Đìu hiu cảnh chợ chiều

Gần đây, đường dây nóng Báo SGGP tiếp nhận nhiều cuộc gọi của các tiểu thương ở các chợ trên địa bàn TPHCM, phản ánh tình trạng buôn bán trong chợ quá ế ẩm trong khi chợ tự phát lại tấp nập.
Hình ảnh đìu hiu trong chợ Văn Thánh (ảnh trái) đối lập với cảnh mua bán sầm uất ở chợ tự phát trong hẻm (ảnh phải)
Hình ảnh đìu hiu trong chợ Văn Thánh (ảnh trái) đối lập với cảnh mua bán sầm uất ở chợ tự phát trong hẻm (ảnh phải)
Lãng phí chợ 
Bà Vũ Thị Điều, tiểu thương chợ Phước Bình (quận 9) than: “Tiểu thương tại các chợ trên địa bàn quận 9 đang chật vật mưu sinh mà không biết kêu ai. Trong chợ không bán được, vì chợ tự phát bán ngoài vỉa hè vây quanh chợ thuận tiện việc mua bán nên hút hết khách. Mong rằng TP có biện pháp mạnh giúp chúng tôi”.
Qua thông tin từ bạn đọc, chúng tôi đến một số chợ trên địa bàn quận 9, ghi nhận tình trạng hoạt động kinh doanh ở các chợ này ngày càng ế ẩm. Tại chợ Phước Bình, chúng tôi tới chợ vào 8 giờ sáng chủ nhật, đúng giờ cao điểm họp chợ, nhưng chứng kiến cảnh đông người bán mà vắng người mua.
Ngồi phe phẩy chiếc quạt với vẻ mặt buồn bã, bà N.T.P., chủ quầy tạp hóa gia dụng, kể: “Sạp ở đây trống nhiều, dù giá thuê rất rẻ. Trước đây bán được lắm, nhưng chừng 7 - 8 năm nay rất ế ẩm, nhiều người mở sạp bán, nhưng chẳng bao lâu phải âm thầm dẹp tiệm. Quầy tạp hóa của tôi lớn nhất nhì khu này, đầu tư cả tỷ đồng mà cả ngày bán chưa nổi trăm ngàn đồng. Giờ lỡ đầu tư rồi, trụ được ngày nào hay ngày đó, chứ nản lắm!”. Chợ Phước Bình có hơn 100 quầy sạp. Sau khi hết hạn thuê 15 năm, phường tiến hành ký hợp đồng giao sạp cho tiểu thương bán, chỉ thu phí 8.000 đồng/ngày, thế nhưng hiện cũng chỉ có 50% sạp kinh doanh, các sạp còn lại đều có chủ, nhưng phải bỏ không vì ế quá. 
Nhiều chợ khác tại quận 9 cũng cùng cảnh ngộ. Tại chợ Phước Long B, chỉ những sạp ngoài mặt đường hiện còn kinh doanh, còn toàn bộ sạp phía trong hầu như bỏ trống. Nghe chúng tôi nói tới tìm hiểu để thuê sạp bán hàng, một tiểu thương can ngay: “Chớ dại bỏ tiền vào đây, tiểu thương chợ này ra vô như cơm bữa, vì ế ẩm quá”. Chợ Phú Hữu còn thê thảm hơn. Kể từ khi xây dựng đến nay là 13 năm nhưng chỉ hoạt động vài tháng đầu rồi rã, các sạp trong chợ đã xuống cấp. Hiện chợ chỉ khai thác được khoảng đất trống phía trước chợ để cho vài hàng ăn thuê kinh doanh buổi tối. Còn lại ban ngày đi ngang khu vực này như không hề có sự tồn tại của chợ. Cùng hoàn cảnh với chợ Phú Hữu là chợ Tân Phú. Dù chính quyền địa phương đã nỗ lực dẹp chợ tự phát để người dân vào chợ mua bán, nhưng cũng đành bất lực nhìn chợ ngày một xuống cấp, điêu tàn.
