Ủy ban TVQH cho ý kiến dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân

Đề nghị khởi điểm chịu thuế sau giảm trừ là 5 triệu đồng/tháng

Hôm qua, 12-10, dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét. Tờ trình của Chính phủ đưa ra 2 phương án: mức khởi điểm chịu thuế sau khi giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng và 5 triệu đồng/tháng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: quan điểm của Chính phủ nghiêng về phương án 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong UBTVQH đề nghị chọn phương án 5 triệu đồng/tháng.

  • Giảm trừ 4 hay 5 triệu đồng/tháng?

Với quan điểm “cá nhân có thu nhập vượt trên ngưỡng nhất định” mới phải nộp thuế, dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định mức giảm trừ gia cảnh gồm 2 phần: phần đối với người nộp thuế, và phần đối với những người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm phải nuôi dưỡng. Theo phương án giảm trừ 4 triệu đồng/tháng, cá nhân có thu nhập 5 triệu đồng/tháng (hiện nay chưa phải nộp thuế) thì sẽ phải chịu thuế sau khi được giảm trừ 4 triệu đồng, nghĩa là có 1 triệu đồng chịu mức thuế 5% (50.000 đồng).

Thu nhập từ 5-10 triệu đồng (sau khi đã giảm trừ), mức thuế phải nộp là 10%, và lũy tiến đến mức thuế cao nhất là 35%. Ngoài ra, người nộp thuế được giảm trừ thêm nếu có người phụ thuộc, mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc (bố, mẹ, con dưới 18 tuổi…) là 1,6 triệu đồng/tháng (bằng 40% mức giảm trừ của người nộp thuế). Tuy nhiên, phần giảm trừ cho những người phụ thuộc tối đa không quá 10 triệu đồng/tháng. Nghĩa là mức giảm trừ tối đa không quá 14 triệu đồng/tháng.

Theo phân tích của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, theo phương án trên, “ngưỡng” chưa thu thuế đối với người có người phụ thuộc cao hơn so với hiện hành, nhưng đối với người độc thân thì sẽ thấp hơn (4 triệu đồng so với 5 triệu đồng). “Đây là điều hợp lý, vì như vậy sẽ bảo đảm tính công bằng của thuế thu nhập cá nhân” - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói. Theo ông, áp dụng mức giảm trừ 5 triệu đồng/tháng sẽ dễ nhận được sự đồng thuận, nhưng mức này lại cao hơn so với quy định của các nước trong khu vực. Mặt khác, số thu sẽ giảm nhiều (khoảng 300 tỷ đồng).

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của QH đề nghị áp dụng phương án mức khởi điểm chịu thuế sau khi giảm trừ là 5 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ban soạn thảo cũng cần quy định rõ những khoản được giảm trừ như ốm đau nặng kéo dài; gặp rủi ro lớn; thuê nhà, mua nhà trả góp; đầu tư cho con đi học nước ngoài…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Trần Thị Tâm Đan còn đề nghị phải cân nhắc thật kỹ mức khởi điểm chịu thuế, vì mức thu nhập 5 triệu/đồng tháng như ở Việt Nam không thể gọi là cao. Với mức thu nhập này mà nuôi thêm 2 đứa con thì cũng rất chật vật. “Vẫn còn quá nhiều chi phí ngoài luồng phải chi. Chẳng hạn học phí tuy ít, song tiền xây dựng, đóng góp lại nhiều. Những khoản này biết trình bày với ngành thuế thế nào?” - bà Tâm Đan nêu thực tế.

  • Không nên thu thuế đối với tiền lãi tiết kiệm

Một quy định không nhận được sự đồng tình của UBTVQH là đánh thuế thu nhập đối với lãi tiền gửi tiết kiệm. Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn khẳng định: nếu quy định khoản thu nhập này thuộc diện chịu thuế sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các tổ chức tín dụng và cả nền kinh tế. Mặt khác, người gửi tiết kiệm không có khả năng kinh doanh thì mới gửi tiền vào ngân hàng. Đó là chưa kể, lãi suất gửi tiết kiệm hiện nay cũng chỉ đủ để bù đắp lạm phát của đồng tiền. “Với mức trượt giá như thời gian qua, nếu người dân gửi 100 đồng vào ngân hàng thì cuối năm cũng chỉ thu về có 0,6 đồng tiền thực lãi”.

Ông Tuấn e ngại, việc khấu trừ trước tiền lãi tiết kiệm là không khả thi, vì để làm được việc này ngân hàng sẽ phải mất rất nhiều thời gian và chi phí. Đồng tình với quan điểm của ngành ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Tráng A Pao đề nghị, ban soạn thảo cần căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng luật. Còn bà Trần Thị Tâm Đan lưu ý: “Không biết ngành thuế thu được bao nhiêu, nhưng những quy định này có thể sẽ gây phản cảm với xã hội”.

Thậm chí, bà Trần Thị Tâm Đan còn cho rằng, chưa nên ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân tại thời điểm này. Bà phân tích: Việc cho kéo dài thời gian 2 năm để chuẩn bị (đến năm 2009 luật mới có hiệu lực), có nghĩa rằng hiện nay chưa có điều kiện đầy đủ để thực hiện luật. Vậy có nên tạo ra một tiền lệ không hay là “chưa có đủ điều kiện đã ban hành luật”? Theo bà, nên để khi nào có đủ điều kiện thực hiện thì mới ban hành luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân đồng tình: “Những gì tính toán bây giờ liệu có phù hợp cho 2-3 năm tới không?”. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đề nghị, nên để đến cuối năm 2007 Quốc hội mới thông qua luật này, và đến đầu năm 2009 có hiệu lực thi hành.

* Cùng ngày, UBTVQH đã xem xét chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2007. Theo đó, chương trình này sẽ gồm 38 dự án (25 dự án luật, 12 pháp lệnh và 1 nghị quyết). Trong đó, chương trình chính thức có 31 dự án (18 luật, 12 pháp lệnh, 1 nghị quyết), chương trình chuẩn bị có 7 dự án luật.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục