Đô thị năm Ất Dậu

(Đinh Vân Trường -
Đô thị năm Ất Dậu

Đã có khoảng 100 câu hỏi của bạn đọc báo Sài Gòn Giải Phóng gởi Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Đua hỏi về những vấn đề liên quan đến giao thông, môi trường, quy hoạch…Trong số báo này chúng tôi trích đăng một số câu trả lời. Phần còn lại sẽ được đăng trong mục Dân hỏi các số sau.

  • Làm đẹp thành phố nhưng vẫn tiết kiệm
Đô thị năm Ất Dậu ảnh 1

Trồng mới hoa trên đường Lê Lợi.  Ảnh: ĐỨC THÀNH

* Các bồn hoa trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi… trồng hoa ngắn ngày, cứ vài ngày lại phải nhổ đi, trồng mới, hoang phí quá. Tại sao không trồng cây lá màu vẫn rất đẹp mà không phải nhổ bỏ thường xuyên? (Đinh Vân Trường - Sương Nguyệt Ánh, Q1)

- UBND TP đã chỉ đạo ngành GTCC, các địa phương nghiên cứu trồng cây lá màu hoặc hoa có tuổi thọ dài, phù hợp với khí hậu, kiến trúc thành phố, để tiết kiệm hơn.

* Nhà ở tại nhiều khu dân cư mới vẫn được xây dựng theo kiểu “trăm hoa đua nở”: Cái xanh, cái đỏ, cái thụt vào, cái lòi ra… rất mất thẩm mỹ. Bao giờ thành phố mới có kế hoạch xây dựng những khu phố có kiến trúc đồng bộ, thống nhất, hài hòa? (Nguyễn Văn Dũng - Việt kiều Úc - tạm trú ở đường Bùi Thị Xuân, Q. 1)

- Đây là lời phê bình đúng, phản ánh quá trình chỉ đạo việc xây dựng những khu dân cư mới chưa sâu sát, cụ thể, các mẫu nhà chung cho khu vực vẫn được xem xét một cách đại khái. UBND TP đã yêu cầu tìm thêm những mẫu nhà mới, đẹp... và chỉ đạo thống nhất xây dựng nhà theo từng khu phố, khu dân cư hướng đến sự hài hòa trong kiến trúc nhưng không làm giảm sự đa dạng cần có của một đô thị hiện đại.

  • Sẽ có nhiều quy định về bảo vệ môi trường

* Các công trình giao thông thi công vào mùa hè thường gây bụi mù mịt, ô nhiễm môi trường. Có cách nào giải quyết vấn đề này không? (Nguyễn Thiện Tâm, phường 5 quận Phú Nhuận)

- UBND TP đã giao cho Sở Tài nguyên Môi trường nghiên cứu, tham mưu cho UBND TP ban hành các quy định về xử lý việc gây ô nhiễm môi trường khi thi công. Trong đó, không chỉ có vấn đề về bụi mà còn tiếng ồn, khói, bùn rơi vãi từ các phương tiện vận tải... Theo hướng sắp tới là tại các công trường phải có nước để rửa sạch xe trước khi xe đi ra đường, làm ẩm đường để tránh bụi… Tất cả các điều này phải được đưa thành điều kiện trong hồ sơ mời thầu.

* Tất cả kênh, rạch của thành phố đều bị ô nhiễm, lấn chiếm. Kế hoạch giải quyết vấn nạn này ra sao? (Đức Thành Q1)

- Chủ tịch HĐND TP đã thống nhất sẽ có một chuyên đề bàn về vấn đề thoát nước, xử lý nước thải… trong đó bao gồm việc làm sạch kênh, rạch. Đây là một vấn đề không thuần túy kỹ thuật mà liên quan nhiều đến xã hội, kinh tế…đòi hỏi nhiều ban ngành và cả người dân tham gia đóng góp ý kiến và góp sức cùng làm.

