Đẩy mạnh chuyển đổi số: Phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn

Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS). Qua đó, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam (thứ ba, từ trái sang) trải nghiệm mua sắm thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Hộ Phòng, thị xã Giá Rai
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam (thứ ba, từ trái sang) trải nghiệm mua sắm thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Hộ Phòng, thị xã Giá Rai

Khuyến khích không dùng tiền mặt

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy vừa ký ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn. Thời gian thực hiện thí điểm tại TP Bạc Liêu từ ngày 1-7-2023, các đơn vị còn lại thực hiện như phương án chi trả đã được phê duyệt. Để việc chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt hiệu quả, UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu phải đảm bảo chất lượng phục vụ tốt, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến đối tượng thụ hưởng. Chi trả cho đối tượng hưởng chế độ, chính sách an sinh xã hội đúng, đủ số tiền, đúng thời gian quy định, đem lại sự hài lòng cho đối tượng, không gây phiền hà, quy trình chi trả đơn giản, phù hợp và đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Hiện nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu tích cực hưởng ứng chủ trương không dùng tiền mặt trong các giao dịch, thanh toán trong cuộc sống hàng ngày. Là đơn vị sớm thực hiện chủ trương này, ông Trần Hữu Khoa, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bạc Liêu, cho biết, từ tháng 11-2022, đơn vị đã ngừng thu tiền điện tại nhà với 100% khách hàng sử dụng điện trên địa bàn.

Qua thời gian thực hiện, Công ty Điện lực Bạc Liêu đánh giá: khách hàng tiếp cận được những hình thức thanh toán tiền điện hiện đại, an toàn qua hệ thống ngân hàng hoặc các tổ chức trung gian; chủ động thời gian và hình thức thanh toán phù hợp, mọi lúc mọi nơi; không phải chờ đợi nhân viên ngành điện/dịch vụ hỗ trợ kinh doanh điện đến nhà thu tiền điện như trước đây…

Dù vậy, theo ông Trần Hữu Khoa, trong quá trình triển khai cũng gặp những khó khăn nhất định, do người dân ở khu vực nông thôn đa phần đều có thói quen sử dụng tiền mặt, việc sử dụng tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán điện tử còn hạn chế. Một số hộ dân ở khu vực nông thôn có thu nhập thấp, không có nguồn thu thường xuyên nên không mở tài khoản tại ngân hàng. Các phòng giao dịch, điểm thu của ngân hàng/tổ chức trung gian đa số tập trung ở trung tâm xã, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố nên còn khó khăn đối với người dân vùng sâu, vùng xa.

Theo kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 đạt giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; từ 90%-100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Cùng với phục vụ người dân, CĐS còn nhằm phục vụ doanh nghiệp tốt hơn. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bạc Liêu đã triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ CĐS doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp CĐS trên địa bàn.

Là một trong những đối tượng thụ hưởng đề án, ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: “Liên minh HTX đã có nhiều chủ động, tích cực phối hợp các sở ngành, đơn vị có liên quan như Sở TT-TT, báo đài địa phương… phổ biến, tuyên truyền về CĐS trong khu vực HTX; nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, thành viên và người lao động trong HTX về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của CĐS. Từ đó, thúc đẩy phát triển nhu cầu thực hiện CĐS trong HTX”.

Hiện toàn tỉnh Bạc Liêu có khoảng 85 HTX (chiếm gần 40% số HTX) ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng máy vi tính, điện thoại thông minh để quản lý nhân sự, ứng dụng phần mềm kế toán, gửi email, trao đổi thông tin văn bản; có 22 HTX có sử dụng phần mềm hỗ trợ nghiệp vụ sử dụng chữ ký số, chiếm gần 9,8% số HTX trên địa bàn…

Theo ông Lê Chí Tôn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu, nếu doanh nghiệp làm tốt công tác CĐS sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã có động thái tích cực tham gia CĐS. “Phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có quy mô nhỏ nên gặp nhiều khó khăn về CĐS. Vì vậy, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ ban đầu phù hợp để doanh nghiệp thúc đẩy CĐS”, ông Tôn đề xuất.

Ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Bạc Liêu (cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Bạc Liêu) cho biết, thời gian tới, Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng (hiện toàn tỉnh có 576 tổ) để hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng thanh toán trực tuyến, dịch vụ bưu chính, công ích trong việc gửi, nhận kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin, các phần mềm phục vụ tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu để làm cơ sở đề xuất đầu tư, nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, đáp ứng các yêu cầu theo quy định hiện hành.

Tin cùng chuyên mục