Pacific Airlines

Đã tìm thấy lối ra

Đông đảo báo chí đã bao quanh trụ sở Pacific Airlines trong ngày 21-12-2004 chỉ để chờ kết luận cuối cùng của đại hội cổ đông. Nội dung chính của kỳ đại hội này đang là sự kiện nóng: các cổ đông sẽ định đoạt số phận của Pacific Airlines như thế nào?
Đã tìm thấy lối ra

Đông đảo báo chí đã bao quanh trụ sở Pacific Airlines trong ngày 21-12-2004 chỉ để chờ kết luận cuối cùng của đại hội cổ đông. Nội dung chính của kỳ đại hội này đang là sự kiện nóng: các cổ đông sẽ định đoạt số phận của Pacific Airlines như thế nào?

  • Không giải thể cũng không sáp nhập

Bảy cổ đông của Pacific Airlines (PA) (gồm Tổng Công ty Hàng không, Saigontourist, Sasco, Vinapco, Công ty Xuất nhập khẩu xăng dầu hàng không, Vasco và Công ty Môi giới Thương mại và đầu tư) đã biểu quyết bác bỏ phương án giải thể và cũng bác bỏ phương án sáp nhập PA vào Vietnam Airlines. Phương án được chọn lựa là PA tiếp tục tồn tại và sẽ trình Chính phủ kế hoạch tăng vốn, mở rộng bán cổ phần, thu hút thêm cổ đông.

Đã tìm thấy lối ra ảnh 1

Có nhiều lý do lựa chọn phương án này. Các thảo luận từ Hội đồng quản trị và các cổ đông cho thấy tình hình của PA không xấu đến mức phải tuyên bố phá sản hay giải thể, hiện nay PA đang hoạt động ổn định và sẽ tăng trưởng nhanh doanh thu trong mùa đi lại cuối năm và Tết. Lãnh đạo mới của PA đã chứng minh bằng các con số, chỉ riêng chương trình tiết kiệm chi phí đang triển khai cho phép PA tăng thêm 50 tỷ đồng/năm.

Dự kiến năm 2004 PA lỗ khoảng 70 tỷ đồng nhưng từ năm 2005 với các giải pháp kinh doanh mới đang triển khai, PA chấm dứt lỗ và sẽ có lãi từ năm 2006. Ban Giám đốc PA đã đàm phán với các chủ nợ, cơ cấu lại các khoản và xác định lịch trình thanh toán. Hội đồng quản trị đã phê chuẩn phương án thuê thêm 1 máy bay Airbus A 320 để đáp ứng nhu cầu tăng chuyến dịp Tết.

Cũng trong năm 2005, PA sẽ bổ sung thêm 2 máy bay nữa, nâng đội bay của PA từ 3 chiếc hiện nay lên 5 chiếc vào năm 2005. Vì vậy theo kế hoạch phát triển này, 7 cổ đông của PA đều nhất trí chọn lựa giải pháp tăng vốn, mở rộng cổ đông. Và bản kế hoạch quan trọng này (tăng vốn, bổ sung cổ đông, cấu trúc lại nợ) sẽ được PA thuê các công ty tư vấn chuyên nghiệp nghiên cứu chấp bút.

  • Bán cổ phần cho ai?

Một thông tin cũng khá bất ngờ khác, theo Giám đốc PA, ông Lương Hoài Nam, mặc dù thông tin PA lỗ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng giới đầu tư cổ phiếu lại dành sự quan tâm khá đặc biệt cho PA. Qua nhiều kênh khác nhau, lãnh đạo của PA đã liên tục nhận được các đề nghị góp vốn đầu tư. Giám đốc Lương Hoài Nam cho biết, chưa thể công bố chính xác số vốn tăng thêm trong thời gian tới, nhưng đó sẽ là một khoản tiền đầu tư không nhỏ (gấp mấy lần số vốn 90 tỷ đồng hiện có), bởi nguồn vốn tăng thêm phải bảo đảm giải quyết 2 việc: thanh toán các khoản nợ đọng khoảng 250 tỷ đồng, giải quyết tình hình tài chính công ty; hai là đủ để đầu tư cơ sở hạ tầng, đội bay… để nâng cao năng lực khai thác.

Trả lời câu hỏi có hay không việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo PA cho biết, chỉ riêng các đề nghị góp vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong nước mà PA nhận được hiện nay, đã dư sức để PA vượt qua khó khăn. Từ chối tiết lộ tên tuổi của các nhà đầu tư đang đề nghị góp vốn với PA, nhưng Giám đốc Lương Hoài Nam cho biết thêm, phần lớn giới đầu tư quan tâm đến PA là các nhà doanh nghiệp tư nhân.

Ông Nam cũng nói rằng, PA không có ý định từ chối nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cổ phần sẽ chỉ bán cho những nhà đầu tư chiến lược, có thể mang lại cho PA các giá trị gia tăng như đã có thương hiệu mạnh, có kinh nghiệm khai thác, có mối quan hệ… Còn một băn khoăn khác, nếu phương án bán thêm cổ phần triển khai, ai sẽ là người chi phối PA – vị trí mà Vietnam Airlines đang nắm giữ lâu nay? Theo lãnh đạo PA, các cổ đông đã nhất trí để cho thị trường quyết định. PA là một công ty cổ phần và luật pháp quy định, ai nắm giữ cổ phiếu nhiều nhất, người đó sẽ giữ vị trí chi phối. Như vậy là câu hỏi này còn phải chờ đợi đến quý 1-2005, thời điểm PA triển khai bán cổ phiếu.
 

THU THỦY 

Trong vòng 3 năm tới, Hãng hàng không cổ phần PA sẽ vẫn tiếp tục định hướng chiến lược: chuyển đổi thành hãng HK chi phí thấp đầu tiên của Việt Nam – một loại hình đang phát triển trong khu vực ASEAN, và loại hình tất yếu phải có khi hội nhập mở cửa bầu trời (open sky) vào năm 2010. Thị trường trọng tâm mà PA chọn lựa sẽ là thị trường đi lại không visa trong khu vực Đông Nam Á và các đường bay nội địa. Mạng bay quốc tế sẽ chỉ bao gồm các điểm đến ngắn không quá 5 giờ bay, với giá cả, dịch vụ theo tiêu chí của một hãng hàng không giá rẻ. Bước đi chiến lược này là một lợi thế cạnh tranh riêng của PA, bởi Vietnam Airlines và nhiều hãng hàng không khác đang hoạt động trên thị trường VN hiện nay đều là hãng HK quốc gia, kinh doanh theo mô hình hãng vận chuyển cao cấp, đầy đủ dịch vụ.

Tin cùng chuyên mục