Nhức nhối linh vật ngoại lai

Nằm trong khuôn khổ triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2014, hội thảo “Mỹ thuật ứng dụng hiện nay và vấn đề sử dụng biểu tượng trang trí” vừa được tổ chức tại Hà Nội lại một lần nữa được dư luận quan tâm với chủ đề sử dụng,  phân biệt biểu tượng thuần Việt trong đời sống.
Nhức nhối linh vật ngoại lai

Nằm trong khuôn khổ triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2014, hội thảo “Mỹ thuật ứng dụng hiện nay và vấn đề sử dụng biểu tượng trang trí” vừa được tổ chức tại Hà Nội lại một lần nữa được dư luận quan tâm với chủ đề sử dụng,  phân biệt biểu tượng thuần Việt trong đời sống.

“Linh vật ngoại lai” chễm chệ trước cổng các đền thờ.

Sản phẩm của quá trình hội nhập?

Theo GS Tống Trung Tín, tất cả các dân tộc trên thế giới đều có giao lưu nhưng từ các giao lưu đó đều biến thành “sản phẩm” của nước mình, mà ở đây, Nhật Bản, Hàn Quốc là tiêu biểu nhất. Mọi yếu tố văn hóa bên ngoài đến Việt Nam thời Lý, Trần, Lê đều được tinh lọc, nhào luyện thành các đặc trưng văn hóa Việt Nam. Sư tử đá Trung Quốc, thực chất cũng được người Trung Quốc sao chép từ khu vực Lưỡng Hà. Chưa bao giờ ở Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc có sự sao chép y nguyên, nhất là cái y nguyên đó của người ta được dùng để canh mộ từ cách đây những trên 2.000 năm, giờ đây bỗng nhiên được sao chép rầm rộ ở Việt Nam, giống y chang và nghễu nghện ở mọi nơi như ở Việt Nam 10 năm qua. Điều này khiến mọi người tưởng tất cả các di sản văn hóa của Việt Nam bỗng nhiên “hô biến”. Đau đớn thay, việc đó đang là sự thật và đang sinh sôi phát triển ở Việt Nam như một hành động tự mình “đồng hóa” mình, tự mình “xâm lăng” mình.

GS Tống Trung Tín phân tích, qua các thời kỳ không có biểu tượng sư tử trong các linh vật đặt trước các công trình kiến trúc (trừ trường hợp sư tử ở trước chùa Phật Tích thời Lý trong dãy tượng linh thú được xem là biểu trưng cho phương hướng trong vũ trụ Phật giáo tạo cho toàn bộ di tích thành một chốn linh thiêng Phật giáo). Tượng sư tử có được sử dụng từ thời Lý nhưng đều là các tượng tròn trong tư thế khỏe mạnh đội tòa sen nâng tượng Phật, mang biểu trưng cho sức mạnh của Phật pháp và tinh thần hướng thiện. Sang thời Trần có sự tiếp nối (sư tử chùa Thông) nhưng phổ biến hơn dưới dạng phù điêu có hình sư tử nhỏ với nhiều tư thế khác nhau vờn cầu trong trang trí các bệ Phật hoa sen... Thời Lê Sơ tiếp nối thời Trần, sư tử chủ yếu để trang trí trên gốm men. Từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn phổ biến hình sư tử nhỏ với các biến thể hiền lành hoặc vui nhộn, hoặc trang nghiêm nhưng cũng chưa bao giờ tìm thấy sư tử canh gác trước các kiến trúc.

GS Tống Trung Tín cho rằng, sự xuất hiện ồ ạt của biểu tượng sư tử đá là do có sự thẩm thấu dân gian từ nước ngoài rằng linh vật này thì phát tài, linh vật kia phát lộc, linh vật nữa chuyên môn giữ của. Điều này đánh đúng vào tâm lý nhạy cảm của con người thời kinh tế thị trường.

