
Sau vụ tai nạn của tàu E1, dư luận đồng tình với chỉ thị của Tổng Bí thư và Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo kiểm tra, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; xác định đúng trách nhiệm cá nhân, tập thể, xứ lý nghiêm minh vụ việc này. Ở đây, tôi xin lạm bàn một khía cạnh nhỏ trong nguyên nhân điều hành ở tầm vi mô, đó là định hướng đầu tư đưa đến việc phân bổ vốn đầu tư chưa hợp lý.

Vụ tai nạn tàu E1.
Người lãnh đạo cao nhất của ngành giao thông vận tải có lần nói rằng “do nguồn vốn ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực này quá thấp, trong khi các nhà tài trợ nước ngoài muốn ưu tiên đầu tư cho đường bộ vì đường bộ có nhiều thụ hưởng hơn”.
Cách giải thích như vậy xem ra không ổn vì thực tế cho thấy không phải nhà nước thiếu tiền đầu tư mà vấn đề là phân bổ vốn đầu tư không hợp lý. Tàu E1 bị nạn ở điểm giữa hai sân bay chỉ cách nhau 80km (sân bay Đà Nẵng - sân bay Phú Bài, Huế) và đến cuối tháng 3 này sẽ có thêm sân bay Chu Lai, tỉnh Quảng Nam - nghĩa là trên ba địa phương liền nhau có ba sân bay cách nhau 180km.
Theo các chuyên gia, đầu tư cho đường sắt tuy không hấp dẫn như đầu tư cho ngành hàng không nhưng hiệu quả kinh tế-xã hội rất cao. Ở các nước đang phát triển, kể cả một số nước phát triển đầu tư cho đường sắt bao giờ cũng được quan tâm hơn đường không. Đại bộ phận dân cư và luân chuyển hàng hóa trong nội địa chủ yếu bằng đường sắt. Vì thế tính đại chúng, tính xã hội của dịch vụ giao thông đường sắt cao hơn đường không.
Theo các chuyên gia làm trong ngành đường sắt cho biết, trang thiết bị của ngành hiện này không khác bao nhiêu so với thời Pháp để lại, chỉ có khác là thay đầu máy hơi nước bằng đầu máy diesel. Nếu định hướng và đưa đến phân bổ đầu tư không hợp lý thì đồng vốn bỏ ra sẽ rất chênh lệch.
Chi phí đầu tư cho 1km đường sắt trung bình theo Tiêu chuẩn Việt Nam khoảng 2,8 triệu USD. Chi phi đầu tư ước tính cho sân bay Long Thành đạt tiêu chuẩn quốc tế khoảng 8 tỷ USD.
Như vậy, chỉ cần bớt đầu tư một sân bay là đủ sức làm thêm một đường sắt Bắc-Nam. So sánh giá thành vận chuyển cũng sẽ thấy tính ưu việt của vận tải đường sắt so với hàng không. Đường hàng không từ Sài Gòn đi Hà Nội: cước cho 1 kiện hàng 30kg là 350.000đ (Nguồn EMS). Đường sắt từ Sài Gòn đi Hà Nội: cước cho 1 tấn hàng từ Sài Gôn đi Hà Nội là 1.100.000đ (1.100.000đ : 1.726km = 637.3đ cho 1km) (Nguồn Liên hiệp Đường sắt 2).
Chúng ta đã có quá nhiều bài học về phong trào đua nhau giữa các tỉnh xây dựng nhà máy đường, nhà máy xi măng, cảng biển. Có lẽ việc đua nhau làm sân bay, khôi phục sân bay không là ngoại lệ.
DIỆP VĂN SƠN