Đánh giá hai năm hoạt động Ban chỉ đạo vùng Tây Bắc

Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới

Ngày 12-8-2006, tại Yên Bái, Ban chỉ đạo Tây Bắc (BCĐ TB) đã họp đánh giá hai năm hoạt động.

Dự hội nghị có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị (UVBCT), Thường trực Ban Bí thư; Trương Vĩnh Trọng, UVBCT, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Văn Tính, Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Tư lệnh QK2 cùng Bí thư, Chủ tịch UBND của 9 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An.

Theo báo cáo của đồng chí Vũ Tiến Chiến, Phó ban Thường trực BCĐ TB, sau khi Bộ Chính trị chuẩn y quyết định thành lập ngày 24-8-2004, BCĐ TB đặt văn phòng tại Yên Bái, do đồng chí Trương Tấn Sang (khi đó là UVBCT, Trưởng ban Kinh tế T.Ư) làm Trưởng ban, đã cùng các thành viên được bổ nhiệm từ nhiều nguồn hoạt động ngay, nên đến tháng 7-2006, đã có những bước phát triển khá.

Năm 2005, toàn vùng đều hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm (2001-2005), GDP đạt 11,2%; trong cơ cấu kinh tế chung của toàn vùng - nông lâm nghiệp chiếm 40,3%, công nghiệp, xây dựng chiếm 25,3%, dịch vụ 34,4%. Các tiềm năng, lợi thế trong vùng được từng bước phát huy, nhiều năng lực sản xuất mới được tăng thêm và đã xuất hiện nhiều mô hình mới trên các lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp và công nghiệp, dịch vụ.

Mặc dù vùng TB có nhiều lợi thế, tiềm năng và nhân dân chăm lao động, nhưng hai năm qua, do thiên tai xảy ra nhiều lần nên đã phát sinh những khó khăn, thách thức: số hộ đói nghèo theo chuẩn mới còn cao (gần 45%), di dân tự do tuy đã giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, các loại tội phạm về ma túy vùng TB tuy đã bị các lực lượng phối hợp liên tục trấn áp, khống chế nhưng vẫn là vấn đề bức xúc nhất so với các vùng, miền trong cả nước.

Báo cáo cũng đánh giá, Nghị quyết 37/CP (về chính sách và cơ chế để phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc) dù mới ban hành nhưng đã đi vào cuộc sống của nhân dân vùng TB và sự phối hợp đồng bộ giữa BCĐ TB với các bộ, ngành liên quan đã tạo hiệu quả nhất định trong thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội vùng TB.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang đã đánh giá cao sự nỗ lực của các thành viên BCĐ TB, sự phối hợp đồng bộ với các bộ, ngành T.Ư và sự gắn kết của các địa phương trong việc đưa tinh thần Nghị quyết 37/CP vào cuộc sống và bước đầu đã tạo sự chuyển bíến tích cực tại các vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, sự chuyển biến rõ nét về kinh tế đã được bắt nguồn từ chuyển biến nhận thức của bà con các dân tộc vùng Tây Bắc.

Đồng chí cũng đánh giá cao - công tác kiểm tra, đôn đốc trong thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho các tỉnh TB và đã đề ra được những cơ chế, chính sách mới, đặc thù cho vùng TB của các thành viên BCĐ TB. Đây chính là cơ sở tạo nên động lực mới cho vùng TB phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa một số chuyên đề để Nghị quyết 37/CP thực sự là “cánh cửa mở” cho kinh tế TB phát triển.

Với đặc thù của địa hình TB, đồng chí Trương Tấn Sang cũng nhắc nhở lãnh đạo các tỉnh vùng TB cần quan tâm đến việc phòng chống sụt lở đất để tránh gây thiệt hại về người và của cho nhân dân vùng sâu, xa của TB vốn đã quá nghèo.

Sau khi tiếp nhận nhiệm vụ Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã nhắc nhở BCĐ TB cần tập hợp kết quả của những việc đã làm được và chưa làm được, tìm ra nguyên nhân để có cơ sở khắc phục, trong thời gian ngắn nhất có thể được.

Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở Đảng bộ, chính quyền các tỉnh cần bàn bạc, đề ra những biện pháp đặc thù và cùng phối hợp chặt chẽ với BCĐ TB để cùng phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết 37/CP.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, đồng chí sẽ cùng BCĐ TB, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng TB thực hiện tốt tinh thần nội dung nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ X, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của vùng đất nhiều tiềm năng, lợi thế cũng còn nhiều khó khăn, thách thức này. 

PHẠM THỤC
 

Tin cùng chuyên mục