Đẩy nhanh tiến độ Chương trình giảm nghèo bền vững

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy - HĐND - UBND và Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Long An, 2 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Trong đó, nổi bật là đến nay hộ nghèo của tỉnh Long An còn 0,99%, cận nghèo còn 2,29%...
Người dân ở huyện Tân Hưng, tỉnh LKong An thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vốn chăn nuôi
Người dân ở huyện Tân Hưng, tỉnh LKong An thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vốn chăn nuôi

Nhiều điểm sáng giảm nghèo bền vững

Tân Trụ là một trong những huyện của tỉnh Long An có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Người nghèo được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, được hỗ trợ bảo hiểm y tế, giới thiệu việc làm, được hỗ trợ vốn vay để có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Đầu năm 2022, huyện có 473 hộ nghèo (2,59%), 523 hộ cận nghèo (2,87%); đến nay, số hộ nghèo giảm còn 385 hộ, hộ cận nghèo còn hơn 400 hộ.

Ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ, cho biết, kết quả trên có được là nhờ các cấp ủy Đảng, chính quyền ở huyện Tân Trụ đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo. Thông qua các chế độ, chính sách được triển khai đồng bộ, các hộ nghèo từng bước cải thiện được cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Cũng theo ông Tài, để đạt được kết quả trên, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, như công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiến hành kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện giải pháp giảm nghèo. Các cấp ngành, đoàn thể huyện đẩy mạnh xã hội hóa thực hiện công tác giảm nghèo; phát huy hiệu quả chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo như vốn vay, dạy nghề, tạo việc làm, trao sinh kế, cung ứng vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất...

Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách triển khai qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từng năm, từng giai đoạn. Nhờ nguồn vốn tín dụng này mà người dân hạn chế vay lãi suất cao, vay nặng lãi; giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, từng bước thay đổi nhận thức và cách thức sản xuất, kinh doanh, giúp hộ vay sử dụng vốn hiệu quả.

Tại huyện Mộc Hóa, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, đã trở thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống người dân, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Cuối năm 2022, hộ nghèo của huyện chỉ còn 188 hộ (chiếm 2,55%), 457 hộ cận nghèo (chiếm 6,19%), huyện quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2023, số hộ nghèo, cận nghèo sẽ giảm hơn nữa.

Ở huyện Đức Huệ, dù là địa bàn biên giới còn gặp nhiều khó khăn, song từ việc triển khai đồng bộ các chính sách, phân bổ nguồn vốn kịp thời từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Năm 2022, trên địa bàn huyện còn 488 hộ nghèo (chiếm 2,53%), huyện phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ có thêm khoảng 60 hộ thoát nghèo.

Phấn đấu giảm hộ nghèo còn 0,65%

Theo ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, mặc dù còn một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tuy nhiên với quyết tâm cao nhất, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, hộ nghèo trên địa bàn giảm còn 0,65% (hiện hộ nghèo còn 0,99%, cận nghèo 2,29%); giảm hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn dưới 3%; xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn…

Huy động mọi nguồn lực cho chương trình giảm nghèo

Bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Long An, cho biết, nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, thời gian qua Long An đã thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, thu được kết quả bước đầu đáng khích lệ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giúp nhiều địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo…

Cũng theo bà Mai, điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh là huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, từ đó xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Chẳng hạn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có mô hình Tiết kiệm tín dụng, Góp vốn xoay vòng, Góp xi măng xây nhà, Đồng hành với phụ nữ yếu thế. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương có các mô hình xây dựng nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ bò sinh sản; hỗ trợ vốn sản xuất, giới thiệu việc làm; hỗ trợ tiền khám bệnh cho hộ nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội có các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm. Hội cựu chiến binh các cấp của tỉnh năng động với phong trào Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi...

Tin cùng chuyên mục