Dẫu biết quy luật của tạo hóa không thể cưỡng lại nhưng sự ra đi của ông - người góp phần quan trọng trong việc hồi sinh nghệ thuật ca trù, đã để lại trong lòng người yêu di sản nhiều tiếc nuối.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Đẹ sinh năm 1923 tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương trong một gia đình có truyền thống đàn hát. Cha của ông là một tay đàn có tiếng, còn mẹ là một ca nương. Gia đình ông nối nghiệp ca trù trong nhiều đời.
Năm 2005, nghệ thuật ca trù được Nhà nước quan tâm và bảo tồn, ông trở lại và tham gia biểu diễn rất tích cực. Cùng năm đó, ông đã giành được huy chương vàng Liên hoan Ca trù toàn quốc. Khi tiếng đàn của ông lão ở tuổi 82 cất lên, mọi người có mặt trong khán phòng rất thán phục. Người nghe dễ dàng cảm nhận tiếng đàn đặc biệt không ai có, nhờ đó mà ông được tôn vinh là “Đệ nhất danh cầm đàn đáy của Việt Nam”.
Không chỉ nhớ và miệt mài truyền dạy những ngón đàn quý cho hậu bối mà nhờ tâm huyết của ông, nhiều câu lạc bộ ca trù được thành lập và phát triển, góp phần khẳng định và lan tỏa giá trị âm nhạc truyền thống của nghệ thuật ca trù. Gần một thế kỷ gắn bó với ca trù, danh cầm Nguyễn Phú Đẹ vẫn đau đáu với việc gìn giữ loại hình nghệ thuật mang tính dân gian này.
Không giống một số nhạc cụ khác, muốn đàn được, người học ngoài niềm say mê cần kiên trì, khổ luyện. Phải mất 5 năm mới gọi là thành nghề và hiếm người theo học đến cùng. Thường chỉ học được vài ngón đàn, biết ca vài làn điệu là người học đã bỏ ngang. Vì thế, dù tuổi đã cao, mắt mờ yếu nhưng ông vẫn hăng hái đi diễn, đi chỉ dạy lời ca tiếng đàn cho những người yêu ca trù, với mong muốn trao truyền cho hậu thế, xóa tan lo lắng ca trù sẽ dần mai một.
Với những cống hiến của mình cho sự nghiệp giữ gìn bộ môn nghệ thuật truyền thống ca trù, ông Nguyễn Phú Đẹ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân dân cùng nhiều tôn vinh, ghi nhận khác. Với nhiệt huyết, tình yêu nghệ thuật truyền thống, chắc rằng những hạt mầm được ấp ủ từ tình yêu nghệ thuật ca trù của ông sẽ đâm chồi xanh tươi.