Điêu khắc trong không gian đô thị ở TPHCM: Lãng phí, thiếu quy hoạch

Xây dựng môi trường mỹ thuật đô thị văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội là vấn đề cần quan tâm ở nhiều đô thị lớn như TPHCM. Trong đó, điêu khắc ở không gian công cộng cần được quy hoạch và có lộ trình phát triển xứng tầm với TPHCM - kiến trúc đô thị lớn nhất nhì cả nước.
Không gian cho các nghệ sĩ điêu khắc tại Hội thảo và Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế - Hanoi Art Connecting lần 5 vào tháng 4-2022
Không gian cho các nghệ sĩ điêu khắc tại Hội thảo và Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế - Hanoi Art Connecting lần 5 vào tháng 4-2022

Vừa thừa vừa thiếu

Những điểm nhấn quan trọng của mỹ thuật trong môi trường đô thị, có thể kể đến như: tượng đài, tượng trang trí kiến trúc, công viên, đường phố… TPHCM trên thực tế vẫn chưa có nhiều công trình điêu khắc đẹp, tầm cỡ tương xứng với tầm vóc phát triển đô thị hiện đại. Một thực tế cần nhìn nhận, thành phố không thiếu đội ngũ sáng tác và tác phẩm, tuy nhiên vẫn chưa có một quy hoạch tổng thể để sắp xếp và kiến tạo không gian phù hợp cho tác phẩm điêu khắc.

GS-TS-nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, phân tích: “Đội ngũ sáng tác mỹ thuật ở TPHCM hiện nay có trên 1.000 người, trong đó hơn 100 người hoạt động trong lĩnh vực điêu khắc. Việt Nam đã tổ chức nhiều trại điêu khắc quy mô quốc gia và quốc tế, chỉ sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Riêng TPHCM đã tổ chức 3 trại sáng tác điêu khắc quốc tế và trong nước là: Trại sáng tác điêu khắc chất liệu đá TPHCM lần thứ 1 tại công viên Gia Định (quận Gò Vấp), Trại sáng tác điêu khắc tại Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức) và Trại sáng tác điêu khắc quốc tế TPHCM tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (TP Thủ Đức), để lại những tác phẩm đẹp, tạo dấu ấn với bạn bè trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau các trại sáng tác này, chúng ta vẫn chưa bố trí điểm đặt tượng phù hợp, khiến chất lượng nghệ thuật của tác phẩm không được như mong muốn khi hiện diện trong không gian đô thị”.

ThS-Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn bày tỏ: “Song song với sự phát triển kinh tế - xã hội là sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa đô thị. Trong nhịp sống đô thị hiện đại, các tác phẩm điêu khắc đương đại ở không gian công cộng đóng vai trò xoa dịu căng thẳng tinh thần của con người, chính vì thế sự hiện diện của các tác phẩm điêu khắc đương đại ngày càng thể hiện tính nhân văn”.

Phát biểu tại Hội thảo Điêu khắc với sự phát triển của không gian đô thị, do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức vào trung tuần tháng 7 vừa qua, TS Mã Thanh Cao, giảng viên Trường Đại học Văn Lang, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, chia sẻ: “TPHCM vẫn chưa có bản quy hoạch tổng về điêu khắc ngoài trời, dù từ năm 1999 đến nay, nhiều cuộc họp đã diễn ra. Loại tượng vườn, tượng công viên, đường phố tại không gian công cộng ở TPHCM hiện tại có rất ít, cần được quan tâm và bổ sung phù hợp. 40 tác phẩm từ trại sáng tác năm 2005 hiện trưng bày tập trung tại 1 khu trong Công viên Văn hóa Tao Đàn; nhiều tác phẩm từ trại sáng tác năm 2015 vẫn còn nằm tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (TP Thủ Đức)... Các tác phẩm từ trại sáng tác năm 2005 không có chế độ bảo quản thường xuyên, cũng không có kế hoạch di dời đến các không gian phù hợp. Thực tế là TPHCM thiếu rất nhiều tác phẩm điêu khắc cho không gian công cộng, trong khi những tác phẩm đang có lại bị bỏ quên, rất lãng phí”.

Cần sự chung tay

Giải pháp cho số tượng còn “nhốt tạm” qua các trại sáng tác, chính là sự chung tay và phối hợp liên ngành giữa ngành kiến trúc và mỹ thuật. Th.S-KTS Nguyễn Minh Đức, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, chia sẻ: “Mỹ thuật đô thị mà cụ thể là tượng điêu khắc thôi chưa đủ, cần phải kiến tạo không gian nền và cảnh quan xung quanh để phù hợp với tác phẩm tượng. Khó khăn lớn nhất là tính liên kết giữa kiến trúc sư chủ trì, họa sĩ điêu khắc và chủ đầu tư. Theo tôi, tác phẩm điêu khắc cần cân bằng các yếu tố: đẩy mạnh tính hình ảnh của dự án (có lợi cho chủ đầu tư); đẩy mạnh không gian kiến trúc, cảnh quan; có sự liên quan, phát triển đặc tính của ngôn ngữ kiến trúc đến tác phẩm ở mặt vật thể; đảm bảo được thông điệp của tác phẩm không chỉ ở hình thức mà còn ở giá trị phi vật thể, bởi tác phẩm còn là hình ảnh của địa phương (dự án, thành phố hoặc quốc gia mà tác phẩm được đặt)”.

Điêu khắc trong không gian đô thị ở TPHCM: Lãng phí, thiếu quy hoạch ảnh 1  Khách tham quan một triển lãm điêu khắc tại Hội Mỹ thuật TPHCM
Bảo tàng điêu khắc ngoài trời, vườn điêu khắc hay tượng ở công viên, đường phố... là những không gian điêu khắc mang tính cộng đồng, phản ánh sự phát triển của đô thị, địa phương. ThS - Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, Hội Mỹ thuật TPHCM, phân tích: “Công dân của đô thị có thể không quá quan tâm về nội dung của một tác phẩm điêu khắc, nhưng nhất thiết họ cảm nhận được sự tồn tại gần gũi và hòa hợp của chúng với không gian mà họ đang sống. Ở đây, vai trò không gian và hình thể là 2 yếu tố quan trọng tạo sự liên kết giữa xã hội và điêu khắc. Hướng phát triển của điêu khắc ngoài trời, thích ứng với không gian đô thị đặt ra vấn đề đối thoại nghiêm túc giữa các nhà điêu khắc và kiến trúc sư quy hoạch”.

Để tượng điêu khắc góp phần kiến tạo không gian công cộng và hình thành bản sắc văn hóa cho đô thị, giải pháp chung tay liên ngành giữa quy hoạch, kiến trúc và mỹ thuật là điều cần thiết. Tuy nhiên, đường dài của điêu khắc, mỹ thuật trong không gian đô thị không thể thiếu định hướng. Cụ thể, TPHCM rất cần một quy hoạch tổng thể về điêu khắc trong không gian đô thị từ cơ quan quản lý, để tác phẩm mỹ thuật phát huy hết vai trò của cái đẹp, lao động sáng tạo của người nghệ sĩ được ghi nhận và đặt đúng chỗ, góp phần xây dựng thành phố ngày càng hiện đại.

Là đô thị năng động nhất nước, tuy nhiên điêu khắc tại TPHCM còn khá “lép vế” trong làng mỹ thuật và kinh phí cho các triển lãm đa phần là tự lực. GS-TS Nguyễn Xuân Tiên chia sẻ thêm, triển lãm điêu khắc cấp thành phố tổ chức 5 năm/lần hay triển lãm điêu khắc do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức 1 năm/lần, đều tự lực về kinh phí; còn lại triển lãm điêu khắc của các nhóm, sinh viên với kinh phí xin tài trợ hoặc tự bỏ ra. Cuối cùng, những đứa con tinh thần “mang nặng đẻ đau” sau thời gian triển lãm phải âm thầm về nằm trong kho hay lăn lóc ở gầm cầu thang, góc đất trống ở hội, trường mỹ thuật hoặc phơi nắng phơi mưa bên vệ đường của các xưởng điêu khắc.

Tin cùng chuyên mục