Tại cuộc hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường” do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 15-7, nhiều ý kiến cho rằng cần điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá và xem xét áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho biết, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt hiện đã được áp dụng đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia… Tuy nhiên, đối tượng các loại đồ uống bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt như vậy là còn hẹp. Ngoài rượu và bia, hiện nay trên thị trường còn có những loại đồ uống có nồng độ cồn nhẹ như nước hoa quả lên men và nhiều loại đồ uống khác có thành phần có hại cho sức khỏe như đường và các chất kích thích (như: nước ngọt, đồ uống có ga, nước tăng lực…) nhưng chưa được điều chỉnh bởi Luật này.
Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá cũng còn thấp, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành là 75% tính trên giá bán (chưa có thuế giá trị gia tăng và chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt). Với việc áp dụng mức thuế suất này thì tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ thuốc lá, thấp hơn so với nhiều nước ở khu vực ASEAN và thế giới (trung bình khoảng 56%).
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ rõ, thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Tỷ lệ người hút thuốc lá trên tổng số dân còn cao và người hút thuốc lá phân bố ở tất cả các độ tuổi khác nhau.
“Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 2-10-2017 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đề ra chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng. Để thể chế hóa chủ trương trên, cần nghiên cứu các phương án điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số sản phẩm rượu, bia, thuốc lá”, bà Đỗ Thị Lan nhấn mạnh.
Tại hội thảo, đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn 2002 - 2022. Tuy nhiên, việc sử dụng quá mức đồ uống có đường gây rất nhiều hệ lụy cho sức khoẻ như: thừa cân, béo phì, bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng đến hệ xương răng, bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, ung thư… Để ngăn ngừa sử dụng đồ uống có đường, một số quốc gia trên thế giới đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt và đạt hiệu quả trông thấy.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề xuất ban hành quy định bắt buộc phải dán nhãn dinh dưỡng cho sản phẩm, trong đó có công bố hàm lượng đường; quy định về dán nhãn cảnh báo dinh dưỡng mặt trước của sản phẩm nhiều đường, nhiều năng lượng; sớm ban hành các chính sách nhằm hạn chế quảng cáo, tài trợ, khuyến mại các sản phẩm đồ uống có đường - đặc biệt là cho trẻ em; tạo môi trường thuận lợi để giảm tiêu thụ đồ uống có đường; tăng cường cung cấp nước uống an toàn; nâng cao nhận thức về các lựa chọn đồ uống lành mạnh; giảm tính sẵn có của đồ uống có đường…