Dấu ấn chuyển đổi số ở Cà Mau

Đúng vào ngày chuyển đổi số (CĐS) quốc gia 10-10, Hệ thống thông tin quản lý đất đai (VNPT iLIS) tỉnh Cà Mau đã chính thức vận hành khai thác. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin về đất đai, quy hoạch… dễ dàng hơn. Đây là sản phẩm ra đời từ sự chỉ đạo nóng của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt (thứ 3, từ phải qua) cùng lãnh đạo các sở ngành, VNPT khởi động vận hành Hệ thống thông tin quản lý đất đai (VNPT iLIS) tỉnh Cà Mau
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt (thứ 3, từ phải qua) cùng lãnh đạo các sở ngành, VNPT khởi động vận hành Hệ thống thông tin quản lý đất đai (VNPT iLIS) tỉnh Cà Mau

Tăng ứng dụng công nghệ

Trước đó, ngày 14-9, tại Hội nghị CĐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Cà Mau, phản ánh, phần mềm quản lý đất đai mà sở đang dùng chỉ phục vụ tốt trong nội bộ ngành, khi chuyển hồ sơ địa chính sang cơ quan thuế thì không tương thích, dẫn đến gặp nhiều khó khăn. Sau khi nghe phản ánh, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo nóng: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) viết ngay phần mềm thay thế, khắc phục nhược điểm và đáp ứng tốt nhu cầu quản lý sau này. Thời hạn bộ trưởng đưa ra là hoàn thành, đưa vào vận hành đúng vào ngày 10-10.

Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, cho biết, khi nhận được nhiệm vụ từ lãnh đạo tỉnh Cà Mau và Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, cùng với sự hỗ trợ của Sở TT-TT, VNPT đã tập trung mọi nguồn lực, để trong thời gian rất ngắn (25 ngày) hoàn thành chính thức, đưa vào vận hành khai thác VNPT iLIS tỉnh Cà Mau.

Về quá trình thực hiện, ông Trần Trúc Lam, Giám đốc VNPT Cà Mau, cho biết thêm, kế hoạch được đơn vị và Sở TN-MT khẩn trương triển khai thực hiện, tổ chức công việc hợp lý và có sự kết nối với nhau, bắt đầu từ khởi tạo hệ thống, khảo sát, thu thập dữ liệu, chuyển đổi dữ liệu địa chính của các huyện, TP Cà Mau từ hệ thống cũ (gồm dữ liệu không gian, dữ liệu thuộc tính) và số hóa hồ sơ giấy sang hệ thống VNPT iLIS đảm bảo đầy đủ, chính xác. “Quá trình thực hiện chuyển đổi không được làm gián đoạn, ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của văn phòng quản lý đất đai và các chi nhánh trên hệ thống phần mềm cũ. Các công đoạn được thực hiện chặt chẽ, bài bản theo kế hoạch”, ông Trần Trúc Lam nói.

Ông Trần Trúc Lam cũng thông tin, VNPT iLIS tỉnh Cà Mau được kết nối liên thông với hệ thống thông tin của cơ quan thuế, cổng dịch vụ công của tỉnh, cổng dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cổng thông tin quốc gia về đất đai và các cơ quan khác. Hệ thống được xây dựng trên cả website và ứng dụng di động giúp các cấp chính quyền, người dân dễ dàng tìm hiểu, tra cứu thông tin.

Việc hoàn thành trong thời gian thần tốc được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đánh giá cao. “Các cơ quan chuyên môn như Sở TN-MT, Cục thuế, Sở Xây dựng, các huyện và TP Cà Mau tiếp tục cập nhật thông tin sao cho tốt nhất, phát huy được hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền rộng rãi để người dân quan tâm và sử dụng hệ thống này”, ông Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh.

Theo ông Huỳnh Quốc Việt, vấn đề quản lý đất đai người dân rất quan tâm. Việc CĐS đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân tiếp cận được thông tin về đất đai, quy hoạch. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi số

 Cà Mau, tỉnh cực Nam của Tổ quốc có ba mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254km. Đó là điều kiện tốt để Cà Mau phát triển lĩnh vực kinh tế biển, du lịch, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo... Nhưng đa số các thế mạnh này đến nay vẫn còn là tiềm năng, chưa được đầu tư khai thác nhiều. Với CĐS, đây là cơ hội để Cà Mau có thể phát huy lợi thế, tạo bứt phá trong thời gian tới. 

Với quan điểm này, ông Huỳnh Quốc Việt đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động thay đổi tư duy, nhận thức về tính tất yếu của CĐS; xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho mục đích CĐS; đào tạo, sắp xếp nhân lực chất lượng cao cho CĐS. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các tổ công nghệ số cộng đồng; tổ chức sơ kết, tổng kết quá trình hoạt động thí điểm, tiến đến thành lập tổ công nghệ số cộng đồng ở tất cả ấp, khóm, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. CĐS chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng và tham gia.

Ông Huỳnh Quốc Việt cho rằng, trong quá trình CĐS cần khuyến khích, khơi nguồn sáng tạo cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người dân toàn tỉnh, nhất là các doanh nhân; đẩy mạnh hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp để gặp gỡ, trao đổi, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình CĐS; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong thực hiện CĐS. Ưu tiên nguồn lực cho CĐS, nhất là đối với các ngành mũi nhọn, có tính nền tảng, tạo sự lan tỏa. “Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp về tầm quan trọng và các vấn đề cơ bản của CĐS”, ông Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh.

“Chuyển đổi số đã và đang tác động đến mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà trở thành xu hướng phát triển tất yếu để mỗi quốc gia, mỗi địa phương, tổ chức, cá nhân có thể đứng vững trước những thách thức đặt ra của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” 

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau HUỲNH QUỐC VIỆT

Tin cùng chuyên mục