Đất quê, tình quê

Đất quê, tình quê

Những ngày cuối năm luôn đánh thức trong tôi những kỷ niệm một thời không thể mờ phai.

Năm 1970. Ngày 26 tháng 12 - ngày mãi đi vào ký ức tôi đẹp như giấc mơ. Vâng, đó là ngày cưới của chúng tôi. Suốt cả tuần trước đó trời cứ sụt sùi rả rích những cơn mưa phùn gió bấc lạnh đến ghê người. Đường trong làng, trong xã, trong huyện đâu cũng sục bùn, trơn trượt. Cái mưa, cái rét, cái lầy lội càng khiến cho mọi người ai cũng ngại phải ra khỏi nhà. Mặc dù rất lo lắng, song vì chọn ngày từ trước, lại đã gửi thiệp mời đi khắp nơi nên ngày vui của chúng tôi không thể trì hoãn. May thay ông trời thương tình. Đúng hôm tổ chức hôn lễ trời bỗng dưng tạnh ráo. Cái rét cũng vợi hẳn. Trời ló rạng những vạt nắng ấm hiếm hoi mà lâu nay mơ cũng khó thấy. Thế là buổi vui của chúng tôi hôm ấy thực sự trở thành ngày hội của cả làng.

Cuối năm, trăm việc phải tất bật lo toan. Sau bao ngày mưa rét nay mới có buổi đẹp trời. Ai cũng thấy cần lắm phải bám ruộng để tranh thủ cho kịp thời vụ. Ấy vậy mà buổi chiều hôm đó cả làng không ai nỡ ra đồng. Tất cả đều dành trọn tấm lòng cho gia đình tôi. Từ cụ già đến em nhỏ gần như không thiếu một ai. Họ đến dự vì quan hệ họ hàng, làng xóm; vì quý trọng; cũng có không ít vì tò mò hiếu kỳ. Họ rất muốn nhìn rõ cô dâu xem mặt mũi người ngợm thế nào mà dám vượt qua cả mấy chục cây số từ Nam Trực xuống Hải Hậu để lấy một chàng trai tật nguyền cả hai tay như tôi. Rồi họ tấm tắc xì xầm với nhau: “Trời! Cô dâu nghe đâu cũng làm cô giáo cơ đấy!”; “Xinh dòn đáo để!”; “ Cô dâu đẹp quá!”ù; “Không ngờ gia đình cụ Hào lại có phúc lớn vậy”.

Nơi hôn lễ được dựng rạp trang trọng ngay tại sân nhà tôi nối dài hết sân nhà ông anh liền kề theo nghi thức đời sống mới, không còn một chỗ trống. Chỉ chè thuốc và kẹo bánh đơn sơ nhưng suốt buổi lễ luôn rào rạt sự ấm nồng, sôi nổi và cảm động đến không ngờ. Những tiết mục văn nghệ, đọc thơ, ngâm thơ “cây nhà lá vườn’ cứ chen nhau không dứt giữa những tràng pháo tay vang dậy một khu làng quê vốn yên tĩnh bấy lâu. Cả bà Kinh, ông Rao những người tóc đã bạc trắng, bao năm nay chỉ quen với công việc đồng áng, thợ xây nay cũng trổ tài góp vui bằng những trích đoạn chèo cổ quyến rũ mê hồn.

Rước dâu qua cầu khỉ - một nét đẹp vùng quê. Ảnh: T.L.

Rước dâu qua cầu khỉ - một nét đẹp vùng quê. Ảnh: T.L.

Giữa biển đời tha phương, những tấm lòng chân chất quê hương như vậy mãi còn neo đậu trong tôi như một sức mạnh, một niềm tin, một lời nhắc nhở mỗi độ cuối năm về.

Một kỷ niệm nữa lại cồn lên trong tôi khi xuân mới cận kề. Đấy là vào những ngày cuối đông 1979, chúng tôi quyết định đại tu ngôi nhà do bố mẹ để lại. Vốn liếng lúc đó duy nhất chỉ có chiếc radio nhỏ bán đi được 200 đồng. Sau 10 năm với đồng lương còm của vợ chồng nhà giáo thời bao cấp lại đón ba tý nhóc ra đời làm sao có điều kiện tích lũy. Song vì ngôi nhà đã quá ọp ẹp, dột nát, mối mọt, nếu không sửa sẽ khó an toàn khi xuân đến. Mọi người gần xa hiểu lắm hoàn cảnh chúng tôi lúc ấy nên ai cũng xúm vào giúp đỡ. Bạn bè đồng môn, đồng nghiệp cho mượn tiền mua nguyên vật liệu. Các phụ huynh lứa học trò tôi dạy năm đấy và cả những năm trước đó, biết tôi không chỉ khó khăn về tiền bạc mà cả về sức khỏe, người giúp của, kẻ giúp công; có người tự nguyện đánh thuyền nhà mình đến, rồi bảo cả vợ con, vận động luôn các phụ huynh và học sinh khác đi chở gạch, chở vôi, chở ngói, xi măng về tận nhà cho tôi. Nhiều học sinh lớn cứ chiều chiều lại hô nhau đến giúp tôi. Nào lấy cát, nào khuân gạch, nào rửa đá, nào cọ sắt. Ban quản trị HTX của xã ưu tiên phân cho ngói giá rẻ, Ủy ban nhân dân huyện ưu tiên cho mua vôi giá cung cấp. Ban lãnh đạo một xã kề bên là Hải Hà cũng ưu ái cho chúng tôi mua gạch theo giá phân phối nội bộ. Và hôm hoàn công, Hải Hà còn hóa giá ưu đãi cho hẳn chú lợn còi gần 40kg trong trại chăn nuôi của HTX để làm bữa liên hoan mời bà con xa gần. Ông Châu, ông Song, ông Giang, ông Hồng, ông Tâm, ông Rao… những người thợ xây, thợ mộc trong làng sau hơn một tháng cật lực giúp tôi cũng chỉ tính công chút đỉnh gọi là lấy tượng trưng.

Để lưu dấu thời điểm ý nghĩa ngôi nhà được hoàn tất, tôi tỉ mỉ dùng chân đổ cắt khá kỳ công một biểu trưng bằng xi măng cát hình bông sen, cao chừng nửa mét, cuống hoa được quấn quanh bởi hình dải lụa mềm lượn ôm lấy số 3-2-1980. Và đúng ngày kỷ niệm 50 năm Đảng CSVN thành lập, tôi nhờ người gắn nó lên chỗ trang trọng nhất giữa mặt tiền trên mái hiên như một lời tri ân sâu sắc.

Tết Canh Thân (1980) năm ấy dù nợ còn chồng chất song lần đầu tiên được ở trong ngôi nhà ngói mới khang trang cả nhà tôi ai cũng náo nức tâm trạng chưa bao giờ có một mùa xuân đẹp và vui đến vậy.

Ngôi nhà giờ đã sang cho chủ khác sau ít năm cả gia đình tôi chuyển vào định cư tại đất lành Gò Vấp. Và nay ngôi nhà đã thay hình đổi dạng khá nhiều. Song trong sâu thẳm tâm hồn tôi, ngôi nhà thân thương với đầy ắp nghĩa tình ấy vẫn mãi mãi vẹn nguyên như ngày nào.

Xuân mới lại cận kề. Và hình bóng những kỷ niệm quá vãng không bao giờ xưa cũ ấy lại hiện về trong tôi long lanh những sắc màu quê hương kỳ diệu

NGUYỄN NGỌC KÝ

Tin cùng chuyên mục