Sau một thời gian hoạt động èo uột với vài sạp kinh doanh ế ẩm, đến nay chợ Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) đã phải đóng cửa hẳn, xung quanh được rào chắn kỹ lưỡng bằng hàng rào lưới thép. Gần chợ Thạnh Mỹ Lợi có khu chung cư tái định cư với hơn 1.000 hộ dân sinh sống, nhưng tiểu thương không thể kinh doanh. Chợ thì ế nhưng các xe đẩy, quầy thịt bán trong khuôn viên chung cư lại rất đắt khách.
Đông dân cũng ế
Khi được hỏi vì sao chợ ế, ban quản lý nhiều chợ cho rằng vì chợ được xây dựng tại vị trí thưa dân, hay vì hiện có nhiều cửa hàng tiện ích, siêu thị mini mọc lên, khiến người dân không vào chợ. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy nếu lý giải các chợ ế ẩm do thưa dân thì thật khó thuyết phục. Minh chứng là chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh). Trước đây, chợ Văn Thánh cũ cũng được đầu tư xây dựng với tầng trệt và một lầu khang trang, chợ nằm ở ngã tư với 2 mặt tiền lớn là đường Điện Biên Phủ và đường D1, nhưng cũng vắng như chùa bà đanh. Trái ngược với chợ là hình ảnh chợ tự phát trong con hẻm gần đó, vô cùng sầm uất. 
Đứng giữa sạp bún vắng khách chỉ về các quầy sạp tấp nập cảnh mua bán ở chợ tự phát trước mặt, ông Ngô Văn Trọng (ngụ quận Bình Thạnh) rầu rĩ cho biết: “Năm 2010, sau khi phá chợ Văn Thánh cũ, địa phương sử dụng mặt bằng ấy xây dựng thành trung tâm thương mại, phường 25 tiến hành xây dựng chợ Văn Thánh mới trên diện tích 1.240m2, có tầng trệt, một lửng, một lầu, với 166 sạp, có số vốn đầu tư tới 10 tỷ đồng, nằm ngay trên con hẻm của chợ tự phát, mong sẽ thu hút được tiểu thương vào chợ để trả lại mỹ quan cho con hẻm. Thế nhưng, chợ này lại chung số phận như chợ cũ khi chợ tự phát vẫn hoạt động, hàng quán lan đến đâu người mua đông đến đấy, trong khi các sạp trong chợ cả ngày chỉ được vài ba người khách”.
Bà Bùi Thu Trâm, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế UBND phường Phước Bình, cho hay: “Chợ truyền thống ế ẩm là tình trạng chung ở TPHCM, chứ không riêng gì chợ Phước Bình. Hiện tiểu thương còn trụ lại trong chợ Phước Bình chủ yếu là bỏ mối quán ăn hoặc bán cho khách quen. Phường cũng đưa ra nhiều biện pháp để vực lại sức mua của chợ nhưng hiệu quả không như mong đợi. Người bán ở chợ tự phát hầu hết là dân nơi khác đến, cán bộ trật tự đô thị của phường chỉ có 1 người nên kiểm soát không xuể, vừa tuần tra qua là bà con lại tái chiếm. Đối với tiểu thương bán trong chợ, ngoài thu thuế theo quy định, Ban quản lý và UBND phường chỉ thu 8.000 đồng/sạp phí hoa chi và vệ sinh môi trường. Để vận động người bán bên ngoài vào chợ, phường cũng kêu gọi và bố trí sắp xếp để họ có chỗ ngồi buôn bán ổn định, nhưng lượng người chịu vào chợ bán không nhiều. Song song với việc tạo điều kiện về điểm bán, thời gian đầu phường còn kết hợp với chi cục thuế hỗ trợ tiểu thương kinh doanh trong chợ bằng cách không thu thuế tháng, chờ khi ổn định mới tính, thế nhưng tiểu thương vẫn bỏ chợ ra đường”.

Tin cùng chuyên mục