Trước mắt, các ban ngành, phải thực hiện các qui định của UBND TP về chống lấn chiếm, xả rác xuống sông kênh rạch để không làm tăng tình trạng ô nhiễm hiện có. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang thực hiện một số dự án làm sạch kênh, rạch như cải thiện môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Kênh Đôi - Kênh Tẻ… Ở các đô thị mới, thành phố yêu cầu mở rộng một số kênh, rạch hiện hữu, xây thêm hồ điều tiết nước để vừa đảm bảo cảnh quan vừa làm nơi tiêu thoát nước.

* Tại sao cho đến nay thành phố vẫn chôn rác là chủ yếu? Vừa tốn đất vừa không thu hồi được vật dụng có thể tái chế được? (Văn Thành Quang - Kinh Dương Vương, Q6)

- Việc chôn rác hiện nay vệ sinh hơn và xử lý được nước rỉ rác. Tuy nhiên, điều này cũng chưa thể chấp nhận được. Với các khu xử lý chất thải rắn, UBND TP đã yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu xây dựng thêm các khu tái chế, thu hồi khí ga... song song đó cũng tiến hành thí điểm phân loại rác từ nguồn ở các quận 4, 5, 6 để tạo điều kiện tốt cho việc chọn rác đưa đi tái chế. Một điều quan trọng hơn là thành phố sẽ tiến hành mạnh mẽ xã hội hóa việc đầu tư xử lý rác. Bãi rác cũ Đông Thạnh sẽ được trồng cây xanh và cải tạo thành công viên.

  • Vỉa hè, Nhà nước và nhân dân cùng làm
Đô thị năm Ất Dậu ảnh 2

Lề đường Lê Lợi sạch, đẹp, thông thoáng.
Ảnh: CAO THĂNG

* Vừa qua, vỉa hè trước nhà chúng tôi bị đào lên để đặt dây cáp điện. Đơn vị thi công làm xong có tái lập nhưng rất cẩu thả, gây lún sụt. Chúng tôi khiếu nại lên quận vì nghe nói vỉa hè là do quận quản lý nhưng quận trả lời: Việc đào đường này là do Khu quản lý giao thông đô thị thành phố cấp phép, do đó chỉ có Khu mới giải quyết được. Hỏi Khu thì nhận được câu trả lời: Vỉa hè do quận quản lý, Khu không biết. Vậy thì ai biết? (Đinh Văn Công - Tân Bình)

- Trường hợp này tôi sẽ cho kiểm tra lại. Hiện nay UBND TP phân cấp cho các quận quản lý vỉa hè trên địa bàn của mình. Do vậy, bất kể đơn vị nào đào vỉa hè, UBND các quận đều có quyền và trách nhiệm kiểm tra, lập biên bản xử phạt.

* Tại sao vỉa hè của các quận trung tâm như 1, 3... thì được sửa chữa, đổi mới thường xuyên nhưng vỉa hè ở các quận ngoại thành thì chẳng mấy khi được chăm sóc, làm mới, thậm chí nhiều khu dân cư cũng không có vỉa hè. Tại sao thành phố không cân đối ngân sách cho các quận vùng ven? (Đào Văn Thanh - Căn cứ 26 - Gò Vấp)

- Cách đặt vấn đề của bạn là đúng. Ở các khu dân cư mới, UBND TP đã có quy định: Chủ đầu tư công trình khi làm đường phải có vỉa hè. Thậm chí với những công trình đã thực hiện từ nhiều năm trước như: Cải tạo QL1A đoạn An Sương - An Lạc, theo thiết kế ban đầu không có vỉa hè, UBND TP đã yêu cầu chỉnh sửa lại và bổ sung thêm hạng mục này. Đối với các khu dân cư hiện hữu, UBND TP đã chỉ đạo các quận vận động nhân dân có nhà mặt tiền góp sức, tiền, cải tạo, xây dựng mới lại vỉa hè. Và người dân cùng tham gia giám sát việc thi công.

