Trong bối cảnh nguồn thu suy giảm, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, nợ công tăng cao…, các kết luận của Thanh tra Chính phủ về các dự án đầu tư công bố mới đây tại một số tập đoàn, tổng công ty khiến người dân cảm thấy xót xa, hụt hẫng qua các phi vụ “ném tiền qua cửa sổ”.
Kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) do Công ty CP Hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex) làm chủ đầu tư sau khi đưa vào hoạt động, chỉ trong 2 năm đã thua lỗ 1.472 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2013 lỗ 366 tỷ đồng, 2014: 1.085 tỷ đồng và đến cuối năm 2015 thì dừng chạy vì không thể… chịu lỗ thêm nữa. Tại 3 dự án nhiên liệu sinh học có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nhà máy Phú Thọ, Dung Quốc, Bình Phước) đã tiêu hết 5.400 tỷ đồng vốn đầu tư nhưng các dự án này không vận hành thương mại được hoặc triển khai dở dang, tạm dừng dự án.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng sa lầy với những “quả đắng” từ việc đầu tư các dự án lớn với số tiền lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Với dự án đạm Ninh Bình, hàng năm Vinachem phải trả lãi vay khoảng 1.000 tỷ đồng; lỗ lũy kế từ khi đi vào hoạt động (2012) đến nay là 2.693 tỷ đồng.
Dự án nhà máy phân đạm Hà Bắc phải đối mặt với khoản nợ vay trên 7.000 tỷ đồng và khoản thua lỗ 675 tỷ đồng (2015), năm 2016 dự kiến thua lỗ tiếp 800 tỷ đồng.
Dự án nhà máy DAP Đình Vũ (Hải Phòng) có tổng mức đầu tư hơn 172 triệu USD, sau khi đi vào vận hành sản phẩm cũng không đạt tiêu chuẩn chất lượng như thiết kế. Sản phẩm tồn đọng, chỉ trong 6 tháng 2016, đơn vị chịu lỗ 212 tỷ đồng…
Mẫu số chung của các dự án gây thua lỗ là do những sai phạm hệ thống từ khâu phê duyệt dự án đến lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu, giám sát thi công; thay đổi thiết kế, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí thực tế…
Nguy nan hơn, khi thực hiện hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu đã thông đồng tự thay đổi nguồn gốc, xuất xứ nhiều thiết bị hoặc sử dụng thiết bị cũ, không đảm bảo chất lượng, khiến thời gian chạy thử kéo dài, sản phẩm không đạt chất lượng, hàng tồn kho lớn gây thua lỗ.
Thanh tra Chính phủ kết luận, cho rằng có dấu hiệu của tội cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cần được điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Khu vực kinh tế nhà nước sử dụng nguồn lực lớn, theo con số sổ sách của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, là 148 tỷ USD tổng tài sản, và chưa tính đến giá trị sử dụng đất, các nguồn tài nguyên và các lợi thế khác. Còn nếu cộng thêm tài sản của các doanh nghiệp có vốn chi phối của nhà nước thì con số này lên đến 275 tỷ USD. Đáng tiếc, nguồn lực lớn đó sử dụng không hiệu quả so với các khu vực ngoài nhà nước trên tất cả các chỉ số.
Đã đến lúc phải xác định vốn nhà nước là vốn của dân, vốn vay để thực hiện dự án cũng là vốn trong dân, phải trả nợ, không thể sử dụng tùy tiện, không tính toán hiệu quả. Thử hỏi có nhà đầu tư tư nhân nào dám ném vốn lớn vào các dự án để thua lỗ tiền tỷ, làm dự án đội vốn đến vài chục lần!
Giám đốc một doanh nghiệp kinh nghiệm trong lĩnh vực xơ sợi cho rằng, dự án xơ sợi Đình Vũ chỉ cần đầu tư 3.500 - 4.000 tỷ đồng. Còn nếu suất đầu tư lên đến 7.000 tỷ đồng như vậy, với thực tế công suất và chất lượng sản phẩm hiện nay, nhà máy có chạy tới 30 năm cũng không có lãi và thu hồi vốn đầu tư.
Bệnh “nghiện dự án” là do tư duy nhiệm kỳ, tư duy thành tích, và hệ quả của việc sử dụng của công không ai xót. Ta đã có kinh nghiệm phong trào các tỉnh đua nhau làm dự án nhà máy đường, xi măng lò đứng, cảng biển, nhà máy bia… không hiệu quả. Nhưng hội chứng này không được ngăn chặn. Và nay là những dự án với quy mô hoành tráng hơn ra đời sống dở, chết dở. Cách thức đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ đang trực tiếp làm suy giảm năng lực cạnh tranh, bào mòn nguồn lực quốc gia.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đề xuất, cần đặt trọng tâm tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 là tái cơ cấu khu vực nhà nước; là thay đổi cách thức phân bổ nguồn lực theo cơ chế xin - cho, mà theo cơ chế thị trường. Phải thiết lập thị trường các nhân tố sản xuất, đất đai, tài chính; tái cơ cấu danh mục tài sản đầu tư của nhà nước. Nhà nước không chỉ đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn mà cần rút khỏi kinh doanh, làm các nhiệm vụ khác đúng chức năng. Có như vậy khu vực kinh tế nhà nước mới không chèn lấn khu vực kinh tế tư nhân, phát huy thực sự kinh tế tư nhân; không làm mất vốn đầu tư nhà nước trong các thương vụ, dự án “trời ơi” gây bức xúc xã hội…
…Từ ngày hôm nay, lãnh đạo các bộ Công thương, Nội vụ, Tài nguyên - Môi trường, Giáo dục - Đào tạo sẽ đăng đàn, trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đây là những lĩnh vực phát sinh nhiều vấn đề nóng, cử tri đặc biệt quan tâm, như vấn đề đầu tư công nêu trên. Hay việc tinh giản biên chế, thời gian qua đề cập khá nhiều nhưng thực tế biên chế không giảm mà còn tăng thêm. 5 năm qua biên chế từ 269.008 người đã tăng lên 274.970 (không tính công chức xã, cán bộ thôn bản), khiến tỷ trọng chi thường xuyên giai đoạn này chiếm tới 67% tổng chi ngân sách hàng năm. Chi thường xuyên lớn nên khoản đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giảm, nợ công tăng, phải đi vay đảo nợ, điều hành ngân sách rất khó khăn…
Cử tri kỳ vọng đây không phải đơn thuần là các phiên chất vấn - giải trình, mà sâu xa hơn phải đề ra được giải pháp mạnh tay, khả thi xử lý các bất cập, các tiêu cực làm xói mòn niềm tin việc thực thi các chính sách. Người dân mong mỏi phải có địa chỉ trách nhiệm cá nhân cụ thể những việc làm tốt, và cả những điều khuất tất, bất minh.
LÊ TIỀN TUYẾN