Quán cơm Nụ cười 7 do các cựu giáo viên và học sinh Trường Pétrus Ký - Lê Hồng Phong (TPHCM) thành lập với kinh phí ban đầu khá khiêm tốn, nhằm phục vụ bữa cơm dành cho người nghèo.
Quán cơm xã hội
4 giờ sáng, căn nhà số 264 đường Vĩnh Viễn (quận 10, TPHCM) - nơi mở quán cơm Nụ cười 7, đã sáng đèn. Bếp trưởng Tạ Thanh Phong, cùng các đồng sự đã có mặt để chuẩn bị các món ăn. Mỗi người một việc, vo gạo, nhặt rau, làm cá, bằm thịt, tỉa củ… Chưa đến 8 giờ, các món ăn đã xong. Hơn chục sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM đến tề tựu ở khu vực phòng ăn để nhận nhiệm vụ. Các bạn trẻ xúc cơm vào khay, rồi chia đều thức ăn, canh… bưng nước chấm đến từng bàn.
Nguyễn Tài, sinh viên năm 2 khoa Điện, cho biết: “Qua thông tin trên mạng xã hội Facebook, fanpage của trường và khoa, tụi em rủ nhau đến đây để phụ quán. Vừa học đêm, học ngày, vừa tham gia phục vụ ở quán cơm thì cũng mệt, nhưng nhìn ánh mắt hân hoan của người ăn cơm thì cái mệt hình như tan biến”. Anh Nguyễn Minh Nghĩa, quản lý quán cơm, cho biết: “Quán đón khách từ 11 giờ đến 13 giờ, nhưng nhiều khách ở xa, đến muộn quán cũng phục vụ luôn. Nhiều lúc hết cơm, hết đồ ăn, anh em tụi tôi phải năn nỉ bà con ăn mì gói với trứng chiên!”.
Các tình nguyện viên đang chuẩn bị phần ăn tại quán cơm Nụ cười 7
Hơn 10 giờ 30, dòng người xếp hàng đã đông. Trời đứng bóng, nắng chang chang. Anh Nghĩa đi một vòng từ nhà bếp lên nhà ăn kiểm tra lần cuối, rồi thông báo: “Bữa nay, mình bán sớm nha anh em. Bà con xếp hàng ở ngoài nắng thấy thương quá!”. Anh Diên cầm xấp phiếu đứng ngay cửa phát cho khách. Như đã quá quen thuộc, từng người cầm phiếu đi thẳng vào bếp nhận khay cơm của mình. Các bạn sinh viên chia ra đứng trực tại mỗi bàn, sẵn sàng lấy thêm cơm, canh, nước chấm và lau dọn bàn sạch sẽ. Các bạn khác phục vụ việc bưng khay cơm đến tận bàn giúp những người khách lớn tuổi, đi lại khó khăn. Cũng như các quán cơm từ thiện khác, mỗi suất cơm ở quán cơm Nụ cười 7 chỉ có 2.000 đồng. Giá bán chỉ có tính tượng trưng, để người nghèo không phải mặc cảm.
Ấm áp tình đồng bào
Anh Nguyễn Minh Nghĩa giới thiệu với chúng tôi bác sĩ Phan Hồng Hải, đã nghỉ hưu mấy năm nay rồi, nhưng vẫn cộng tác khám bệnh ở Bệnh viện Da liễu. Xong việc ở bệnh viện là ông đến đây phụ giúp anh em chúng tôi. Ngoài ra, còn có GS-TS Lê Ngọc Thạch, cựu học sinh khóa 60 - 67, đang là Trưởng bộ môn khoa Hóa học Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, cuối tuần, ông không có tiết dạy nên tranh thủ đến đây làm tình nguyện viên. Ngoài phụ việc ở quán, nhiều người hảo tâm còn nhiệt thành hỗ trợ kinh phí cho quán cơm hoạt động. Anh Nghĩa cho biết: “Nhóm cựu giáo viên và học sinh Trường Pétrus Ký - Lê Hồng Phong gặp nhau trong các dịp đi tặng quà, khám bệnh từ thiện giúp đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.
Sau nhiều lần bàn bạc, chúng tôi quyết định mở quán cơm xã hội để có hoạt động từ thiện thường xuyên hơn. Thời điểm đó, tổ chức Quỹ Từ thiện tình thương TPHCM đang quản lý và vận hành chuỗi quán cơm xã hội Nụ cười. Chúng tôi đăng ký là quán thứ 7 trong hệ thống quán cơm Nụ cười. Các quán cơm như thế này hoạt động độc lập và không lệ thuộc nhau. Việc vận động tài trợ, tìm địa điểm, bếp trưởng, quản lý, kế toán… là cả một quá trình. Hơn 6 tháng mọi việc mới tạm ổn định. Thú thật, với kinh phí vận động khá khiêm tốn ban đầu, anh em chúng tôi rất lo. Rất may là các cựu giáo viên và học sinh Trường Pétrus Ký - Lê Hồng Phong hỗ trợ rất nhiệt tình”.
Do mối quan hệ rộng và việc làm nghĩa tình, quán đã nhận được sự tài trợ nhiệt thành ngay từ khi triển khai dự án. Việc sửa chữa nhà, xây mới bếp, hệ thống thoát khói nhà bếp, thang máy chuyển hàng lên kho, hệ thống nước lọc, âm thanh, ánh sáng, dù, bạt, bảng tên, đồng phục… đều được các nhà hảo tâm đóng góp. Chi phí hoạt động quán cơm, tiền mua thức ăn, tiền bán… đều được công khai mỗi ngày. Ai ủng hộ tiền bạc, rau củ quả, nước tương, gạo, dầu ăn… đều có sự công khai và có biên nhận. Quán trở thành điểm hẹn của những tấm lòng nhân ái, cùng chung sức chung lòng lo bữa cơm giúp người nghèo khó.
ĐOÀN HIỆP