* Nhiều người dân đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để xây vỉa hè trước nhà mình cho đẹp nhưng khi nhà nước xây vỉa hè thì lại đập bỏ đi, rất lãng phí. Tại sao thành phố không công bố “chuẩn” vỉa hè để người dân có điều kiện tự xây vỉa hè trước, khi nhà nước làm thì cứ thế mà “ráp” vào, khỏi đập bỏ cái trước đi. (Phan Thái Bình - Bình Thạnh)

- Sở GTCC đã công bố “chuẩn” vỉa hè. Tuy nhiên, UBNDTP đang yêu cầu bổ sung thêm một số nội dung cho phù hợp hơn. Ví dụ, việc bó vỉa cây xanh phải được tính toán lại để làm sao vừa không chiếm diện tích vỉa hè, vừa không quá cao, dễ gây tai nạn cho người đi bộ... Sở GTCC đang thí điểm thực hiện thay đổi này ở một số nơi và sẽ công bố điều chỉnh “chuẩn” vỉa hè. Người dân có thể góp sức cùng nhà nước xây dựng chứ không nên tự mình xây vì sau này khó thống nhất với vỉa hè chung của thành phố.

  • Kiên trì xử phạt hành vi không đội nón bảo hiểm

* Tại sao việc đội nón bảo hiểm, đo nồng độ rượu trong máu lúc đầu rầm rộ, sau lắng đi? Theo tôi đây là biện pháp tốt để hạn chế tai nạn.  (Đào Tuấn Anh - Q3)

- Không hề lắng đi. UBND TP đang chỉ đạo Công an thành phố tìm mua thêm thiết bị đo nồng độ rượu hợp vệ sinh. Việc đội nón bảo hiểm vẫn được tiếp tục thực hiện nghiêm. Không những thế thành phố còn đang nghiên cứu quy định việc đội nón khi đi xe gắn máy 2 bánh thêm ở một số tuyến đường nữa.

  • Làm, đào đường nhưng vẫn đảm bảo an toàn giao thông
Đô thị năm Ất Dậu ảnh 3

Đào đường thi công công trình cấp nước ở quận Gò Vấp. Ảnh: CAO THĂNG

* Khi tiến hành xây dựng đại lộ Đông-Tây, giao thông từ quận 1 sang quận 4 sẽ gặp những khó khăn gì? Liệu có phải bít đường không?  (Lê Hữu Hiệp, Tổ trưởng tổ dân phố 3, khu phố 5, Cô Giang, Q1)

- Giao thông tại đây nhất định sẽ gặp khó khăn khi thi công đại lộ Đông-Tây. Tuy nhiên, UBND TP đã chỉ đạo cho chủ đầu tư phải có phương án tổ chức giao thông. Ví dụ, khi cầu Khánh Hội được dỡ bỏ thì đơn vị thi công phải làm đường tạm để nhân dân đi lại...

* Cầu Nguyễn Tri Phương có tĩnh không cao 2,5m, làm cho xe có chiều cao hơn 3m không thể đi qua được. Sắp tới Đại lộ Đông-Tây sẽ phải đi qua gầm cầu này. Với tĩnh không thấp như vậy làm sao xe đi trên đại lộ to đẹp này qua được gầm cầu Nguyễn Tri Phương. Có phải đập cầu này đi không?  Hải Đăng (Bình Thạnh)

- Không có việc đập bỏ cầu Nguyễn Tri Phương. Ban quản lý dự án đại lộ Đông-Tây đã có tính toán kỹ về việc xây đường với đảm bảo là xe lớn vẫn có thể qua gầm cầu này.

* Cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh được Khu quản lý giao thông đô thị xác định có lún nghiêm trọng. Nguyên nhân xảy ra sự cố ấy là gì? UBND TP xử lý ra sao? (Trần Gia Được, P22, Bình Thạnh)

- Để có cơ sở đánh giá khách quan về việc lún, UBND TP đã có văn bản gởi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cử cán bộ cùng thành phố xem xét và đề ra các giải pháp giải quyết sự cố. Từ kết luận này, UBND TP sẽ có hướng xử lý thích hợp.

