Đà Lạt

Đô thị di sản thứ hai ở Việt Nam?

Đô thị di sản thứ hai ở Việt Nam?

Cố đô Huế là đô thị đầu tiên ở Việt Nam được giới kiến trúc công nhận là đô thị di sản và đã được UNESCO công nhận. đô thị thứ 2 hội đủ các yếu tố của một đô thị di sản chính là Đà Lạt - thành phố nằm ở độ cao 1.500m so với mặt biển. Việc nhận diện để đưa ra hướng quy hoạch, bảo tồn, phát huy vốn kiến trúc là vấn đề có ý nghoá quyết định đến tương lai của đô thị này.

Đô thị di sản thứ hai ở Việt Nam? ảnh 1

Một góc biệt thự cổ số 14 khu Lê Lai.

Tại một hội nghị về kiến trúc Đà Lạt tổ chức cách đây chưa lâu, có sự tham dự của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, giới kiến trúc sư cả nước đã đề nghị từ nay trở đi dùng từ “đô thị di sản” khi nói đến kiến trúc Đà Lạt.

Đà Lạt có những kiến trúc cơ bản đặc trưng của một đô thị di sản: Là đô thị đầu tiên của nước ta có chức năng du lịch nghỉ dưỡng; được quy hoạch, quản lý rất chặt chẽ ngay từ đầu; hiện vẫn còn nhiều công trình kiến trúc có giá trị và ảnh hưởng rõ rệt của kiến trúc tới việc hình thành phong cách - văn hoá của người Đà Lạt.

Khai sinh từ ý tưởng muốn xây dựng một đô thị nghỉ dưỡng, ngay từ đầu, Đà Lạt được quy hoạch rất rõ về chức năng và quy định nghiêm ngặt về mặt kiến trúc với sự kết hợp hài hòa giữa các khu hành chính, thương mại, sản xuất nông nghiệp, khu nhà biệt thự, khu trường học...

Các công trình kiến trúc ở TP này đều lấy tâm là hồ Xuân Hương hướng về đỉnh Lang Biang để điều chỉnh tầm nhìn, độ cao và tạo nên một sự nhất quán trong kiến trúc đô thị. Suốt trong hàng chục năm sau đó, kiến trúc Đà Lạt rất ít bị xáo trộn và luôn giữ được vẻ độc đáo vốn có.

Đô thị di sản thứ hai ở Việt Nam? ảnh 2

Biệt thự cổ Merionnet số 44 Hùng Vương còn khá nguyên vẹn.

Theo thống kê, trước ngày 30-4-1975, Đà Lạt có hơn 2.000 ngôi biệt thự, công sở, trường học; trong đó có hàng trăm công trình có giá trị kiến trúc như khu Lê Lai, Trần Hưng Đạo, trường Cao đẳng Sư phạm, ga Đà Lạt, khu Lê Hồng Phong, kiến trúc đá đường Quang Trung...

Điểm khu biệt lớn nhất giữa 2 đô thị di sản Huế và Đà Lạt, theo GS-TS Hồng Đạo Kính, là Cố đô Huế là đô thị di sản của quá khứ với lâu đài, thành quách; di sản kiến trúc Đà Lạt vẫn đang hiện hữu, đang sống và phát triển...

Nếu kinh thành Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới thì Đà Lạt cũng có thể làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là đô thị di sản với kiến trúc cổ châu Âu thế kỷ XIX.

Đô thị di sản thứ hai ở Việt Nam? ảnh 3

Kiến trúc đá độc đáo của Nha Địa dư đông Dương (cũ) nay là Xí nghiệp in bản đồ Đà Lạt.

Lâu nay, người ta đã ta thán nhiều về sự xuống cấp của di sản đô thị Đà Lạt và điều này ngồi khả năng giải quyết của tỉnh Lâm Đồng.

Tình trạng xây cất lộn xộn kiểu “trăm hoa đua nở” đã làm biến dạng hẳn khu vực thương mại hòa Bình có kiến trúc nhà 3 tầng mặt phố.

Cho đến nay, nhiều khu kiến trúc cổ có giá trị như khu vực biệt thự Mê Linh, Huyền Trân Công Chúa, Lê Hồng Phong, Huỳnh Thúc Kháng, Hùng Vương hay các công trình kiến trúc công sở độc đáo như Nha Địa dư (cũ) nay là Xí nghiệp in bản đồ Đà Lạt; các nhà thờ Con Gà, Đô - Men... vẫn chưa được đưa vào danh sách “bảo tàng sống” để có kế hoạch bảo vệ.

Vấn đề đặt ra bây giờ là phải sớm vạch ra một kế hoạch cụ thể cho việc đánh giá lại một cách đầy đủ vốn kiến trúc hiện có (kể cả các công trình mới); đề xuất các hướng bảo tồn cụm hay riêng lẻ; tiếp tục nghiên cứu, tạo thêm các khu kiến trúc mới sao cho vẫn đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững.

Việc sớm nâng cấp, tách Đà Lạt thành thành phố trực thuộc Trung ương cũng là một cứu cánh cho việc bảo tồn - phát triển đô thị di sản Đà Lạt.

Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập mạnh vào nền kinh tế thế giới thì việc xác định hướng đi lên đô thị di sản trình UNESCO công nhận là một công việc rất quan trọng để xây dựng Đà Lạt trở thành một thương hiệu du lịch có tầm vóc quốc tế.

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục