
Hôm qua, 30-10, Quốc hội (QH) đã thảo luận dự án Luật Quản lý thuế. Theo nhiều đại biểu QH, nhiều quy định trong dự luật vẫn còn kẽ hở để đối tượng nộp thuế dễ dàng lách luật. Việc giao thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế cũng gây nhiều tranh cãi.
- Vẫn còn nhiều kẽ hở

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đóng góp ý kiến tại hội trường.
Ảnh: MINH ĐIỀN
Theo đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh), có 3 vấn đề đáng lo mà dự luật chưa giải quyết triệt để được, đó là kẽ hở cho việc gian lận thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN nằm ngay trong phương pháp hành thu, gian lận thuế thông qua mánh khóe gián tiếp và chuyển giá quốc tế.
Theo ông, có tình trạng doanh nghiệp nâng cao giá máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu để đầu tư hơn thực tế. Do vậy, giá trị khấu hao cao hơn và thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn.
Trong khi đó, việc đánh giá giá trị thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu cho việc thu thuế dường như chưa có ai làm và dự luật cũng không đề cập đến. Sau khi vào WTO, nếu làn sóng đầu tư mạnh mẽ hơn, việc miễn thuế thu nhập DN theo Luật Đầu tư bị bãi bỏ thì kẽ hở này thực sự đáng lưu ý. Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) ví von: Dự luật như “chiếc áo quá dài, quá rộng mặc cho người gầy”. Theo ông, tên Luật Quản lý thuế bao quát nhiều hơn nội hàm của luật.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng: trong các nội dung chi tiết của luật mới chủ yếu nói về người nộp thuế, chưa nhắc tới cơ quan thu thuế và công chức thu thuế. Trong thực tế, đã có chuyện công chức thu thuế khai gian, tham gia ăn chia hay tính sai, để ngoài danh sách thu thuế hoặc lợi dụng để tham ô, móc ngoặc, gian lận.
- Điều tra thuế chỉ là “điều tra hành chính”?
Bảo vệ quan điểm giao thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế-Ngân sách của QH Nguyễn Đức Kiên khẳng định: điều tra thuế “chỉ là điều tra hành chính”. Mặt khác, dự luật lần này cũng đã bãi bỏ nhiều biện pháp điều tra bị “kêu” ở kỳ họp trước như: lắp đặt thiết bị giám sát tại trụ sở kinh doanh của tổ chức, cá nhân; tạm giữ tang vật, khám xét phương tiện…
Là giám đốc một doanh nghiệp, nhưng đại biểu Trần Hữu Hậu lại “ủng hộ một cách tuyệt đối” việc trao chức năng điều tra cho cơ quan thuế. Ông nói: “Điều tra thuế là điều tra hành chính, phù hợp được với doanh nghiệp, tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Nếu mới chỉ thấy dấu hiệu vi phạm, các cơ quan pháp luật đã can thiệp, sẽ rất có hại cho uy tín của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh, nhất là khi thực sự họ không trốn thuế hay gian lận thuế”.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Nam (Bình Dương) cho rằng: “Nếu lập luận rằng đây chỉ là điều tra hành chính thì chưa thể phản ánh hết được cái đích cuối cùng của điều tra. Mặt khác, việc trao cho cơ quan thuế thẩm quyền điều tra sẽ không khỏi phát sinh sự lạm quyền, lạm dụng điều tra để gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp”. Đại biểu Đỗ Tiến Dũng (Quảng Ngãi) lo ngại quy định về “điều tra thuế” có thể vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh điều tra hình sự.
Đại biểu Nguyễn Đình Lộc (TPHCM) phân tích: “Thực chất điều tra trốn thuế, gian lận thuế là một hành vi có tính chất hình sự. Nhưng việc quyết định nó có hình sự hay không lại do chính cơ quan này, còn các hệ thống cơ quan tư pháp hiện nay không được “mó” tới”.
- Cuối năm 2007 mới thông qua Luật Thuế thu nhập cá nhân
Chiều cùng ngày, báo cáo về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007, Chủ nhiệm Văn Phòng QH Bùi Ngọc Thanh cho biết, tại kỳ họp thứ 11 (dự kiến tổ chức trong tháng 3-2007), QH khóa XI sẽ thông qua 2 dự án luật và cho ý kiến 2 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 1, QH khóa XII (dự kiến vào tháng 7-2007), QH sẽ cho ý kiến 2 dự án luật. Trong kỳ họp thứ 2, QH khóa XII (dự kiến tháng 11-2007), QH sẽ thông qua 8 dự án luật, 1 nghị quyết, trong đó, đáng chú ý là dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được thông qua thay vì kế hoạch thông qua vào kỳ họp thứ 1, QH khóa XII như dự kiến ban đầu. Cũng trong kỳ họp thứ 2, QH sẽ cho ý kiến 9 dự án luật khác. Bên cạnh đó, QH sẽ cho ý kiến 13 dự án pháp lệnh từ năm 2006 chuyển sang và các dự án mới.
Về dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2007, ông Bùi Ngọc Thanh cho biết, QH sẽ trực tiếp xem xét các báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XI của QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của QH, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao. Bên cạnh đó, UBTV QH, Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của QH sẽ tập trung vào các chuyên đề, nội dung như: việc chấp hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc thực hiện chính sách, pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi…
HÀM YÊN – HÀ MY