Dạy và học ở “cổng trời” Tu Mơ Rông

Tu Mơ Rông là huyện nghèo của tỉnh Kon Tum, nơi được ví von là “cổng trời” bởi độ cao chót vót. Vùng đất này đồi núi trập trùng, dân cư phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, sống từng cụm nên việc dạy và học gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.
 Phòng học tạm bợ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tê Xăng
Phòng học tạm bợ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tê Xăng

Vượt núi vận động học sinh đến lớp

Chúng tôi đến xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) vào lúc trời đã chập tối. Khi người dân trong xã đang chạy xe từ rẫy về nhà sau một ngày lao động cực nhọc, thì hiệu trưởng và hiệu phó Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Măng Ri lại tất bật gọi điện và chuẩn bị xe, áo ấm, đèn pin lên đường. “Chuyện là hôm nay có em Y Bưới, làng Long Hi, học sinh lớp 8 vắng học không có lý do. Em này mấy hôm trước cũng vắng nhưng chúng tôi vận động rồi đi học lại, không hiểu sao hôm nay lại vắng. Chúng tôi đã gọi báo cho cán bộ xã, rồi cùng họ xuống hỏi lý do để tháo gỡ”, thầy Tưởng Văn Quang, Hiệu trưởng trường nói. 

Chúng tôi lên 3 chiếc xe máy, băng qua nhiều quả núi mới đến được làng Long Hi. Thầy Quang dẫn chúng tôi vào nhà Y Bưới. Thấy thầy, Y Bưới đứng lặng, miệng lí nhí: “Em chào thầy”. “Hôm nay sao em lại vắng học”, thầy Quang hỏi. Cô học trò nhỏ rưng rưng nói rằng do đường xa, nhà lại nghèo nên em phải ở nhà phụ giúp gia đình làm rẫy. “Em phải cố gắng đi học để có kiến thức. Học để sau này về giúp bố mẹ làm kinh tế. Mai đi học lại nhé. Các bạn đang chờ em đến lớp đó”, thầy Quang thuyết phục. Anh A Nhoai, Bí thư Xã đoàn Măng Ri, động viên thêm: “Y Bưới phải đi học nếu không sẽ thua bạn bè. Đi học để thầy cô dạy chữ, dạy kiến thức, để sau này giúp mình, giúp gia đình, giúp cho xã hội”. 

Thầy Tưởng Văn Quang kể, trường có 144 học sinh, có em nhà ở xa trường cả 6km và phải đi bộ đến trường. Ban giám hiệu đã quán triệt với các giáo viên, thấy em nào nghỉ học là phải báo ngay để đi vận động. “Chúng tôi không nhớ những năm qua đã đi vận động bao nhiêu lần vì đi nhiều quá, đến nỗi mỏi cả chân, lốp xe cũng phải mòn…”, thầy Quang nói. Còn anh A Nhoai cho biết: “Cứ mỗi lần nhận tin báo của trường có học sinh vắng học là chúng tôi cùng trường đi kiểm tra, vận động. Nhờ sự tận tâm của giáo viên mà học sinh trên địa bàn rất hiếm khi bỏ học. Địa phương ghi nhận sự cống hiến thầm lặng của thầy cô”.

Thiếu thốn đủ bề

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tê Xăng (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông), bên cạnh những phòng xây là 2 phòng học lụp xụp dựng bằng phên gỗ cũ kỹ, nằm nép mình một góc. Tại đây, cô Lê Thị Thao sử dụng 1 phòng để dạy chữ cho 14 học sinh lớp đặc biệt - lớp bồi dưỡng cho học sinh chưa đọc viết được từ lớp 1 đến lớp 5. “Dạy ở phòng gỗ tạm rất khổ, bởi mưa thì nước chảy vào, gây nhếch nhác. Mùa đông thì gió rét lùa lạnh buốt. Nhiều lúc, chó, gà vào phòng phóng uế, sáng mai muốn học thì cô trò phải lấy nước tạt, lau chùi”, cô Thao nói. Theo thầy A Vôn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tê Xăng, do thiếu phòng nên ngoài việc dùng phòng tạm, trường còn phải mượn 1 phòng tại trụ sở UBND xã để dạy. Ngoài ra, còn mượn xã 2 phòng và mượn nhà sàn của dân để làm chỗ ở cho giáo viên. 

Ngược về Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Văn Xuôi (xã Văn Xuôi), một số giáo viên đang mang can qua nhà dân xin nước sinh hoạt, nấu ăn. Thầy Lê Văn Giang, Hiệu phó cho biết, thiếu nước là vấn đề khó khăn nhất của trường. Trường có giếng khoan nhưng đang xây, hiện đang sử dụng giếng đào nhưng nước không đủ. Thiếu nước nên có thời điểm phải hứng nước mưa hoặc xuống dân xin, có lúc giáo viên phải xuống suối tắm, giặt.

Ông Lê Văn Hoàn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn có 34 đơn vị trường học với 91 điểm trường. Trong đó có hơn 60 điểm trường thiếu nước và nhà vệ sinh xuống cấp. Nhiều nơi do thiếu phòng học nên phải mượn tạm phòng của UBND xã hoặc nhà văn hóa để dạy. Do nhiều trường dạy bán trú nên việc thiếu nước, cơ sở vật chất tác động đến chất lượng dạy và học. Theo ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, địa phương rất quan tâm đến việc dạy và học, huyện đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất ở các điểm trường. Tại một số điểm trường thiếu phòng học, UBND huyện đã giao cho UBND xã và phòng GD-ĐT tìm địa điểm để xây dựng. Riêng việc thiếu nhà vệ sinh và nước, huyện đã khảo sát để từng bước khắc phục, trong năm 2017, huyện đã đầu tư 3 tỷ đồng để sửa chữa và xây mới nhà vệ sinh, đường ống nước. Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã cấp hơn 2,7 tỷ đồng để tiếp tục làm các công trình vệ sinh ở các điểm trường. Năm 2018, huyện tiếp tục đầu tư cho các điểm trường còn lại, dự kiến đến năm 2019 sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước và nhà vệ sinh.

Tin cùng chuyên mục