Họa sĩ, Nhà giáo nhân dân Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM cho rằng chính khách du lịch, các doanh nghiệp châu Á vào Việt Nam nhiều nhất, cho nên phong trào “coi và tin vào phong thủy” ngày càng phát triển đến độ mê tín. Tình trạng mê tín này nở rộ thậm chí hơn cả trước 1975. Nhưng khoảng thời gian từ năm 1990 đến nay, hình thái văn hóa người Hoa từ lục địa sang và người Hoa rời miền Nam sau 1979 sang Hồng Công, Đài Loan trở lại miền Nam để kết nối lại công việc kinh doanh với Việt Nam… đã du nhập vào đây một hình thái văn hóa “rất Hoa”… Theo họa sĩ Uyên Huy, điều này do lỗi của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan văn hóa và những người vội quên đi bản sắc, nguồn cội của mình.

Trám lỗ hổng kiến thức

TS Trần Trọng Dương, Viện Hán-Nôm, cho rằng trong thời gian gần đây, thuật ngữ “linh vật” được sử dụng khá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, song theo khảo sát thì 40 năm trở lại đây, các từ điển tiếng Việt hiện đại không ghi nhận từ “linh vật”. Cũng trăn trở xung quanh lỗ hổng kiến thức về linh vật, nhiều đại biểu cho rằng bên cạnh việc bổ sung những kiến thức về mỹ thuật truyền thống thì cần phải có từ điển về mỹ thuật để những người quan tâm tới lĩnh vực này cũng như  học sinh, sinh viên chuyên ngành có thêm các tư liệu để tra cứu, so sánh, đối chiếu.

Họa sĩ Uyên Huy cũng cho rằng, biểu tượng trang trí ngoại lai xuất hiện trong thời kỳ hội nhập là điều đáng quan ngại. Điều này cần được xem xét, giải quyết trên tinh thần gìn giữ bản sắc Việt, tránh tình trạng “Hoa hóa” dần môi trường xã hội. Bằng mọi cách, chúng ta phải loại bỏ linh vật lai tạp, thay thế bằng biểu tượng trang trí thuần Việt trong môi trường sống từ các khu vui chơi, khu thương mại, các trung tâm văn hóa, các nơi thờ tự, khu phố, nhà ở… Hơn bao giờ hết, các cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp tuyên truyền xóa bớt tình trạng mê tín trong kiến thức về phong thủy, thờ cúng, trang trí xa lạ tập quán người Việt. Bởi lẽ bảo vệ văn hóa dân tộc là một phần của việc bảo vệ Tổ quốc.

Còn nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định câu chuyện linh vật ngoại lai đã tồn tại từ lâu nhưng chúng ta không giải quyết nên nó mới tiếp tục phát triển như vậy. Theo ông, để giải quyết tình trạng này, song song với việc tìm biểu tượng thay thế cũng cần chấn chỉnh lại việc sử dụng các hình thức, biểu tượng vốn đang diễn ra một cách tùy tiện như vừa qua. Đồng tình với quan điểm này, GS Vũ Minh Giang khẳng định đã có một thời gian dài chúng ta hồn nhiên chấp nhận nó rồi giờ đây chúng ta lại quá hoảng hốt. Thậm chí có nhiều người còn lớn tiếng phải đập bỏ, phá dỡ... Song văn hóa không thể can thiệp thô bạo, vì thế, hơn lúc nào hết, chúng ta cần bình tĩnh để tìm giải pháp tháo gỡ. Và hơn lúc nào hết, đây là cơ hội để mọi người cùng tìm hiểu và trở về với văn hóa Việt. 

Với mong muốn giải quyết rốt ráo vấn nạn này, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên cũng khẳng định sẽ chỉ đạo sớm nghiên cứu và xuất bản bộ sách cẩm nang về hoa văn, biểu tượng trang trí trong mỹ thuật truyền thống Việt Nam; tổ chức cuộc thi sáng tác biểu, tượng linh vật mang dấu ấn đương đại, thực hiện trong năm 2015...

MAI AN

Tin cùng chuyên mục