Trong không gian của “Cơm Hộp” (59 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TPHCM), giới trẻ không chỉ tìm thấy những món đồ chơi nghệ thuật độc đáo để làm quà lưu niệm, hay đơn giản là sưu tập theo ý thích mà còn là nơi hỗ trợ, tư vấn cho nghệ sĩ các giải pháp sản xuất, biến ý tưởng thành sản phẩm.
Mô hình một nhân vật bước ra từ truyện tranh, phim hoạt hình, hay những nhân vật không giống với bất kỳ ai, đó chính là art-toy (đồ chơi nghệ thuật). Art-toy hay designer toy là thuật ngữ dùng để chỉ những món đồ chơi được làm ra bởi nghệ sĩ hoạt động tự do, các nhà thiết kế…
Đây là một trào lưu đương đại khi một số studio và nghệ sĩ bắt đầu sử dụng mô hình đồ chơi, nhân vật… để thể hiện quan điểm nghệ thuật, phong cách trình bày, các kỹ năng tạo tác và gu thẩm mỹ riêng của bản thân. Chính vì thế, phần nhiều các art-toy mang giá trị tinh thần, gắn với những câu chuyện riêng của người nghệ sĩ tạo nên chúng.
Khác với những loại hình đồ chơi khác, các sản phẩm art-toy đều được làm thủ công do chính các nghệ sĩ trực tiếp thực hiện, tự quyết định ý niệm, cách thể hiện và ra mắt (không thông qua một đơn vị đại diện hay hãng sản xuất nào). Phụ thuộc vào ý tưởng và sự sáng tạo của người nghệ sĩ, art-toy gần như không kén bất kỳ chất liệu nào như gỗ, kim loại, vinyl, nhựa ABS, đất sét… Đa phần các art-toy chỉ có độc bản hoặc được sản xuất với số lượng ít.
Trên thế giới, art-toy cũng được xem như một hình thức sáng tác của nghệ thuật đương đại và phát triển từ 10-20 năm trước. Art-toy đầu tiên xuất hiện ở Hồng Công (Trung Quốc) và Nhật Bản, sau đó thú vui này lan ra nhiều nước như Singapore, Thái Lan… là những quốc gia có sàn bán art-toy lớn. Ở đó, họ có hội chợ lớn, đa dạng sản phẩm và cũng làm bệ phóng cho các tên tuổi nghệ sĩ trong giới art-toy phát triển.
Thành lập từ tháng 7-2020, nhóm “Cơm Hộp” là nơi các nghệ sĩ trẻ lập nên để thỏa đam mê với art-toy và tạo sân chơi để hỗ trợ và kết nối bạn trẻ cùng đam mê. Sau 4 lần tổ chức triển lãm với tên gọi “Cơm Thập Cẩm”, nhóm “Cơm Hộp” và đồ chơi nghệ thuật bắt đầu thu hút khách tham quan, mua sắm và kể cả nhà sưu tập.
“Ý tưởng độc lập nguyên bản, tinh thần sáng tạo Việt Nam luôn là những gì “Cơm Hộp” mong muốn giới thiệu đến cộng đồng sáng tạo, cũng như công chúng hâm mộ nghệ thuật trên toàn thế giới. Chúng tôi mong muốn các bạn có cái nhìn mới về một trào lưu tại Việt Nam và những tiềm năng nó mang đến. Một số triển lãm của “Cơm Hộp” đã có các nhà sưu tập tìm đến, đây là niềm vui lớn và động lực đối với nhóm”, anh Minh Tuấn, trưởng nhóm “Cơm Hộp”, chia sẻ.
Còn quá sớm để có thể nói về tính thương mại của mô hình art-toy tại Việt Nam, ngay cả “Cơm Hộp”, các thành viên của nhóm cũng phải làm nhiều công việc khác để nuôi đam mê sáng tạo của bản thân. Nhưng có một điều có thể khẳng định, chính là sự xuất hiện đúng lúc của “Cơm Hộp” khi giới trẻ bắt đầu tìm hiểu và sáng tạo art-toy như một dòng chảy mới trong nghệ thuật đương đại.