Phương án tăng giá điện mới

Điện sinh hoạt càng sử dụng, giá càng cao

Điện sinh hoạt càng sử dụng, giá càng cao

Ngày mai, 17-11, Tổ công tác liên ngành do Bộ Công nghiệp chủ trì sẽ lần đầu tiên được nhóm họp để bàn về các phương án tăng giá điện kể từ 1-1-2006. Phần lớn các phương án đều tập trung vào việc tăng giá thật cao đối với các hộ sử dụng nhiều điện sinh hoạt.

Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Châu Huệ Cẩm cho hay, hiện nay có rất nhiều đề xuất các phương án tăng giá điện của các nhà máy điện, nhà cung cấp điện 100% vốn nước ngoài. Các nhà quản lý từ các bộ ngành, Quốc hội, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, những hộ tiêu thụ điện lớn và UBND một số tỉnh, thành phố sẽ đánh giá, lựa chọn ra phương án tăng giá hợp lý nhất.

Điện sinh hoạt càng sử dụng, giá càng cao ảnh 1

Theo Bộ Công nghiệp, trong các phương án tăng giá, phương án nặng ký, toàn diện hơn cả là của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) do Chủ tịch HĐQT Đặng Hùng vừa đệ trình.

Trong 5 phương án tăng giá bán lẻ điện kể từ 1-1-2006 do ông Đặng Hùng đưa ra có tới 4 phương án chỉ tập trung tăng giá điện sinh hoạt, khu vực đang chiếm tới 52,6% tổng sản lượng điện tiêu thụ trong cả nước.

Đặc biệt, trong hầu hết các phương án tăng giá điện, EVN đều đề nghị áp dụng giá bậc thang nhằm bảo vệ những người thu nhập thấp, khuyến khích tiết kiệm điện và đánh mạnh vào các hộ sử dụng nhiều điện sinh hoạt. Mức thang đầu tiên dự kiến được giữ nguyên giá đối với 100 kWh đầu.

Các mức tiếp theo sẽ được tăng luỹ tiến theo hướng càng sử dụng nhiều càng phải chịu mức giá điện cao. Cũng có phương án đề nghị tăng với tỷ lệ thấp (11%) giá bán điện sinh hoạt đối với 100 kWh đầu tiên và 10% giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn.

Theo đó, bình quân giá điện của khối sinh hoạt tăng 27,8% và sẽ có 23,1% những người sử dụng điện sinh hoạt phải chịu mức tăng rất cao (33-34%). Thậm chí, EVN còn đưa ra phương án chia đôi nấc thang 100kWh đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. 50kWh đầu tiên có mức giá 600 đồng/kWh, bằng 71% giá thành bình quân năm 2006. 50 kWh tiếp theo áp giá 850 đồng/kWh.

Như vậy, tính chung 5 phương án của EVN mức tăng giá điện bình quân đợt này sẽ là 14,8% (116 đồng/kWh) tương ứng với mức giá được điều chỉnh lên 898 đồng/kWh.

Ông Đặng Hùng giải thích rằng lượng điện sản xuất của EVN chỉ chiếm 42% tổng nhu cầu điện của nền kinh tế, nên việc tăng giá nói trên là do giá điện mua ngoài của EVN. Và với giá điện mua ngoài như hiện nay, tổng lỗ từ điện mua ngoài của EVN sẽ tăng từ 4.891 tỷ đồng (2006) lên 9.906 tỷ đồng (2010). 

Bên cạnh 5 phương án tăng giá điện nói trên, EVN cũng đề nghị:

- Điều chỉnh giá bán điện cho các hộ công nghiệp đặc thù lên bằng mức bán cho các hộ công nghiệp khác.

- Quy định thêm giờ cao điểm sáng từ 9 đến 12 giờ và giờ cao điểm tối từ 17 đến 21 giờ tức là sẽ có 7 giờ cao điểm mỗi ngày.

- Quy định giá bán công suất dự phòng: Căn cứ vào tính toán công suất dự phòng của hệ thống, kiến nghị mức giá là 100.000đ/kWh/tháng. Giá điện năng thực tế sử dụng thực hiện theo biểu giá do Thủ tướng Chính phủ quy định.

- Xóa biểu giá bán buôn cho khu tập thể, cụm dân cư, giao cho các điện lực bán điện trực tiếp cho khách hàng.

- Áp dụng cơ chế điều chỉnh giá tự động. Trong điều kiện các yếu tố đầu vào đặc biệt là giá nhiên liệu tăng liên tục với tốc độ khá lớn, đề nghị Bộ Công nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành các giải pháp khác để hỗ trợ bằng cách cho phép thực hiện cơ chế điều chỉnh giá bán điện tự động theo các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, tỷ lệ lạm phát, giá mua điện của IPP, BOT... khi hệ số hiệu chỉnh giá điện đạt mức ± 3% trở lên.

NAM QUỐC

Tin cùng chuyên mục