Di dời tượng linh vật ngoại lai: Còn nhiều vướng mắc

Sau 5 tháng tích cực hưởng ứng triển khai thực hiện công văn 2662 của Bộ VH-TT-DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, tượng linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại di tích, đến nay việc đưa tượng linh vật khỏi di tích vẫn còn những khó khăn. Đây thực sự là cuộc chiến lâu dài của ngành văn hóa.

Sau 5 tháng tích cực hưởng ứng triển khai thực hiện công văn 2662 của Bộ VH-TT-DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, tượng linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại di tích, đến nay việc đưa tượng linh vật khỏi di tích vẫn còn những khó khăn. Đây thực sự là cuộc chiến lâu dài của ngành văn hóa.

“Đưa tượng linh vật đi đâu”, là câu hỏi nhiều địa phương đặt ra nhưng không có lời giải. Hà Nội, địa phương sở hữu nhiều sư tử đá ngoại lai bậc nhất cả nước, cho biết, đây là vấn đề nan giải bởi nơi thì cho vào kho, nơi đem chôn. Nhưng cũng có nơi không có đất, không có kho, người quản lý di tích phải lấy bạt phủ tạm các sản phẩm này tại chỗ. Hay như tại Đà Nẵng, khi triển khai chủ trương không sử dụng tượng linh vật ngoại lai tại các di tích, tôn giáo, cả làng đá Non Nước lâm vào tình trạng đình đốn sản xuất. Hơn 4.500 cặp nghê đá, sư tử đá đã thành phẩm bị xếp kho, không có người hỏi mua... Việc di dời này ban đầu tưởng dễ, nhưng khi thực hiện lại cực kỳ khó khăn. Không chỉ người dân chưa hiểu thấu đáo mà ngay cả một số cán bộ văn hóa cũng chưa nắm được chính xác sự khác biệt giữa linh vật ngoại lai và thuần Việt.

Để giải quyết những vướng mắc này, thời gian qua, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức một số hoạt động nhằm tìm ra mẫu linh vật mới, dựa trên những phiên bản linh vật đã có từ nhiều đời, vừa đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân, vừa đưa ra hướng sản xuất mới cho làng nghề đá mỹ nghệ. Song theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, đó mới chỉ là giải pháp tình thế, cần phải cân nhắc kỹ.

GS-TS Vũ Minh Giang cho rằng, nếu chỉ tổ chức thi tuyển rồi chọn ra vài mẫu linh vật sau đó dùng văn bản hành chính để áp đặt một cách cứng nhắc sẽ “làm văn hóa chết vì nghèo nàn trong sáng tạo”. Đồng tình với quan điểm này, họa sĩ Trần Khánh Chương cũng cho rằng, nhắc đến linh vật chỉ kể đến sư tử và nghê đá thì chưa đủ vì trên thực tế, trong dân gian có rất nhiều hình tượng như hổ, voi, cá sấu... đã được các nghệ nhân dân gian sáng tạo phong phú và sinh động vô cùng.

Sắp tới, sau di tích, việc di dời tượng linh vật không thuần Việt sẽ tiến tới đối tượng là các cơ quan, công sở. Vì thế, việc tăng cường tuyên truyền đến các trang mạng thông tin về sản phẩm điêu khắc đá có nguồn gốc ngoại lai, vận động gỡ bỏ và thay thế các sản phẩm khác phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, nâng cao sức đề kháng trong mỗi người dân trước nguy cơ “xâm lăng văn hóa” cần đặc biệt chú trọng. Đặc biệt, nhanh chóng xuất bản sách giới thiệu về nghệ thuật điêu khắc, trang trí truyền thống của Việt Nam dưới dạng cẩm nang hình ảnh, sách cần được phát hành rộng rãi tới các địa phương, như vậy sẽ nâng cao nhận thức, khuyến khích các nghệ nhân làng nghề nghiên cứu và tham khảo tài liệu vốn cổ, để tạo ra các sản phẩm mang bản sắc Việt, phù hợp hơi thở của thời đại.

PGS-TS Trần Lâm Biền cũng chia sẻ rằng tại thời điểm này, khi chúng ta đã buông lỏng quản lý văn hóa trong một thời gian dài thì cách ứng xử với những loại hiện vật này vừa phải khéo léo, vừa phải cương quyết, tránh nửa vời. Nếu chôn, vùi chúng xuống đất hoặc thả xuống sông, xuống biển, biết đâu vài trăm, vài ngàn năm sau, con cháu chúng ta đào lên lại lầm tưởng đó là sản phẩm văn hóa của cha ông thì tác hại thật khôn lường.

MAI AN

- Nhức nhối linh vật ngoại lai

- Mở chiến dịch “dọn dẹp” hiện vật ngoại lai trong di tích

Tin cùng chuyên mục