Lễ chùa đầu năm

Đẹp đạo, đẹp đời

Theo truyền thống, từ đêm giao thừa đến rằm tháng giêng, khách thập phương lũ lượt đến viếng chùa. Dạo qua các chùa lớn, nhỏ ở TPHCM năm nay, bà con thấy được những nét đẹp hài hòa đẹp đạo - đẹp đời đáng mừng.
Đẹp đạo, đẹp đời

Theo truyền thống, từ đêm giao thừa đến rằm tháng giêng, khách thập phương lũ lượt đến viếng chùa. Dạo qua các chùa lớn, nhỏ ở TPHCM năm nay, bà con thấy được những nét đẹp hài hòa đẹp đạo - đẹp đời đáng mừng.

  • Chùa sạch đẹp, trang nghiêm

Thường xuyên đáp xe từ Vũng Tàu lên TPHCM đi lễ chùa trong dịp đầu năm, bác Mười (63 tuổi, huyện Long Hải) cho biết: “Năm nay, tôi đi mấy chùa ở Sài Gòn thấy thoải mái, an toàn hơn năm trước. Không có người ăn xin lê la, móc túi hoặc buôn bán lộn xộn nữa nên yên tâm lắm!”.

Đẹp đạo, đẹp đời ảnh 1

Đông đảo phật tử và khách thập phương đi chùa trong ngày mùng 9 tháng giêng.

Nhiều Phật tử và khách thập phương đều nhận xét tương tự như thế về cảnh quan chùa Tết năm nay. Theo Hòa thượng Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3) hầu như chùa không gặp một sự cố nào về an ninh trật tự.

Những ngày cận và sau Tết, chùa đã thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp kết hợp với đội bảo vệ của chùa và địa phương nên không có cảnh người ăn xin tụ họp đông đảo, kẻ gian trà trộn móc túi hoặc ẩu đả giữa những người hành hương.

Tại các chùa Phước Hải (Mai Thị Lựu, quận 1), Xá Lợi (Bà Huyện Thanh Quan, quận 3), Việt Nam Quốc Tự (3 tháng 2, quận 10), Chùa Ông- Hội quán Nghĩa An (Nguyễn Trãi, quận 5), Chùa Bà Thiên Hậu- Hội quán Tuệ Thành (Nguyễn Trãi, quận 5), các hàng quán bày bán nhang đèn, hàng mã đều được bố trí gọn ghẽ trong khuôn viên và trước cổng chùa. Điều đặc biệt là các hàng quán này không bán giá tùy tiện, chèo kéo khách… Tất cả là sự tự nguyện.

3 giờ chiều mùng 7 Tết (15-2), chùa Vĩnh Nghiêm bắt đầu nhộn nhịp người đi lễ chùa. Khách hành hương đủ cả, từ dân thành phố đến Việt kiều, dân các tỉnh miền Đông, miền Tây cho đến du khách nước ngoài.

Xuýt xoa với cành “lộc” được kết hình trái tim bằng hoa nhài, dâm bụt, dương liễu, lá trường sanh… do chùa ban cho, gia đình ông Nguyễn Kim Ly (68 tuổi) và bà Đặng Thị Quýt (67 tuổi) cùng con cái vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi bán hủ tiếu Nam Vang ở quận 8, năm nào cả gia đình cũng nghỉ bán vài ngày sau Tết để xuất hành đi chùa đầu năm mới. Với cành “lộc” này, hy vọng gia đình tôi sẽ gặp nhiều may mắn và dồi dào sức khỏe!”.

Bà Quýt dù sức khỏe yếu, phải ngồi xe lăn nhưng vẫn bắt con cái đưa mình đi chùa theo thông lệ hàng năm của gia đình trong suốt tháng giêng này. Các con ông Ly còn ghé mua thêm hai bức thư pháp viết hai chữ “Phúc, Thọ” kèm câu đối triết lý nhà Phật để trang trí nhà cửa cho đẹp và lấy hên trong năm.

Chiều tối, người viếng chùa Việt Nam Quốc Tự và chùa Xá Lợi đông dần. Người đi viếng ngoài bó nhang, nếu là thành phần buôn bán thì lủng lẳng thêm cặp chai nước khoáng, dăm ký gạo thơm hoặc vài lít dầu lửa cúng Phật, còn người làm công chức đi chùa đơn giản với bó hoa huệ trắng, lay ơn… Khuôn mặt ai nấy nghiêm trang, kính cẩn cầu mong những điều tốt lành trong năm.

Hiện tượng thả chim phóng sinh vốn là nét truyền thống của không ít người đi lễ chùa đã được hạn chế tối đa trong năm nay, nhờ nhà chùa vận động những người bán chim phóng sinh không mua bán nhằm đề phòng dịch cúm gà.

Chuyện hái lộc đầu năm ở chùa năm nay giảm hẳn do nhà chùa phát lộc, “bán” lộc cho bà con. Cho nên hầu hết các vườn cây xanh, cây kiểng trong khuôn viên chùa không có sự hư hại đáng kể như mọi năm. Đó cũng là điều đáng mừng của các ngôi chùa tại thành phố trong năm 2005.

  • Nét mới trong nghi lễ
Đẹp đạo, đẹp đời ảnh 2

Khách thập phương viếng Chùa Bà Thiên Hậu (quận 5).

