Đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử nhiều hơn

Tại buổi tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM năm 2022 ngày 17-12, ĐBQH đã đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát. Ngày 18-12, trao đổi với PV Báo SGGP, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, khẳng định, trong năm 2023, đoàn sẽ tiếp thu và tiếp tục đổi mới, chuyển tải đầy đủ ý kiến của cử tri đến Quốc hội.

Phóng viên: Vừa qua, các ĐB đặt ra nhiều vấn đề về giám sát, đề xuất thêm những nội dung cử tri đặc biệt quan tâm như dự án treo, ô nhiễm môi trường, giao thông... Năm 2023, đoàn ĐBQH làm thế nào để nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc giám sát?

Đồng chí VĂN THỊ BẠCH TUYẾT: Năm 2022, đoàn đã triển khai 10 đoàn giám sát, khảo sát. Năm 2023, dự kiến sẽ có 7 đoàn. Thường trực đoàn sẽ nghiên cứu kỹ các ý kiến đề xuất của các ĐB để chọn nội dung phù hợp đưa vào kế hoạch năm. Trong các năm vừa qua, theo chỉ đạo của Thành ủy TPHCM, vào cuối năm, các cơ quan sẽ gửi dự kiến kế hoạch giám sát, khảo sát, thanh tra, kiểm tra về Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM để có sự thống nhất, tránh tình trạng một quận, huyện hoặc đơn vị thuộc thành phố phải tiếp quá nhiều đoàn đến làm việc hoặc nhiều cơ quan cùng giám sát một nội dung. Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực để có thể lắng nghe được những ý kiến thực sự từ cơ sở qua các cuộc giám sát.

Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM

Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM

Nhiều cử tri đề xuất, bên cạnh việc tiếp xúc theo địa bàn ứng cử, ĐBQH cần có thêm nhiều buổi tiếp xúc ngoài địa bàn ứng cử theo chuyên đề, đối tượng... để nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát. Đồng chí có ý kiến gì về đề xuất này?

Bên cạnh hình thức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp tại đơn vị ứng cử, thời gian qua, các ĐBQH còn tham dự những buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo đối tượng, tiếp cử tri tại nơi làm việc… Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đoàn cũng đã tổ chức cho ĐBQH tiếp xúc cử tri luân phiên ở các quận huyện. Trước kiến nghị của ĐB về việc mở rộng hình thức này, năm tới đoàn sẽ tổ chức nhiều hơn các cuộc tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử cho ĐBQH.

Đổi mới công tác tiếp xúc cử tri để đạt hiệu quả cao nhất là mục tiêu mà đoàn ĐBQH TPHCM luôn hướng đến. Vì vậy, đoàn sẽ cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM nghiên cứu và đề xuất những cách làm mới để công tác này đạt hiệu quả hơn.

Có ý kiến cử tri nói rằng, gần đây trên nghị trường (các phiên truyền hình trực tiếp), ít thấy ĐBQH TPHCM phát biểu?

Trong các phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội, các ĐB sẽ bấm nút đăng ký phát biểu. ĐB nào đăng ký trước sẽ phát biểu trước. Trong các kỳ họp, nhiều ĐB đoàn TPHCM bấm nút đăng ký nhưng có khi được phát biểu có khi không, do số lượng người được phát biểu luôn ít hơn rất nhiều số đăng ký. Thông thường, khi không được phát biểu, ĐB sẽ gửi ý kiến của mình cho Văn phòng Quốc hội. Bên cạnh đó, các ĐB sẽ sử dụng kênh báo chí để nêu quan điểm, ý kiến của mình. Thực tế, một số ĐB của đoàn đã sử dụng rất tốt kênh này.

Vừa qua, ĐB Trần Hoàng Ngân cũng góp ý với đoàn, cho rằng trên cơ sở góp ý của các chuyên gia, đoàn cần phân công ĐB theo chuyên môn của mình để lên tiếng trước Quốc hội. Cũng liên quan ý kiến này, có ĐB trong đoàn cũng đề nghị với những vấn đề, dự án luật mà TPHCM có nhiều điều kiện để đóng góp, thì TPHCM cử ra 3-4 ĐB có chuyên môn sâu về lĩnh vực đó để xây dựng bản kiến nghị chung cho đoàn, đeo bám việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo… Thường trực đoàn đã ghi nhận, tiếp thu những ý kiến này và có sự điều chỉnh trong thời gian tới, để hoạt động của đoàn đạt hiệu quả cao nhất, phát huy vai trò của đoàn ĐBQH TPHCM - đoàn ĐBQH có số lượng đông và được đánh giá là có chất lượng cao.

Nhìn lại một năm hoạt động của đoàn ĐBQH TPHCM, điều đồng chí tâm đắc nhất là gì?

Trong năm 2022, các ĐBQH và đoàn ĐBQH TPHCM đã triển khai thực hiện tốt chương trình công tác trên tất cả các mảng, như công tác lập pháp, giám sát, tiếp xúc cử tri, dân nguyện...; các ĐB đã rất tích cực trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhiều ý kiến góp ý của ĐB đã được Quốc hội ghi nhận trong các dự án luật, nghị quyết về kinh tế - xã hội, nghị quyết giám sát tối cao… Các ĐB cũng đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri qua các cuộc thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường Quốc hội, chất vấn các bộ trưởng, thành viên Chính phủ… Nhiều kiến nghị của đoàn qua giám sát đã được Quốc hội ghi nhận và chuyển đến các cơ quan chức năng.

Các ĐBQH cũng đã dành nhiều thời gian để tiếp công dân, nghiên cứu đơn thư của công dân để có ý kiến và chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Đặc biệt, trong năm qua, nhiều ĐB đã dành thời gian khảo sát thực tế, làm việc với các sở ngành thành phố để giải quyết các kiến nghị của cử tri và cử tri rất hoan nghênh.

Tiếp nối những nỗ lực của năm 2022, năm 2023, đoàn ĐBQH TPHCM sẽ giám sát nhiều nội dung. Đó là giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 và 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TPHCM. Bên cạnh đó là giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19…; giám sát việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; tình hình thực hiện Luật Quản lý thuế; khảo sát việc thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn. Ngoài ra, đoàn cũng sẽ giám sát những vấn đề bức xúc phát sinh trong đời sống mà cử tri quan tâm.

Tin cùng chuyên mục