Lễ kỷ niệm 40 năm hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang đến gần. Trong kế hoạch dự kiến, năm 2015 sẽ có hàng loạt chương trình nghệ thuật, sự kiện văn hóa được thực hiện, thiết thực chào mừng các ngày lễ trọng đại của đất nước với những công trình văn hóa lớn, kinh phí đầu tư lên đến cả ngàn tỷ. Đầu tư cho văn hóa luôn cần thiết, nhưng với những dự án hoành tráng không ít người băn khoăn về tính hiệu quả.
1.000 tỷ đồng cho Nhà hát Phương Nam
Theo kế hoạch, khoảng một tháng nữa, Nhà hát Phương Nam sẽ ra mắt công chúng bằng một chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt có tên gọi Sắc màu Phương Nam tại sân khấu Sen Hồng ở công viên 23-9. Cuối năm 2013 Nhà hát Phương Nam được Chủ tịch UBND TPHCM ký quyết định thành lập. Là đơn vị nghệ thuật hình thành từ sự sáp nhập của đoàn Xiếc và đoàn Nghệ thuật Múa rối TPHCM. Việc sáp nhập hai đơn vị và ra mắt Nhà hát Phương Nam là kế hoạch được Sở VH-TT-DL TPHCM nỗ lực thực hiện nhằm tạo thêm những điều kiện đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn và phát triển của hai loại hình nghệ thuật xiếc và múa rối tại TPHCM.
Mặc dù chuẩn bị chính thức ra mắt Nhà hát Phương Nam, nhưng trước mắt hai đơn vị Xiếc và Múa rối sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tại các địa điểm… cũ. Rạp Nhân Dân là văn phòng của nhà hát và sân khấu dùng để tập luyện, điểm diễn rối nước trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Riêng địa điểm rạp xiếc hơn 5.000m2 ở công viên Gia Định (Gò Vấp) vừa được thành phố duyệt ngân sách chi 14 tỷ đồng để nâng cấp. Cũng từ việc sáp nhập hai đơn vị xiếc - múa rối thành Nhà hát Phương Nam, đã thúc đẩy nhanh hơn tiến trình hoàn tất các thủ tục để tiến hành thực hiện dự án xây dựng nhà hát Phương Nam trong tương lai tại khu Lữ Gia - Phú Thọ (quận 11) với kinh phí dự tính gần 1.000 tỷ đồng. Dự án này đã được UBND TPHCM phê duyệt, hiện đang chờ sự chấp thuận của HĐND TPHCM, để có thể khởi công.
Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, cho biết: Vừa qua, lãnh đạo TPHCM cùng đại diện các sở ngành như xây dựng, kiến trúc, văn hóa, tài chính… đi khảo sát một số công trình rạp xiếc lớn ở Đức, Pháp, Nga, cho thấy cần thiết phải đầu tư xây dựng một nhà hát quy mô, xứng tầm thành phố. Trong dự án lâu dài này, Nhà hát Phương Nam được xây dựng thành một nhà hát đa năng, chuyên biểu diễn xiếc, múa rối - loại hình nghệ thuật truyền thống, được khán giả yêu thích, có tiềm năng phát triển mạnh mẽ đồng thời tổ chức thực hiện những chương trình nghệ thuật tổng hợp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chính trị. Trong bản thiết kế của đối tác Bỉ, nhà hát tương lai có mô hình đẹp, khang trang, được xây dựng theo hệ thống liên hoàn với sân khấu 2.000 chỗ ngồi, khu vực nuôi thú, phòng tập luyện, các dịch vụ đi kèm…
Đến bảo tàng…mơ ước
TPHCM hiện có 12 bảo tàng, trong đó có 7 bảo tàng do Sở VH-TT-DL trực tiếp quản lý, thu hút trên 2,7 triệu lượt khách trong nước và quốc tế tham quan. Ngoài Bảo tàng Chứng tích chiến tranh xây mới một phần; Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM nâng cấp mở rộng; các đơn vị còn lại cơ sở vật chất đều nghèo nàn, xuống cấp. Xuống cấp nặng nề nhất là Bảo tàng TPHCM. Khách đến tham quan nơi đây dễ dàng nhận thấy khối nhà chính nhiều nơi bị nứt, thấm dột. Dự án cải tạo, chống ngập cho kho hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam-TPHCM đã phần nào cải thiện, giúp bảo tàng phát triển. Phần đất hoán đổi cho trường Nguyễn Bỉnh Khiêm để mở rộng trưng bày và thực hiện khu nghiệp vụ bảo quản, tu sửa hiện vật đang trong quá trình tiếp nhận cũng là niềm vui cho đơn vị này, tránh tình trạng mặt bằng chắp vá, không có chỗ giữ xe khách tham quan lâu nay. Thực ra từ nhiều năm trước, TPHCM đã có chủ trương đầu tư cải tạo nâng cấp mở rộng các bảo tàng, nhưng trên thực tế các dự án này đều xếp hàng… chờ. Việc nâng cấp mở rộng các bảo tàng đã thế, chủ trương hiện đại hóa hệ thống trưng bày có lẽ cũng… còn xa.
