Khai mạc phiên họp thứ 43 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đề nghị tăng hỗ trợ cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo

Hôm qua, 19-9, trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) đã cho ý kiến vào dự án Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và thảo luận kết quả giám sát Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

Kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc của QH thực hiện cho thấy, sau 2 năm, Chương trình 134 của Chính phủ đã đạt được một số kết quả. Số vốn đã hỗ trợ cho chương trình tính đến nay là 1.610 tỷ đồng.

Dự kiến quý 4 năm 2006 sẽ bố trí bổ sung 510 tỷ đồng, nâng tổng số hỗ trợ trong 2 năm 2005-2006 lên 2.120 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 54% nhu cầu vốn của Chương trình 134. Nhờ đó, đến tháng 7-2006, đã có 139.299/333.313 hộ đồng bào dân tộc được hỗ trợ nhà ở (giá trị bình quân 6-7 triệu đồng/căn); 13.210/83.948 hộ được hỗ trợ đất ở (16%); 46.691/273.616 hộ được hỗ trợ đất sản xuất (20%); 77.228/280.944 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt (28%)…

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Tráng A Pao, bước đầu cho thấy đây là một chính sách hợp lòng dân, có hiệu quả và cơ bản không thất thoát lãng phí. Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc triển khai còn trùng lặp, hoặc bỏ sót đối tượng. Bên cạnh đó, tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách xuất hiện không chỉ ở các hộ gia đình, mà còn có ở cả một số cán bộ, cấp chính quyền. “Đây là điều hết sức nguy hiểm!” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc K’Sor Phước đồng tình.

Một vấn đề không kém phần quan trọng nổi lên là mặc dù tỷ lệ hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất còn thấp, nhưng theo Hội đồng Dân tộc, đến nay các địa phương cơ bản hết quỹ đất để bố trí. Trong khi đó, một số diện tích đất có thể khai hoang, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng… lại cần nguồn kinh phí lớn.

Bộ trưởng K’Sor Phước cũng thừa nhận, quỹ đất hiện đang rất khó khăn. Vì thế, Chính phủ hiện có chủ trương giải quyết bằng cách chuyển đổi đất nông, lâm trường. “Quan điểm là phải hỗ trợ đất tốt, nếu không chúng ta sẽ mất uy tín kép” - ông nói.

Từ kết quả giám sát, Hội đồng Dân tộc của QH kiến nghị cần nghiên cứu tăng định mức hỗ trợ cho Chương trình 134: hỗ trợ từ 5 triệu đồng lên 8 triệu đồng/nhà, nước sinh hoạt từ 300.000 đồng lên 500.000 đồng/hộ để mua dụng cụ chứa nước, và 1 triệu đồng/hộ để khoan giếng; hỗ trợ từ 5 – 7 triệu đồng/hộ để khai hoang đất sản xuất.

Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Lê Quang Bình vẫn băn khoăn vì vấn đề hỗ trợ đất là “chưa có lối thoát”. Ông đề nghị cần có biện pháp giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, theo Bộ trưởng K’Sor Phước, để giảm sức ép nhu cầu về đất, Quốc hội cần cho chủ trương bằng các chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, kể cả việc xuất khẩu lao động cho thanh niên con em đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

BẢO MINH

Trình UBTVQH dự án Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong cho biết, hiện nay nhiều hàng hóa nội địa chưa thực sự thích ứng với yêu cầu tiêu dùng cả về chất lượng, mẫu mã, giá thành. Mặt khác, nạn gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng còn phổ biến và khó kiểm soát gây thiệt hại không nhỏ cho Nhà nước, người sản xuất và người tiêu dùng.

Trong khi đó, các biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng lại chưa đủ mạnh, kém tác dụng răn đe, phòng ngừa. Chính vì thế, hầu hết các Ủy viên UBTVQH đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. UBTVQH nhất trí đưa dự án luật này trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 tới đây.

Tin cùng chuyên mục