và thẩm định chương trình, sách giáo khoa phổ thông; về việc tăng cường quyền tự chủ và trách nhiện xã hội của các trường đại học; về việc xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế.

Hầu như tất cả các thành viên trong Hội đồng đều cho rằng: việc điều chỉnh phân ban THPT là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của thế giới, nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn giáo dục của nước ta. Vì thế, hầu hết các thành viên của hội đồng đều nghiêng về phương án phân thành 3 ban từ lớp 10 (thay cho 2 ban). Nghĩa là: ngoài ban Khoa học tự nhiên (với các môn nâng cao là: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học), ban Khoa học xã hội-nhân văn (với các môn nâng cao là: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ), còn có thêm một ban tạm gọi là Ban Cơ sở.

Ban Cơ sở được dạy theo chương trình chuẩn đối với tất cả các môn, nhưng trong kế hoạch dạy có các tiết học tự chọn theo những môn nâng cao (tùy theo khả năng của từng trường). Các trường sẽ căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên và nguyện vọng của học sinh để tự quyết định các ban cho riêng trường mình. Việc ra đề, tổ chức thi, xét tuyển tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, THCN sẽ được điều chỉnh để không ảnh hưởng tới kết quả của những người học các Ban khác nhau.

Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đồng tình với phương án phân ban này, nhưng lưu ý: làm sao để học sinh cả nước phải được học một chương trình thống nhất, đạt chuẩn. Cùng với việc quan tâm phân ban và hướng nghiệp mạnh ở bậc phổ thông cần đặc biệt quan tâm tới giáo dục đạo đức cho học sinh để đáp ứng nguồn lực xã hội. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng tán thành phưong án phân ban này, nhưng cũng cho rằng: phải đảm bảo đạt chuẩn cơ bản và không nên chuyên ban quá sâu, để học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có thể bước vào ngành nghề nào cũng được.

Về quá trình hoàn thiện, thẩm định chương trình, sách giáo khoa phổ thông; về việc tăng cường quyền tự chủ và trách nhiện xã hội của các trường đại học; về việc xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế...hầu như được các thành viên Hội đồng đều ủng hộ về nguyên tắc. Song lại có rất nhiều ý kiến khác nhau và cuối cùng đều cho rằng phải chuẩn bị thật kỹ càng. GS Phạm Tất Dong cho rằng: chương trinh và sách giáo khoa cần phải làm rõ mục tiêu, xây dựng chuẩn từ đó mới soi dọi vào bình diện sư phạm.

Phải chuẩn bị cho học sinh một năng lực tự học và đạt được mục tiêu về kiến thức, kỹ năng và thái độ hướng nghiệp; từng bài học phải gắn với giáo dục công nghệ, giáo dục công dân...Thủ tướng cũng cho rằng: Chương trình chuẩn phải có sách giáo khoa chuẩn, tránh để những sai sót rất ấu trĩ; đồng thời quan tâm tới vấn đề bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ để phục vụ cho công tác đào tạo, trước đòi hỏi trong quá trình hội nhập.

Hầu như các đại biểu đều thống nhất cần phải xác lập quyền tự chủ hơn nữa cho các trường đại học và cần nhanh chóng xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng cũng không quên cảnh báo sẽ có nhiều hậu quả cần phải lường trước. Vì vậy các thành viên cũng như Chủ tịch Hội đồng quốc gia Giáo dục cũng đề nghị Bộ GD-ĐT và các tổ chuyên môn cần phải xây dựng phương án, cách thức triển khai cụ thể hơn; đồng thời cũng không thoát ly khỏi hoàn cảnh thực tế của Việt Nam

V.Q (Theo TTXVN)

Tin cùng chuyên mục