Trong khi đó dự án xây dựng Bảo tàng Tổng hợp TPHCM đã nhận được nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu khoa học và giới chuyên môn là “Dự án trong mơ”. Theo dự kiến, Bảo tàng Tổng hợp thành phố sẽ được quy hoạch xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Ban đầu, diện tích bảo tàng này được dự kiến rất hoành tráng lên đến 20ha! Tuy nhiên, theo thời gian con số này sau đó giảm dần xuống còn… 10ha. Cuối năm 2012, tại buổi làm việc giữa các sở ngành liên quan với HĐND TPHCM, con số cuối cùng được đưa ra còn… 1,8ha. Mật độ xây dựng 50%, diện tích sàn xây dựng 10.000m2, chiều cao 4 tầng, kinh phí đầu tư ước tính hơn 1.000 tỷ đồng. Đề cương trưng bày của dự án bảo tàng này đã qua nhiều lần dự thảo, tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học chuyên môn và hoàn chỉnh đề cương để báo cáo UBND TP.
Hiệu quả?
Nhà hát Phương Nam là dự án được ấp ủ đã 10 năm, nếu được thực hiện thì đây sẽ là công trình văn hóa quy mô đầu tiên được TPHCM đầu tư xây dựng. Đây là niềm vui lớn cho những người làm văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, con số 1.000 tỷ đồng không phải là nhỏ, điều này khiến không ít người băn khoăn, lo lắng về tính hiệu quả sau khi công trình được khởi công, hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Giáo sư, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TPHCM tâm tư: Nhìn lại, thiết chế văn hóa TPHCM so với cả nước là kém nhất. Sắp tới năm 2015 rồi nhưng ngoài Nhà hát Thành phố thì TPHCM chỉ có Nhà hát Hòa Bình (quận 10) là hoạt động tốt. Một thành phố lớn lại tồn tại quá nhiều cơ sở văn hóa quá cũ, chưa có cái nào xây dựng mới cho đúng chuẩn. Từ Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM, bao nhiêu năm không có nhà hát toàn diện đến một số đơn vị kịch nói cũng làm việc trong môi trường cơ sở vật chất tạm bợ, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang hoạt động cầm chừng tại rạp hát đang xuống cấp trầm trọng… Tất cả cho thấy các loại hình văn hóa nghệ thuật tại TPHCM đều tổ chức hoạt động trên những cơ sở vật chất cũ kỹ, vá víu. “Tôi ủng hộ chủ trương tạo dựng những thiết chế văn hóa mới, nhưng vấn đề căn bản là tiền ở đâu, và đã xây dựng nhà hát thì phải tổ chức hoạt động như thế nào, đầu tư đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ sáng tác, dàn dựng đi kèm ra sao để phát huy được hiệu quả tốt nhất” - GS-NS Ca Lê Thuần bày tỏ.
Nói về việc xây dựng bảo tàng, PGS Lê Xuân Diệm nhận định, những năm qua thành phố có quan tâm đến di sản văn hóa, có đầu tư cho bảo tàng nhưng chỉ đầu tư xây dựng về mặt hình thức mà chưa chú trọng đến không gian, đến nội dung hoạt động của bảo tàng. Khi đã có Bảo tàng Tổng hợp thành phố (ở Thủ Thiêm) thì các bảo tàng còn lại hoạt động như thế nào, cấu trúc ra sao, trưng bày có trùng lắp hay không… cũng là vấn đề cần xác định. Ở một góc nhìn khác, PGS-TS Phan Xuân Biên, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: “Theo tôi, thành phố nên đầu tư xây dựng và nâng cấp các bảo tàng hiện hữu chứ không nên bàn chuyện xây dựng bảo tàng mới”.
MINH AN - THÚY BÌNH