* Sao không thi công đường Trường Chinh từng bên một mà lại dựng hàng rào thi công 2 bên khiến hầu hết các hộ kinh doanh buôn bán ở đây không thể làm ăn được? Các hộ kinh doanh có được đền bù thiệt hại không? Dự án này bao giờ hoàn thành. (Bùi Đăng Tình, ngã ba Tân Sơn-Trường Chinh-Tân Bình)

- Dự án cải tạo, nâng cấp đường Trường Chinh sẽ được hoàn thành vào dịp 30-4-2005. Đây là cửa ngõ đi Tây Ninh và nước bạn Campuchia của thành phố mà lại thường xuyên bị kẹt xe. Do vậy, để thông thương, thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư công trình chia dự án làm nhiều gói thầu nhỏ, mời nhiều đơn vị thi công cùng làm một lúc ở cả 2 bên đường để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Rất mong bà con thông cảm. Hơn nữa, công trình hoàn thành sớm ngày nào thì việc đi lại, buôn bán của bà con cũng sẽ thuận lợi thêm ngày ấy.

4 nhóm việc sẽ tập trung làm trong năm 2005
1. TPHCM và Bộ Giao thông Vận tải sẽ khẩn trương hoàn thiện quy hoạch giao thông thành phố, trình Thủ Tướng xem xét, phê duyệt.
2. Tìm vốn cho các dự án lớn như metrô, xe điện…
3. Tiếp tục lập các dự án giải quyết vấn đề giao thông ở các trục đường lớn.
4. Huy động sức dân trong đầu tư, vận động nhân dân hiến đất xây đường, cầu...
dự án giao thông xây dựng trong năm 2005

* Nghe nói năm nay, chỉ riêng ngành Cấp nước đã đào gần 600 kilômét đường để đặt ống cấp nước. Các ngành thoát nước, điện, bưu điện chắc sẽ đào thêm hàng trăm km đường nữa... Như vậy, toàn thành phố sẽ bị cày xới lên? UBND TP có biện pháp gì để việc này không gây ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân?  (Bùi Văn Hòa, P5 Phú Nhuận)

- Ở các khu đô thị mới như Thủ Thiêm, Tây Bắc Củ Chi... thành phố chủ trương ngầm hóa toàn bộ các công trình này. Chủ đầu tư các công trình hạ tầng ở đây phải tính toán xây dựng hào kỹ thuật cho các công trình ngầm. Không chỉ có điện, nước, bưu điện mà còn phải tính đến việc xây dựng các tuyến đường ống dẫn ga… phục vụ cho việc sinh hoạt của người dân trong một đô thị hiện đại.

Ở các khu đô thị cũ, do hệ thống ngầm này phần lớn đã cũ hoặc quá tải nên chúng ta phải chấp nhận sẽ đào đường để sửa chữa, làm mới. UBND TP đã giao nhiệm vụ cho Sở GTCC thống nhất quản lý việc đào đường từ khâu cấp phép đến tái lập lại mặt đường. Đông thời yêu cầu chủ đầu tư trong hồ sơ mời thầu phải xác định rõ tiêu chí về đào đường phải đảm bảo vệ sinh môi trường để buộc đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc. Các đơn vị có nhu cầu đào đường phải đăng ký với Sở GTCC để Sở chủ động lên kế hoạch phối hợp đào đường giữa các đơn vị, tránh tình trạng đường vừa được xây dựng xong đã bị đào xới.

