
Nhân dịp đầu năm mới Ất Dậu 2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã trả lời phỏng vấn của giới báo chí về việc đưa kinh tế-xã hội của đất nước tiến lên tầm cao mới. Báo SGGP xin trích đăng một phần nội dung cuộc phỏng vấn này.
- Thưa Chủ tịch, năm 2004, mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, song trên các lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội, Việt Nam đã đạt được những kết quả cao hơn năm ngoái. Theo Chủ tịch, đâu là nguyên nhân của thắng lợi này và chúng ta có thể rút ra những bài học, kinh nghiệm gì trong công tác chỉ đạo, điều hành?

Chủ tịch nước Trần Đức Lương trả lời phỏng vấn báo chí.
- Chủ tịch nước TRẦN ĐỨC LƯƠNG: Đạt được thành tích quan trọng trong năm 2004, tôi cho rằng nguyên nhân cơ bản là nhiều cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào thực tế cuộc sống tốt hơn, tạo ra sự đồng thuận và hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Việc phân công, phân cấp và xác định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan trung ương và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện tốt cho việc phát huy tính chủ động, năng động và sáng tạo ở từng cấp, từng ngành và cơ sở... Chúng ta cũng kiên quyết xử lý những vụ sai phạm nghiêm trọng trong quản lý kinh tế, kể cả trường hợp người vi phạm là cán bộ cao cấp, củng cố tính nghiêm minh của luật pháp trong quản lý kinh tế-xã hội. Việc thực hiện những yêu cầu của Nghị quyết TƯ6 (lần 2) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng tiếp tục được triển khai tốt. Việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức quần chúng coi trọng và tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực hơn, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động hợp lòng dân được triển khai sâu rộng có tác dụng tích cực, góp phần khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, thử thách.
Thực tiễn giúp chúng ta rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, song bài học dựa vào dân và vì dân luôn là bài học lớn nhất đối với công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý và điều hành của Nhà nước. Vì vậy, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần phải tiếp tục được bổ sung hoàn thiện và cụ thể hóa cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhằm mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích của nhân dân.
- Năm 2005 là năm có ý nghĩa quyết định thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005 theo Nghị quyết của Đại hội IX. Xin Chủ tịch đánh giá về triển vọng của Việt Nam trong năm 2005?
- Quả thực, năm 2005 là năm có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2001-2005, là năm có nhiều sự kiện trọng đại, nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước và hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nêu cao ý chí, quyết tâm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và chất lượng, phải phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,5%; đồng thời hết sức coi trọng việc huy động, sử dụng có hiệu quả cao các nguồn nội lực và ngoại lực, nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế vĩ mô; kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP... Tôi cũng xin nhấn mạnh một nhân tố mới: Năm 2005 là năm nền kinh tế Việt Nam tiến sâu vào con đường hội nhập vì chúng ta bước vào ngưỡng cửa thực hiện đầy đủ các cam kết AFTA vào năm 2006 và ráo riết đẩy mạnh đàm phán để gia nhập WTO, nhiều cơ hội và thách thức lớn sẽ đặt ra đòi hỏi phải vượt qua.
(*) Đầu đề do báo SGGP đặt.