Đạo diễn Thái Kim Tùng: Người trẻ phải chịu khó dấn thân

Đạo diễn Thái Kim Tùng (ảnh) là một trong những diễn viên, đạo diễn trẻ tâm huyết của sân khấu TPHCM. Anh từng thành lập nhóm kịch Cà phê Ví Dầu để tạo thêm sàn diễn cho diễn viên trẻ có nhiều cơ hội thử sức với nghề. Dù giai đoạn này sân khấu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng đạo diễn Thái Kim Tùng vẫn có nhiều dự định ấp ủ cho nghề.

* PHÓNG VIÊN: Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, anh trở thành một tình nguyện viên hỗ trợ tuyến đầu, đây hẳn là một trải nghiệm nhiều ý nghĩa?  

* Đạo diễn THÁI KIM TÙNG: Tôi đăng ký tham gia công việc tình nguyện viên của Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM ngay từ những ngày đầu khởi động và rất vui vì góp phần lan tỏa được năng lượng tích cực. Đi rồi mới thấy, công việc như núi, mỗi tình nguyện viên luôn phải nỗ lực, nhưng nhiều khi vẫn cảm thấy lực bất tòng tâm. Tuy nhiên, mọi người vẫn tâm nguyện cố gắng làm hết sức mình để góp chút sức nhỏ cho xã hội.

* Liệu đây có phải cũng là một dịp để có thêm chất liệu cho nghề đạo diễn? 

* Nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống, mà cuộc sống thì phải đích thân mình tự trải nghiệm, chứ ngồi một chỗ đọc tài liệu, hay sách báo để tìm kiếm kinh nghiệm sống thì rất khó. Thời đại 4.0, tôi cảm thấy sự dấn thân, trải nghiệm vẫn cực kỳ quan trọng để tích lũy vốn sống, giúp mình hiểu rõ hơn về xã hội và cuộc sống, con người xung quanh. Lúc này chính là lúc cần mình hành động thực tế. 

Thật buồn khi cả năm qua do dịch Covid-19 mà không thể làm được gì cho nghề. Nhưng ở một khía cạnh khác, quãng thời gian như thế này lại tạo cho tôi cơ hội để đọc thêm nhiều sách, nghiên cứu tài liệu về nghệ thuật sân khấu Việt Nam và các nước để tự làm tươi mới cảm xúc, lấp bớt khoảng trống kiến thức đang thiếu và dự tính sẽ làm gì sau khi dịch qua đi.

* Từ nhiều năm qua, lĩnh vực sân khấu luôn gặp khó khăn, chắc hẳn anh cũng rất tâm tư?

* Ai cũng nhìn thấy thực trạng sân khấu hiện tại, số lượng đạo diễn học chuyên ngành đạo diễn sân khấu ngày càng ít ỏi so với ngành đạo diễn điện ảnh truyền hình. Đó là xu hướng số đông, người ta vẫn nghiêng về loại hình nghệ thuật đa phương tiện hơn, như các kênh truyền hình, YouTube, web drama… những loại hình phát đi phát lại nhiều lần.

Người ta không chú trọng bộ môn nghệ thuật trình diễn trực tiếp và cảm xúc trực tiếp này. Mình có buồn cũng không giải quyết được gì, vậy thì bản thân mỗi người làm nghề phải tự tìm cách đi riêng, phải dấn thân, chịu khó học hỏi. Tôi đã xem rất nhiều chương trình các nước, nhưng không phải để đem y chang nghệ thuật của họ về sân khấu của mình, mà tìm hiểu, nghiên cứu lối tư duy của họ làm cho vở diễn hấp dẫn. 

* Sự xuất hiện của những vở diễn, vai diễn kém văn minh phải chăng là một trở ngại để phát triển sân khấu truyền thống?

