Đảm bảo an toàn nguồn nước sông Sài Gòn

Nguồn quỹ dự trữ nước mặt chính của TPHCM là nước mặt sông Sài Gòn đang chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), ô nhiễm môi trường, áp lực gia tăng dân số cơ học, tốc độ phát triển đô thị nhanh trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế… Để cải thiện tình trạng trên, TPHCM và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) đã triển khai nhiều giải pháp để nước sinh hoạt đến với người dân đảm bảo an toàn. 
Nhận diện các nguy cơ
Nhân viên thực hiện kiểm tra vi sinh, đảm bảo an toàn nguồn nước cấp
Nhân viên thực hiện kiểm tra vi sinh, đảm bảo an toàn nguồn nước cấp

Theo thống kê, đến cuối năm 2020, TPHCM có dân số gần 9 triệu người, mật độ dân số là 4.292 người/km2, cao nhất nước. Với sự phát triển không gian đô thị và hạ tầng kỹ thuật, quỹ đất cho xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi... không theo kịp tốc độ gia tăng dân số khiến vấn đề ô nhiễm môi trường nước mặt của TPHCM luôn trong tình trạng báo động.

Tại hội thảo do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cùng một số bộ, cơ quan tổ chức, các chuyên gia cũng đề nghị phải luật hóa an ninh nguồn nước trong Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi... Khi luật hóa, các cơ quan chức năng cũng có trách nhiệm hơn với giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước.

Để cải thiện tình trạng trên, TPHCM và Sawaco đã triển khai nhiều giải pháp để cải tạo nguồn nước đối với các hệ thống kênh rạch chính của thành phố, đảm bảo nước sinh hoạt đến với người dân an toàn. Trong đó, TPHCM tập trung công tác xử lý nước thải và xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Theo báo cáo, hiện tất cả khu công nghiệp ở TPHCM đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung, trung bình có thể xử lý 240.000m3 nước/ngày. TPHCM cũng đang triển khai thực hiện theo quy hoạch chung xây dựng TPHCM năm 2025 về quy hoạch hệ thống thoát nước thải. Trong đó, thành phố sẽ sử dụng hệ thống cống chung cho khu vực nội thành hiện hữu và hệ thống thoát nước riêng cho các khu đô thị mới để phát triển hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo từng cụm dân cư nhỏ.

Ông Dương Hồng Nhân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Sawaco, cho biết, nhiệm vụ cấp nước an toàn, liên tục cho người dân TPHCM luôn được Đảng bộ Tổng công ty xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong quá trình hoạt động. Đảng ủy Sawaco đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển hệ thống cấp nước cũng như xây dựng các phương án xử lý khi có sự cố về nguồn nước. Đưa nhiều phương án kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt nguồn nước thô trước khi vào nhà máy, Sawaco đã đề xuất và được UBND TPHCM phê duyệt đề án cấp nước sạch giai đoạn 2020-2050, trong đó dự kiến dời điểm lấy nước thô trên sông Sài Gòn về thượng nguồn.

Ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo an ninh nguồn nước

Theo ông Dương Hồng Nhân, giai đoạn 2020-2025, vấn đề ô nhiễm môi trường và nguồn nước có nhiều diễn biến phức tạp; áp lực gia tăng dân số cơ học, tốc độ phát triển đô thị nhanh trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế. Điều này đòi hỏi ngành cấp nước TPHCM phải nhanh chóng đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ vào cung cấp nước sạch và dịch vụ. Với mục tiêu “phát triển vì cộng đồng”, thời gian tới, Sawaco tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin vào quản lý kỹ thuật, quản lý kế hoạch, quản trị doanh nghiệp nhằm xây dựng hệ thống cấp nước thông minh hướng đến phục vụ khách hàng.

Để đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân, Sawaco tập trung giải pháp đảm bảo an toàn nguồn nước dài hạn cho sông Sài Gòn cũng như nguồn nước dự phòng cho các nhà máy từ hồ trữ nước thô hoặc nguồn nước từ hồ chứa phía thượng nguồn (hồ Trị An hoặc Dầu Tiếng). Song song đó, nâng cấp, cải tiến công nghệ xử lý nước tại nhà máy, cải tạo mạng lưới ống cũ, ứng dụng công nghệ vào quản lý vận hành mạng lưới. Mục tiêu là đến năm 2030, đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục, đáp ứng đủ nhu cầu nước cho TPHCM với chất lượng nước có thể uống trực tiếp tại vòi mà không phải qua bất cứ thiết bị lọc nào. 

Sawaco cũng tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển khoa học kỹ thuật, đẩy nhanh các dự án ứng dụng công nghệ mới, hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống cấp nước. Trong đó, đầu tư nâng cấp trình độ quản lý vận hành tổng thể hệ thống cấp nước để tiến đến cấp nước thông minh. Các đơn vị cấp nước trực thuộc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, thiết bị mới như ứng dụng công nghệ bản đồ số (GIS), công nghệ di động, điện toán đám mây để thu thập lập bản đồ mạng cấp nước, hiện đại hóa công tác quản lý, bảo trì tài sản mạng cấp nước… Từ đó nâng cao năng suất lao động, giảm tỷ lệ thất thoát nước, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho người dân.

Cùng với đó, Sawaco đẩy mạnh xây dựng, triển khai đồng bộ các ứng dụng hỗ trợ khách hàng tại tổng công ty và các đơn vị thành viên, nhằm tăng cường khả năng quản lý, chăm sóc khách hàng.

Tin cùng chuyên mục