Vì sao cái tết không còn là sự háo hức? Lý do đưa ra thì vô vàn. Người cho rằng giới trẻ ngày nay thích hướng ngoại, người đổ tại do môi trường sống thay đổi, mọi thứ đều sẵn có, chỉ cần ra chợ, vào siêu thị là đủ cả… Song nhạt hay thắm phần lớn là do cảm nhận của mỗi người.
Dưới góc nhìn di sản, Tết cổ truyền là những thứ chân thật, không phải là những giá trị ảo màu mè. Sở dĩ nhiều giá trị của các phong tục tập quán trong ngày tết dần mai một, nguyên nhân một phần vì nhiều người trẻ không nhận thức được tết là một di sản văn hóa. Muốn giữ được phong vị tết, cần phải giáo dục về giá trị, ý nghĩa của tết, để ngay từ nhỏ, giới trẻ hiểu rằng tết là thiêng liêng, là gia đình, là ông bà tổ tiên, là truyền thống, là dịp con cháu bày tỏ sự biết ơn của mình đến với người lớn tuổi, người lớn lại bày tỏ sự yêu thương, chăm chút đến với con cái. Từ đó biết yêu thương nhau hơn.
Có lẽ chính vì thế mà trong dịp này, nhiều trung tâm văn hóa lớn đã xây dựng các chương trình đặc biệt trong ngày tết. Đã thành thông lệ nhiều năm, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có chương trình kéo dài từ 23 tháng Chạp tới tận mùng 5-6 Tết, nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu hơn phong tục, văn hóa đón tết thông qua việc trải nghiệm các hoạt động như gói bánh chưng, làm giò truyền thống, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, làm pháo đất, múa sạp. Ngoài tục dựng cây nêu của người dân Cổ Loa (Hà Nội)... thì trong những ngày tiếp theo, các nghệ nhân dân gian sẽ hướng dẫn một số hoạt động truyền thống như nặn tò he 12 con giáp, tô vẽ tranh 12 con giáp; các trò chơi dân gian của các dân tộc như bịt mắt đập dừa, kéo co, chơi quay, đẩy gậy, đánh cầu lông gà…
Cùng mong muốn gìn giữ phong vị tết truyền thống, ngay từ những ngày 20 tháng Chạp, hoạt động mừng xuân, đón tết tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã khởi động bằng hoạt động đầy ý nghĩa “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn tết”. Được nhận quà là những người nghèo, dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào gặp khó khăn do thiên tai, bão lũ... thuộc 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Lai Châu. Chương trình dựng cây nêu ngày tết sẽ được tổ chức tại làng, thể hiện phong tục truyền thống của dân tộc Kinh thờ kính thần linh, tình cảm uống nước nhớ nguồn, loại trừ những điều xấu của năm cũ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người, mong muốn cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam đón tết bình an, hạnh phúc…
Hãy thử rời bỏ những thiết bị công nghệ hiện đại để cùng tham dự vào các lễ hội này, bạn sẽ thấy tết xưa vốn không hề mất đi hay nhạt phai, mà tự chính chúng ta đã quên lãng và chưa thật sự tìm về đúng với giá trị thật của nó mà thôi.