Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh:

Dịch cúm gia cầm đã qua giai đoạn căng thẳng nhất

Dịch cúm gia cầm đã qua giai đoạn căng thẳng nhất

Trong 10 ngày qua, tình hình dịch cúm gia cầm liên tục có chiều hướng giảm và chỉ còn tái phát lẻ tẻ ở một vài địa điểm. Tuy nhiên, đến thời điểm nào thì Việt Nam có thể khống chế hoàn toàn được dịch cúm gia cầm? Phóng viên báo SGGP đã đặt vấn đề với Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), ông Bùi Quang Anh.

-Phóng viên: Đến thời điểm này đã có 7/34 tỉnh, thành không tái phát thêm dịch từ 21 ngày trở lên, vậy những địa phương đạt tiêu chuẩn này có thể công bố hết dịch, thưa ông?

Dịch cúm gia cầm đã qua giai đoạn căng thẳng nhất ảnh 1

Ông Bùi Quang Anh

-Ông BÙI QUANG ANH: Đây là kết quả rất đáng mừng cho thấy dịch cúm gia cầm đã đi qua giai đoạn căng thẳng nhất. Tuy nhiên, những địa phương đạt tiêu chuẩn không phát thêm dịch từ 21 ngày trở lên không cần phải công bố hết dịch, mà sẽ được chăn nuôi, giết mổ, chế biến và vận chuyển trở lại bình thường.

-Vậy khi tất cả các địa phương đều không phát thêm dịch từ 21 ngày trở lên, chúng ta sẽ công bố hết dịch cúm gia cầm trên toàn quốc?

-Năm nay, chúng tôi dự kiến không công bố hết dịch cúm gia cầm trên toàn quốc như năm trước, mà sẽ thực hiện theo cách: tỉnh nào hết dịch thì tiến hành chăn nuôi, giết mổ bình thường trở lại.

-Theo nhận định của ông, trong thời gian tới, những vùng nào có nguy cơ xảy ra dịch cúm cao nhất?

-Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là nơi đáng lo ngại nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong thời gian tới dịch sẽ không tái phát mạnh như vừa qua vì 3 lý do. Đó là: thời tiết ấm dần lên, virus cúm sẽ chỉ tồn tại trong môi trường thời gian ngắn; việc kiểm soát vận chuyển và giết mổ chặt chẽ hơn; và mật độ gia cầm đã giảm đi.

-Đến thời điểm này, Cục Thú y đã có kế hoạch như thế nào để khôi phục lại việc chăn nuôi gia cầm?

-Chúng tôi sẽ quy hoạch lại vùng chăn nuôi và giết mổ để kiểm soát toàn bộ tình hình dịch trên phạm vi toàn quốc.

Dịch cúm gia cầm đã qua giai đoạn căng thẳng nhất ảnh 2

Dây chuyền giết mổ vịt do Công ty Sinco chế tạo vừa được đưa vào sử dụng.

-Năm trước, chúng ta cũng đã nói là sẽ triển khai quy hoạch lại hoạt động chăn nuôi, giết mổ, nhưng khi dịch cúm gia cầm xảy ra, ngành thú y đã không kiểm soát được tình hình chăn nuôi; nhiều địa phương còn không công khai dịch, dẫn đến dịch tái phát hàng loạt. Ông có thể cho biết chi tiết hơn về việc quy hoạch lại chăn nuôi đàn gia cầm trong năm nay?

-Đúng là có hiện tượng ngành thú y không kiểm soát được dịch, lý do có quá nhiều hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn. Trong khi đó, kế hoạch quy hoạch chăn nuôi của ngành nông nghiệp còn rất lỏng lẻo và mới ở mức độ manh nha. Cục Thú y vừa hoàn tất đề án trình Bộ NN-PTNT về kế hoạch khôi phục lại đàn gia cầm sau đợt dịch này. Trong đó chỉ cho phép các địa phương thực hiện chăn nuôi trở lại khi dịch cúm gia cầm đã chấm dứt từ 60 ngày trở lên.

Đồng thời, để kiểm soát được tình hình chăn nuôi, chúng tôi sẽ phân cấp rõ ràng theo từng địa chỉ. Cụ thể như sau: chăn nuôi ở cấp hộ dưới 300 con gia cầm thì đăng ký với chính quyền cấp thôn, bản quản lý và chịu trách nhiệm về tình hình dịch; chăn nuôi từ 300 con gia cầm trở lên, đăng ký với chính quyền xã, phường chịu trách nhiệm quản lý; chăn nuôi trên 1.000 con gia cầm, đăng ký với chi cục thú y. Việc kiểm soát dịch cúm phải tiến hành ngay từ bây giờ nhằm không để tái phát vào cuối năm như lần trước nữa.

-Cơ quan thú y vừa tiến hành việc sử dụng vaccine tiêm phòng cho một số đàn gia cầm, kết quả đến nay ra sao, thưa ông?

Chế tạo dây chuyền giết mổ vịt bán tự động 1.000 con/giờ
Công ty cổ phần Chế tạo máy Sinco vừa bàn giao dây chuyền giết mổ vịt bán tự động đầu tiên cho Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ (huyện Bình Chánh TPHCM) thực hiện giết mổ vịt đạt tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường thành phố. Dây chuyền giết mổ vịt được chế tạo theo thiết kế tiên tiến của nước ngoài, công suất 1.000 con (loại từ 2,6 - 3,8kg/con) mỗi giờ.

Dây chuyền giết mổ vịt bán tự động phức tạp hơn dây chuyền giết mổ gà, gồm nhiều công đoạn: nhúng vịt tự động, vặt lông tự động, làm lạnh paraphine, rửa ôzôn (khử trùng), đóng gói thành phẩm và cấp đông.

Cuối năm 2004, Công ty cổ phần Chế tạo máy Sinco đã chế tạo 2 dây chuyền giết mổ gà công suất 400 con/giờ cung cấp cho Công ty Phú An Sinh, Công ty Giống gia cầm miền Nam. Đ.TH. 

-Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục thử nghiệm tiếp để có kết quả chính xác thì mới công bố, và có thể áp dụng tiêm phòng cho một số đàn gia cầm theo từng diễn biến cụ thể.

-Được biết, Cục Thú y đang chuẩn bị tổ chức đợt tổng vệ sinh tiêu độc vào cuối tháng 2 này. Việc tổ chức tiêu độc sẽ được tiến hành thường xuyên hay chỉ thực hiện theo từng đợt?

-Chúng tôi dự kiến sẽ có những đợt tổng vệ sinh tiêu độc thường xuyên theo chu kỳ 1 hoặc 2 tuần/1 lần và kéo dài quanh năm ở những vùng có nguy cơ xảy ra dịch cúm cao.

-Năm nay, Bộ NN-PTNT có kiến nghị với Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch cúm gây ra?

-Mức hỗ trợ vẫn như năm trước là 5.000 đồng đối với một con gia cầm trưởng thành bị chết và tiêu hủy; đối với người sản xuất có con giống gia cầm bị tiêu hủy, sẽ được hỗ trợ 2.000 đồng/con giống nếu muốn chăn nuôi trở lại. Năm nay, chỉ hỗ trợ cho những người chăn nuôi đã đăng ký đầy đủ với cơ quan thú y.

-Xin cảm ơn ông.

VĂN NGHĨA

 

Tin cùng chuyên mục