Tham dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của WB; đại diện bộ, ngành, doanh nghiệp và các chuyên gia trong và ngoài nước.
Hội thảo đã trao đổi về các giải pháp sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP, hình thức: xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và chiến lược huy động vốn tư nhân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải và chống ngập; các ràng buộc trong khung pháp lý và các quy định liên quan nhằm đẩy mạnh hiệu quả đầu tư theo hình thức PPP; trao đổi về chiến lược nhằm tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp dịch vụ và cơ sở hạ tầng trong bốn lĩnh vực nói trên.
Cần minh bạch và hạn chế tham nhũng
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, mỗi năm TP dành 30.000 tỷ đồng ngân sách cho đầu tư công nhưng chỉ mới đáp ứng được 18% nhu cầu đầu tư của TP. Trước việc TP phải đối mặt với các thách thức do tốc độ đô thị hóa nhanh, cần giải quyết bài toán khó trong đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục vào môi trường, thì xã hội hóa là cách huy động vốn hữu hiệu nhất. Trong đó, hình thức PPP sẽ huy động gấp 3 lần vốn đầu tư công, phát huy tốt hơn nguồn lực từ khu vực tư nhân, nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích cho người dân. Qua hội thảo, TP muốn trao đổi về vai trò của cơ quan chức năng; về phân chia lợi nhuận và chia sẻ rủi ro; về lựa chọn đối tác có năng lực, vững mạnh tài chính; cách thức quản lý hiệu quả, tăng tính minh bạch, ngăn ngừa tham nhũng…
Liên quan đến vấn đề rủi ro, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của WB, cho rằng, để mô hình PPP thành công, chúng ta cần phải công nhận đây là mô hình hợp tác dài hạn, trong đó cả khu vực công và tư cùng chia sẻ không chỉ lợi ích mà còn cả rủi ro. Nếu rủi ro và lợi ích không được chia sẻ đồng đều thì khả năng thất bại sẽ rất cao.
Trong đó, đòi hỏi khung pháp lý, quy định và thể chế phải rõ ràng, chặt chẽ để giúp các nhà đầu tư có thể chấp nhận rủi ro trong dài hạn với mức độ chắc chắn nhất định về những khuôn khổ pháp lý và thể chế nói trên, đã tính đến các rủi ro.
Còn ông Sebastian Eckardt, Trưởng Chương trình WB, lưu ý rằng, tính minh bạch và công tác quản trị tài chính hiệu quả là hai vấn đề sẽ giúp TP phát triển bền vững. Bà Victoria Delmon, Cố vấn cấp cao của WB, nói rõ, vấn đề tham nhũng và chính sách pháp luật không ổn định là những vấn đề nhạy cảm, cần giải quyết để tăng sức hấp dẫn trong kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, bà cũng cho rằng, hạn chế hiện nay là tính minh bạch nên cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch để tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư.
Phải thay đổi cách làm trong hợp tác công tư
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết, dự kiến vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 78,5 tỷ USD (tăng 53% so với giai đoạn 2011-2015). Trong đó, vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước dự kiến là 16,2 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 20%); vốn đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước dự kiến là 48 tỷ USD (chiếm khoảng 61%) và vốn đầu tư từ khu vực nước ngoài (FDI) là 14,3 tỷ USD (chiếm hơn 18%). Tuy nhiên, trong 3 năm qua (2016-2018), tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 48 tỷ USD. Để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) thì tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách sẽ phải cần 14,7 tỷ USD, nhưng khả năng cân đối từ ngân sách chỉ được 7,41 tỷ USD, chỉ bằng 52% nhu cầu đầu tư.
Vì vậy, để đẩy mạnh mô hình PPP cho TPHCM trong thời gian tới, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết sẽ tổ chức thực hiện các cơ chế, giải pháp sau: Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý đầu tư theo hình thức PPP; xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư; huy động từ nguồn lực đất đai, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để tạo vốn góp của Nhà nước tham gia các dự án PPP; xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư theo hình thức PPP; đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ ODA kết hợp PPP…
Sau khi phân tích tính đặc thù trong hình thức thu hút PPP tại Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP nghiên cứu thay đổi cách làm trong PPP. Đó là chính quyền phải đưa ra nhu cầu trong các dự án và làm đề xuất dự án, chất lượng để các nhà đầu tư cân nhắc đưa ra phương án cung cấp dịch vụ công cho người dân. Đồng thời, khi chính quyền có danh sách các đề xuất dự án đã làm thì phải phân chia theo nhóm như nước thải, bệnh viện, cầu đường và đối với mỗi nhóm phải có chuyên gia của chính quyền làm việc chung với chuyên gia của nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng thảo luận để xác định cụ thể các nội dung của một hợp đồng PPP cho một dự án PPP, chứ không có một khung hợp đồng nào dùng chung cho tất cả các dự án, hợp đồng.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thừa nhận: “Phải thẳng thắn nhận định rằng, TP gặp rất nhiều thách thức, khó khăn trong lĩnh vực PPP. Đó là vấn đề thể chế pháp luật để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư; sự chia sẻ rủi ro và thành công trong tất cả dự án giữa nhà nước và doanh nghiệp; tính minh bạch trong đấu thầu; việc huy động các nguồn lực đất đai, nhân lực không để thất thoát, lãng phí; chính sách ưu đãi của TP đối với doanh nghiệp; thái độ và trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành TP với đối tác và việc chọn lựa các lĩnh vực để chọn lựa việc thực hiện có hiệu quả nhất đối với hình thức đối tác công tư và vấn đề về chỉ tiêu đầu tư công…”. Tuy nhiên, ông cũng cam kết, việc triển khai hình thức PPP thời gian tới sẽ đảm bảo minh bạch, công khai và chia sẻ rủi ro, thành công đối với doanh nghiệp!
Ngoài chương trình chia sẻ kinh nghiệm quốc tế huy động vốn xã hội và đẩy mạnh hợp tác PPP, hội thảo còn có 3 tọa đàm chuyên đề: Xã hội hóa đầu tư lĩnh vực xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải và chống ngập; Xã hội hóa đầu tư lĩnh vực y tế; Xã hội hóa đầu tư lĩnh vực giáo dục. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc mời gọi đầu tư, triển khai các dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ đăng tải công khai thông tin liên quan đến tình hình mời gọi đầu tư của TPHCM tại website www.ppp.tphcm.gov.vn.