  • Nghiên cứu phát triển mạng giao thông thủy

* TPHCM và một số vùng ven đều có mạng lưới sông, kênh rạch tương đối tốt. Tại sao không mở tuyến buýt đường sông để giảm tải cho đường bộ ? (Vũ Văn Chương, 11/65 xã Bình Hưng Hòa, Bình Chánh)

- Đúng là sông, kênh rạch thành phố đa dạng nhưng để trở thành tuyến giao thông còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó yếu tố về thủy triều là rất quan trọng. Thủy triều tại thành phố là thủy triều bán nhật, khi nước xuống, tàu bè rất khó đi. Do vậy, khó mở tuyến buýt. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm. Riêng, trong quy hoạch Thủ Thiêm thành phố đã yêu cầu tư vấn nghiên cứu phát triển loại hình taxi trên sông. Thành phố cũng đang nghiên cứu phát triển mạng lưới đường thủy đi đến các vùng phục cận. 

THIỆN NHÂN

                              5 dự án giao thông xây dựng trong năm 2005

1.Dự án cầu Phú Mỹ: Dự án có vốn đầu tư lên đến 1.806,5 tỉ đồng. Trong đó, chi phí đền bù giải tỏa là 100 tỉ đồng. Theo thiết kế, dự án có chiều dài 2.031m, rộng 27,5m với sáu làn xe lưu thông hai chiều, mỗi chiều ba làn xe. Tĩnh không thông thuyền 380m giữa hai trụ cầu, cao 45m so với mặt nước. Điểm đầu tuyến ở gần khu vực Cảng Rau quả (quận 7) và kết thúc tại điểm giao với đường vành đai phía Đông (quận 2).

2.Dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Văn Trỗi: Đầu tuyến tại đường Trường Sơn (quận Tân Bình), cuối tuyến là giao lộ của hai đường Điện Biên Phủ-Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tuyến được thiết kế theo quy mô đường phố chính cấp 2 dài hơn 3.800m, rộng 30m tương đương với sáu làn xe. Chi phí cho đền bù giải tỏa khoản 778 tỉ đồng trên tổng vốn đầu tư của công trình là 852,1 tỉ đồng. Dự kiến công trình này sẽ động thổ trước 30-4-2005.

3.Dự án cầu Thủ Thiêm: Tổng vốn đầu tư cho dự án là 1.099,6 tỉ đồng, trong đó chi phí di dân, giải phóng mặt bằng là 446 tỉ đồng. Về mặt kỹ thuật, cầu có thiết kế tĩnh không thông thuyền 80m giữa hai trụ cầu, cao 10m tính từ mặt nước, rộng 28m cho phần cầu chính (dài 766m). Ngoài ra, còn có bốn cầu nhánh nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh và một hầm bốn làn xe trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Chiều dài của hầm khoảng 460m, trong đó đoạn hầm kín dài 60m và bề rộng mặt hầm 19m. Dự án sẽ được động thổ trước 30-4-2005.

4.Dự án đường vành đai phía Đông nối cầu Phú Mỹ: Dự án sẽ chia thành hai giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 cần khoản kinh phí lên đến 306,18 tỉ đồng (chưa tính chi phí cho đền bù giải tỏa vì được bố trí trong một dự án riêng). Đầu tuyến sẽ bắt đầu tại cầu Phú Mỹ và điểm cuối tuyến là cầu Rạch Chiếc. Về quy mô, dự án có chiều dài 8.974m, rộng 67m nhưng trước mắt chỉ xây dựng hai đường song song, mỗi đường rộng 7,5m. Có tổng cộng bảy cầu trên toàn tuyến và hai hầm chui.

5.Dự án cầu đường Nguyễn Văn Cừ: Dự án sẽ được động thổ trong quý 1 năm 2005. Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 371 tỉ đồng, trong đó chi phí cho đền bù giải tỏa chiếm hơn 161 tỉ đồng. Đường có chiều dài 1.691m bao gồm cả đường dẫn lên cầu. Lộ giới quy hoạch là 40m. Điểm bắt đầu của dự án tiếp giáp với đại lộ Trần Hưng Đạo (quận1 và 5). Tim đường sẽ trùng với tim đường Dương Bá Trạc hiện hữu. Điểm kết thúc của dự án là đường Tạ Quang Bửu (quận 8).  

Tin cùng chuyên mục