Để quê hương tỏa sáng

Có một đôi vợ chồng lão thành cách mạng, cụ ông năm nay đã 93 tuổi (75 tuổi Đảng), cụ bà 84 tuổi (45 tuổi Đảng), cách đây hơn 10 năm đã thực hiện di nguyện của người con trai thân yêu: đem bộ sưu tập đèn cổ về để tỏa sáng trên quê hương mình.

Chàng trai yểu mệnh và bộ sưu tập đèn cổ

Cụ ông tên Lê Công Chiêm, vợ là Phan Thị Nhã - bà là ái nữ của nhà trí thức cách mạng Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam, được đặt tên đường ở TP Thủ Đức, TPHCM). Ông bà hiện ở số 74/22 đường Tân Cảng, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Ông Lê Công Chiêm bàn giao bộ sưu tập đèn cổ cho UBND huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Ông Lê Công Chiêm bàn giao bộ sưu tập đèn cổ cho UBND huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Vợ chồng cụ Lê Công Chiêm có người con trai út là Lê Công Anh Đức từng tốt nghiệp kỹ sư vô tuyến điện và cử nhân luật. Ngoài công việc ở cơ quan, Anh Đức có đam mê sưu tập đèn cổ, nhất là các loại đèn cổ Việt Nam. Trong vòng 10 năm, Lê Công Anh Đức đã dành hết tiền lương để mỗi khi có dịp là đi suốt chiều dài đất nước, sưu tầm và đem về những cây đèn rất cổ, quý hiếm. Năm 2002, Lê Công Anh Đức bị tai nạn giao thông và qua đời ở tuổi 32, để lại bộ sưu tập đèn đồ sộ với khoảng 500 hiện vật.

Trong số đèn trong nước anh Đức sưu tầm được có đèn gốm Sa Huỳnh (đất nung, 3.000 năm tuổi). Đặc điểm của đèn gốm Sa Huỳnh là được trang trí hoa văn với các họa tiết rất cầu kỳ, có thể đây là đồ gốm mang tính nghi lễ hoặc vật biểu trưng cho sự giàu có.

Hoa văn thường được trang trí ở khoảng giữa hai vành miệng trong và ngoài, trên toàn bộ phần thân và chân đèn. Loại hình hiện vật này có mặt trong các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh như ở Lai Nghi, Hậu Xá, Tam Mỹ… với số lượng rất ít nên rất quý hiếm.

Cùng với đèn gốm Sa Huỳnh, còn có đèn đồng cổ Đông Sơn (2.000 năm tuổi). Những tạo hình đặc biệt của cây đèn này chứa đựng nhiều bí ẩn về thế giới quan, nhân sinh quan (một dạng tín ngưỡng thờ linh vật) của người Việt xưa trong giai đoạn văn hóa Đông Sơn thuộc nền văn minh sông Hồng. Dựa vào kết cấu của đèn, có thể phân thành 4 loại: đèn đĩa có tay cầm, đèn treo, đèn chùm và đèn có chân thuộc dạng tượng tròn.

Riêng loại đèn có chân thuộc dạng tượng tròn còn được chia làm ba nhánh nhỏ: chân đèn có hình tượng người, hình tượng chim hoặc thú và chân đèn kết hợp cả hai hình tượng trên. Các chân đèn được tạo hình rất sinh động, thường gặp nhất là hình người, hình chim, rồng, voi, hươu, rùa, nghê, cóc, lợn cõng đèn.

Bộ sưu tập còn có đèn thuộc văn hóa Chămpa (gần 1.000 năm tuổi). Đặc biệt, ngoài các cây đèn dạng điêu khắc đá, còn có nhiều cây đèn làm bằng chất liệu đồng, sứ được chạm khắc các linh vật như rắn, sư tử, voi, chim Garuda… tiêu biểu cho thời kỳ rực rỡ của Ấn Độ giáo (thế kỷ 13 - thế kỷ 18). Ngoài ra, trong bộ sưu tập đèn Việt Nam còn có đèn gốm Bát Tràng, đèn gốm Lái Thiêu và cả loại đèn hột vịt quen thuộc một thời…

Ngoài sưu tập các cây đèn cổ trong nước, Lê Công Anh Đức còn bỏ công sưu tập đèn cổ của nhiều quốc gia mỗi khi anh có dịp xuất ngoại hoặc mua lại của người khác. Đó là những cây đèn mang hình tượng các vị thần Hy Lạp (thế kỷ 13 - thế kỷ 17, xuất xứ từ Pháp), rồi đèn cổ Trung Quốc, Nhật Bản, Anh… Ấn tượng nhất là 2 cây đèn đồng Aladdin có xuất xứ từ Trung Đông mà thuở ấu thơ anh đã rất say mê khi đọc “Aladdin và cây đèn thần” trong truyện “Nghìn lẻ một đêm” của xứ Ba Tư…

Trong tang lễ của Lê Công Anh Đức, cụ Chiêm đã hứa với con mình rằng: “Ba mẹ sẽ không bao giờ sử dụng bộ sưu tập đèn của con vào cuộc sống riêng của bố mẹ”. Nhiều doanh nghiệp đã đề nghị cùng hợp tác khai thác bộ đèn cổ quý giá này nhưng gia đình ông đã từ chối.

“Trường Đèn Dầu” tỏa sáng trên quê hương

Xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) là quê gốc của gia đình cụ Lê Công Chiêm, cho nên gần 10 năm sau khi Anh Đức qua đời, gia đình đã thỏa thuận với UBND thị xã Điện Bàn để đưa bộ sưu tập đèn cổ này về trưng bày tại Bảo tàng Điện Bàn; đổi lại UBND thị xã Điện Bàn chi ra 6 tỷ đồng để xây một ngôi trường mang tên Lê Công Anh Đức tại xã Điện Hồng. Ngày 9-5-2011, gia đình cụ Lê Công Chiêm và đại diện UBND huyện Điện Bàn đã làm lễ bàn giao và tiếp nhận bộ sưu tập đèn cổ.

Dù không trực tiếp nhận số tiền (quy ra từ việc trao đổi bộ sưu tập đèn cổ) nhưng cụ Lê Công Chiêm vẫn lặn lội từ TPHCM ra Quảng Nam để trực tiếp giám sát việc xây dựng ngôi trường mang tên người con thân yêu của mình. Vậy là vào năm học 2012-2013, Trường mẫu giáo Lê Công Anh Đức đã được khánh thành và khai giảng năm học mới. Một ngôi trường khang trang và bề thế nhất huyện Điện Bàn đã giúp chấm dứt cảnh học tạm bợ ở căn phòng dột nát mà UBND xã cho trường mượn mở lớp; không còn cảnh các bé phải học tập, sinh hoạt trong điều kiện phòng ốc chật chội, ẩm thấp…

Trường mẫu giáo Lê Công Anh Đức ở xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Trường mẫu giáo Lê Công Anh Đức ở xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Từ khi trường mẫu giáo chuyển về cơ sở mới với cơ ngơi bề thế, đầy đủ tiện nghi, bà con quanh vùng Điện Hồng rất vui mừng và tự hào. Trường mang tên Lê Công Anh Đức nhưng bà con lại quen gọi là “Trường Đèn Dầu” do xuất xứ từ bộ sưu tập nổi tiếng của Lê Công Anh Đức.

Không chỉ góp công xây dựng trường, cụ Lê Công Chiêm còn cất công đi tìm những kỳ hoa dị thảo và tự tay trồng trong khuôn viên nhà trường. Hầu như năm nào vợ chồng cụ Chiêm cũng từ TPHCM về trường để dự lễ khai giảng năm học mới. Không những thế, hai cụ còn trích một phần lương hưu của mình làm học bổng, trao tặng cho các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhà trường, lãnh đạo và bà con địa phương rất cảm kích những nghĩa cử tốt đẹp của hai cụ.

Vẫn chưa thỏa lòng…

Từ khi chuyển giao bộ đèn của con trai cho Bảo tàng Điện Bàn, hầu như năm nào cụ Lê Công Chiêm cũng về quê và ghé vào bảo tàng để nhìn ngắm lại những kỷ vật của con trai. Tuy nhiên còn nhiều điều khiến cụ chạnh lòng. Trước đây, theo thỏa thuận với gia đình, Bảo tàng Điện Bàn sẽ dành 2 căn phòng để trưng bày hiện vật đèn cổ.

Thế nhưng, lần nào từ TPHCM về Quảng Nam, cụ già hơn 90 tuổi cũng thấy chỉ có một căn phòng được dùng để trưng bày khoảng 200 hiện vật, số còn lại (khoảng 300 hiện vật) lưu giữ trong nhà kho, thậm chí xếp xó dưới cầu thang, vô tình làm mất đi giá trị thực sự của từng cây đèn cần được tỏa sáng. Cụ Chiêm cũng lo âu là nếu để tình trạng này kéo dài, sẽ rất dễ thất thoát hiện vật.

Một trong 2 căn phòng mà Bảo tàng Điện Bàn đã hứa dành để trưng bày đèn cổ đã được sử dụng vào mục đích khác. Còn ở phòng đang trưng bày đèn cổ, dưới mỗi hiện vật chỉ dán một mảnh giấy ghi mã số, mà không hề ghi nguồn gốc, niên đại và xuất xứ của hiện vật, khiến người tham quan hầu như không có thông tin về hiện vật...

Một số hiện vật của bộ sưu tập đèn cổ

Một số hiện vật của bộ sưu tập đèn cổ

Cụ Chiêm tâm sự: “Tôi năm nay đã 93 tuổi, vợ tôi cũng đã 84 lại đang bệnh nặng, chẳng biết ngày nào chúng tôi đi gặp lại con tôi. Gia đình tôi đau đáu một nỗi niềm là được nhìn thấy bộ sưu tập đèn cổ của con mình được chính quyền huyện Điện Bàn hoặc tỉnh Quảng Nam đem ra trưng bày một cách trọn vẹn để các nhà nghiên cứu cổ vật, giới khảo cổ và nhân dân khắp nơi được chiêm ngưỡng”.

Theo ý kiến của một số nhà chuyên môn, phố cổ Hội An là nơi thích hợp nhất để bộ sưu tập đèn cổ quý hiếm này phát huy hết giá trị, bởi nơi đây thu hút rất nhiều du khách trong nước cũng như quốc tế. Nếu được chính quyền tỉnh Quảng Nam quan tâm và tạo điều kiện để bộ sưu tập đèn cổ được trưng bày trọn vẹn ở phố cổ Hội An, chắc chắn nó sẽ góp phần tạo thêm sức hấp dẫn cho thành phố du lịch đồng thời cũng làm tỏa sáng thêm tấm lòng người đã khuất.

Tin cùng chuyên mục