Mới đây tôi được mời về dự đám cưới ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Khi mời bằng điện thoại, chú tôi dặn đi dặn lại cháu phải về từ sáng ngày hôm trước, nghĩa là ngày dựng rạp chơi đầu hôm, bởi cỗ bàn tiệc tùng đã bắt đầu được tổ chức từ ngày hôm đó. Đúng lời dặn, tiệc cưới chính được tổ chức vào hôm chủ nhật, nhưng sáng sớm thứ bảy tôi đã có mặt ở nhà chú. Mới sáng ngày mà anh em, con cháu họ hàng và cả một số láng giềng làm giúp đã đủ đầy đông đúc.
Một bộ phận lo căng phông bạt, kê bàn ghế ở sân; bộ phận khác mổ gà, mổ heo chuẩn bị để nấu cỗ. Tôi hỏi chú: “Sao nhà mình làm cỗ sớm thế?!”. Chú tôi bảo: “Bây giờ khác đám cưới ngày trước rồi cháu ạ, khi nhà nào có cưới là phải tổ chức ăn linh đình từ hôm dựng rạp tới hôm dỡ rạp mới thôi. Nhà ít cũng phải làm cỡ 100 mâm, nhà nhiều họ, đông anh em như nhà mình phải làm tới 200 mâm cỗ mà vẫn lo thiếu đấy!”.
Đúng vậy, khi tôi hỏi một số người ở đây thì họ đều nói rằng đám cưới nhà ai chẳng vậy, đều phải tổ chức to, lễ nghĩa rườm rà và rất tốn kém, bởi nhà này làm đám cưới to mà nhà kia tiết kiệm cũng không được, không tiện nên họ đành phải cố, mà khi đã cố làm thì tất nhiên phải đi vay tiền.
Tôi hỏi một cậu em họ xa về việc tốn kém bao nhiêu tiền cho một đám cưới rườm rà, to tát ở làng, cậu ta cho hay: “Tốn kém đấy, em chưa tính đến các khoản tiền mua sắm đồ vật dâng lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, dâng lễ cưới cho nhà gái, chỉ ở nhà trai thôi cũng phải có độ 50 - 70 triệu đồng mới cưới nổi vợ, vì riêng tiền làm cỗ nấu lấy, mỗi mâm độ 200.000 - 300.000 đồng, cũng mất đứt mấy chục triệu đồng.
Những nhà làm cỗ to với nhiều món sang, lạ như kiểu ở nhà hàng thành phố thì bèo cũng phải mất hơn trăm triệu đồng mới đủ”. Nghe cậu em nói tôi giật mình, bởi với số tiền lớn như vậy, trong khi tiền mừng cưới phổ biến trong người dân quê chỉ ở mức 50.000 - 100.000 đồng là cùng, thì việc bị nợ nần là khó tránh khỏi. Đại đa số các gia đình thuần nông, quanh năm đầu tắt mặt tối nơi ruộng đồng, đủ ăn đã khá lắm rồi, sẽ vất vả lắm để trả được nợ.
Chẳng phải riêng quê tôi, ở nhiều vùng quê khác, thậm chí cả các vùng miền núi người ta cũng theo nhau tổ chức nghi lễ cưới một cách quá rườm rà tốn kém. Nguyên nhân của trào lưu này theo tôi là do tục “trả nợ miệng” vẫn ăn sâu bám rễ vào nếp sống, nếp nghĩ của đại đa số người dân. Quy ước cưới theo nếp sống mới đã có từ nhiều năm nay, và cũng đã từng được thực thi ở nhiều nơi, nhưng do nhiều cán bộ xã, huyện không gương mẫu thực hiện cưới theo nếp sống mới cho con em mình, nên vận động thực hiện không hiệu quả. Nếu muốn người dân tổ chức tiệc cưới đơn giản, tiết kiệm, trước tiên cán bộ phải thực hiện trước thì dân mới làm theo.
GIA NGUYỄN (Hà Nội)