Tiếp đón khá đông bà con người Hoa, người Việt, những đoàn du khách từ mọi nơi trên thế giới đổ về viếng chùa trong dịp đầu năm, chùa Bà Thiên Hậu (Nguyễn Trãi, quận 5) đã đưa ra phương cách hạn chế khói nhang: Kể từ 18 giờ đêm 30 đến 6 giờ sáng mùng 1 Tết, chùa Bà đã đưa toàn bộ 7 lư hương ra tập trung ở sân trước và phát cho mỗi người viếng chùa 7 cây nhang ngay cổng ra vào để thắp, sau đó mới vào chùa cầu an…

Điều này làm mọi người đến chùa thấy vui vẻ vì vẫn giữ được nét lễ chùa đầu năm và bảo đảm được vệ sinh môi trường.

Trước đây, khi chưa thực hiện chủ trương này, khách bước vào chùa đã chảy nước mắt, nước mũi, ngộp thở do khói nhang đèn. Còn tại chùa Ông (Nguyễn Trãi, quận 5), chùa đã bố trí 4 thùng chứa dụng cụ phòng cháy chữa cháy ở bốn góc sân chùa.

Ông Vương Quang, Chánh văn phòng Ban quản trị chùa Ông cho biết: “Công tác phòng cháy chữa cháy đã được chuẩn bị từ trước Tết song song với việc giữ gìn an ninh trật tự nhằm phục vụ tốt nhu cầu đến chùa đầu năm của bà con”.

Chùa Ông hiện đang tất bật che bạt, dựng cột… làm sân khấu để chuẩn bị cho 8 đêm hát sẽ được mở màn vào rằm tháng giêng phục vụ bà con người Hoa. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống được tổ chức hàng năm sau Tết Nguyên đán của chùa.

Và năm nay, không riêng gì chùa Ông, chùa Bà mà các chùa Vĩnh Nghiêm, Phước Hải, Xá Lợi, Việt Nam Quốc Tự cũng như rất nhiều chùa khác trong thành phố đều yêu cầu khách đi lễ thắp ít nhang nhằm đề phòng hỏa hoạn đồng thời thực hiện tinh thần tiết kiệm khi lễ chùa đầu năm. Mỗi bát nhang lại có người canh giữ để gom nhang nhúng nước đem bỏ. Số nhang đem bỏ của khách nhiều đến nỗi các chùa phải nhẩm tính bằng… xe tải.

Để tránh khói nhang làm cay mắt khách và ô nhiễm môi trường, các chùa cho lắp đặt hệ thống thông gió rộng rãi tạo sự thông thoáng hoặc áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm hạn chế bớt lượng nhang đèn do khách thập phương đốt khi viếng chùa, tạo ra môi trường văn minh, tiết kiệm song không làm mất đi những niềm tin, vẻ đẹp tốt lành.

Viếng chùa đầu năm nay còn có khá nhiều đoàn người Nhật Bản, Na Uy, Đức, Đan Mạch… đi tour Tết. Trong đó, chùa Vĩnh Nghiêm là địa chỉ quen thuộc trong chuyến đi của những vị khách ngoại quốc này. Họ cũng dâng hương và cúng bái thành kính như bất kỳ khách hành hương người Việt nào. Hôm chúng tôi đến, đoàn khách Nhật trên 10 người đang chăm chú nghe người hướng dẫn thuyết minh lịch sử chùa Vĩnh Nghiêm và các phong tục cúng chùa của người Việt.

Họ thích thú chia sẻ với chúng tôi: “Điểm giống nhau cơ bản của hai nước chúng ta là việc đi chùa đầu năm mới, cầu xin những điều tốt đẹp”. Lễ chùa đầu năm, bà con vừa tận hưởng sự cung kính tâm linh vốn có trong không khí an toàn, vừa thư thái dạo bước ngắm cảnh chùa chiền trong mùa xuân Ất Dậu.

Trong dịp này, cần ghi nhận thêm, tiền mà bà con tín ngưỡng lễ chùa trong dịp này rất nhiều, nhưng hầu như các chùa đều dành số tiền thu được từ hòm công đức để làm công tác xã hội bên cạnh việc trùng tu xây dựng chùa. Như trong năm qua, chùa Ông đã đóng góp trên 2 tỷ đồng vào việc làm thiết thực này bằng hình thức xây nhà tình thương tình nghĩa, ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Chùa Bà Hải Nam- Hội quán Hải Nam (Trần Hưng Đạo B, quận 5) cũng tích cực tham gia công tác xã hội với số tiền gần 600 triệu đồng. Những ngày cuối năm, chùa Vĩnh Nghiêm đã tiến hành hàng loạt chương trình từ thiện như: phát 300 phần quà cho người nghèo tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm, trao 80 phần quà cho đồng bào nghèo ở thôn Phương Tòng (xã Hùng An, huyện Kim Đông, tỉnh Hưng Yên), biếu 200 cặp bánh chưng cho nhân viên trực cứu hỏa, vệ sinh… Các chùa cho biết, tiền công đức trong năm nay cũng được sử dụng vào mục đích thiết thực như trên. 

BÁ TÂN - HỒNG LOAN

Tin cùng chuyên mục