* Nhiều tác phẩm thiếu văn minh và khán giả trí thức cho biết, họ không tìm được cảm hứng khi xem sân khấu truyền thống và thường thưởng thức các chương trình giải trí quốc tế. Họ cho rằng, vì tác phẩm sân khấu hiện nay thiếu tính văn học và khoa học (khoa học xã hội, khoa học tự nhiên), các nhân vật sân khấu quá nghèo nàn…

Tôi suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này và thấy họ nói đúng. Lâu lắm rồi sân khấu không có tác phẩm lớn, nhân vật tầm cỡ mang tính hình tượng, khái quát trong xã hội. Nhiều năm qua, sân khấu chỉ khai thác nhân vật ít học, nhân vật với tình cảm nhỏ, riêng tư và ích kỷ… như vậy khó mà thu hút được khán giả trí thức đến với sân khấu. 

* Anh trăn trở điều gì nhất? 

* Phía sau công tác đạo diễn và những tác phẩm thành công, đạt chất lượng tốt, tôi nghĩ, đó là nhờ sự đồng điệu với ê kíp. Khi làm việc, tôi mong có sự san sẻ của các bộ phận, không chỉ là diễn viên, tác giả, mà cả biên kịch, kỹ thuật sân khấu… Tôi rất mong có những đề án đào tạo, nâng cấp đội ngũ làm nghề đứng phía sau sân khấu. Mấy chục năm qua, các kỹ thuật sân khấu vẫn mang tính thủ công và bản năng, vì không có trường lớp đào tạo chính quy. 

Có một điều tôi quan tâm nữa, chính là tình trạng các bạn trẻ đến với chuyên ngành đạo diễn sân khấu quá ít. Thế hệ đời cuối 8X như tôi, để dựng kịch dài hay cải lương, thực sự không có ai làm. Anh chị lớp trước tôi thì cũng đã hơn 40 tuổi, khoảng giữa thì quá thiếu. 6, 7 năm qua không có đạo diễn trẻ nào bám nghề.

Rồi tài liệu kiến thức chuyên môn, sách chuyên ngành lâu nay cực kỳ hiếm. Giáo trình dạy diễn viên đã rất xưa, tuy không lỗi thời vì là kiến thức hàn lâm, nhưng vẫn thiếu sự cập nhật xu hướng hiện tại. Giáo trình chuyên ngành của nước ngoài thì nhiều, nhưng để đọc được một cuốn giáo trình phải mất rất nhiều thời gian, vì quá nhiều từ chuyên môn và có muốn tìm đọc cũng không biết tìm ở đâu. Vậy nên đa số các bạn dựng vở là theo bản năng.

* Tham gia công tác giảng dạy, anh nghĩ gì về các bạn trẻ đang theo đuổi ngành diễn xuất?

* Khi đứng lớp giảng dạy, tôi thường nói rằng, giữa tôi và các bạn là sự hợp tác, chủ yếu sử dụng phương pháp trao đổi và phản biện, làm sao có thể tìm ra cách tốt nhất. Tôi đọc thêm và tìm cách để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, làm sao khiến các bạn mê biểu diễn sân khấu; đưa cho các bạn những kịch bản hay, vai hay, vai khó để tạo sức cuốn hút các bạn, giúp các bạn dần yêu sân khấu qua mỗi ngày học tập.

Thái Kim Tùng đảm nhận nhiều vai trò, từ diễn viên đến đạo diễn. Ở vai trò diễn viên, anh được khán giả chú ý vì nét diễn duyên dáng, vai diễn đa dạng, có góc nhìn tươi trẻ của thế hệ 8X trong những tác phẩm sân khấu như Rau răm ở lại, Giấc mơ, Kỳ án xứ Mặt trời, 18 tuổi, Nàng Hến tầm duyên, Hẻm nhỏ Sài Gòn, Dòng xoáy, Người mẹ thứ hai...

Những năm gần đây, Thái Kim Tùng đảm nhiệm thêm công tác thỉnh giảng tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh, môn Kỹ thuật biểu diễn; ở Đại học Hoa Sen và Đại học Bách khoa môn Xây dựng thương hiệu cá nhân.

Đặc biệt, với vốn tiếng Đức của mình, anh từng góp mặt trong các dự án trình diễn các vở nhạc kịch tiếng Đức của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch (HBSO)… Bên cạnh tham gia diễn xuất, anh còn đảm nhiệm phần dịch vở kịch từ tiếng Đức sang tiếng Việt, làm trợ lý diễn xuất cho các diễn viên.

Tin cùng chuyên mục